Thu hồi nợ thuế: quyết liệt ngay từ đầu năm

03/01/2016 03:42:34 PM




Nhận định kết quả thu nợ thuế năm 2015 đã ghi nhận những bước tiến bộ, song tỷ lệ nợ trên tổng thu ngân sách vẫn cao hơn chỉ tiêu được giao, bên cạnh những nguyên nhân khách quan vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong việc triển khai quy trình quản lý. Vì thế ngay từ đầu năm 2016, Tổng cục Thuế đã yêu cầu cục thuế các tỉnh, TP triển khai ngay các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (CCNT).
Upload file:

 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn cho biết, theo văn bản chỉ đạo mới nhất về các biện pháp quản lý nợ thuế (Công văn số 557/TCT-QLN ngày 4/2/2016), Tổng cục Thuế đã yêu cầu đích thân Cục trưởng Cục Thuế phải tập trung chỉ đạo thực hiện ngay việc gắn chỉ tiêu thu tiền thuế nợ đã được giao từ đầu năm với việc giao chỉ tiêu đôn đốc thu đối với DN có tiền thuế nợ tại thời điểm 31/12/2015 và chỉ tiêu cụ thể hàng tháng về công khai thông tin người nộp thuế đến từng đơn vị trực thuộc. Bên cạnh đó, Cục Thuế phải giao chỉ tiêu đôn đốc thu tiền thuế nợ đối với từng khoản thu có điều tiết về trung ương đến từng chi cục thuế, đội thuế, từng cán bộ tham gia công tác quản lý nợ và CCNT. Tất cả các phần việc này, định kỳ hàng tháng phải báo cáo kết quả thực hiện để Tổng cục Thuế theo dõi, giám sát và đôn đốc thực hiện. 

Để có số liệu chính xác làm căn cứ thực hiện đôn đốc, công bố thông tin về các trường hợp nợ tiền thuế và thực hiện cưỡng chế, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế tập trung rà soát dữ liệu kê khai, ngăn chặn sai sót; kịp thời nhập các dữ liệu trên các quyết định xử lý vi phạm hành chính về thuế, quyết định xoá nợ, gia hạn nộp thuế do các bộ phận có liên quan chuyển đến nhằm giảm số nợ chờ xử lý tại cơ quan thuế; phối hợp với ngân hàng và người nộp thuế trong công tác rà soát chứng từ để tránh sai sót, dẫn đến nợ kéo dài. Cùng lúc, bộ phận thanh tra, kiểm tra, tổng hợp - nghiệp vụ - dự toán và các bộ phận khác có liên quan trong cơ quan thuế chủ động rà soát, đôn đốc ngay các khoản nợ dưới 90 ngày để đảm bảo nợ không kéo dài dẫn đến chây ỳ. Riêng bộ phận quản lý nợ và CCNT dựa vào cơ sở dữ liệu kê khai đã nhập trên hệ thống quản lý thuế (TMS) phải rà soát những trường hợp nợ thuế để tham mưu cho lãnh đạo chỉ đạo các bộ phận có liên quan phối hợp rà soát và đôn đốc kịp thời các khoản nợ thuế vào NSNN.

Về các biện pháp đôn đốc thu tiền thuế nợ thuế, nguyên tắc mà Tổng cục Thuế đề ra là, tập trung giải quyết kịp thời, đúng quy định các hồ sơ gia hạn nộp thuế, xóa nợ, nộp dần tiền thuế và không tính tiền chậm nộp để tránh tình trạng nợ chờ xử lý kéo dài. Trong đó, các cục thuế phải giải quyết dứt điểm các khoản nợ chờ xử lý còn tồn đọng tại thời điểm 31/12/2015 trước ngày 29/2/2016, không để tình trạng người nộp thuế đã nộp tiền vào NSNN nhưng vẫn chưa được trừ nợ do sai sót. Đặc biệt phải thực hiện rà soát, phân loại các trường hợp nợ khó thu để phản ánh đúng bản chất của khoản tiền thuế nợ.  

Tương tự, việc thực hiện các biện pháp CCNT cũng phải đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định. Cụ thể, căn cứ cơ sở dữ liệu quản lý thuế tập trung (TMS), định kỳ, Tổng cục Thuế sẽ thông báo danh sách các DN có số tiền thuế nợ lớn, kéo dài để Cục Thuế các địa phương tổ chức rà soát, đối chiếu số liệu, kịp thời xác định chính xác số nợ của từng người nộp thuế. Trên cơ sở danh sách này, Cục Thuế và Chi cục Thuế ban hành quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế theo quy định. Theo đó, cơ quan thuế sẽ thực hiện biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản đối với 100% DN thuộc đối tượng phải cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Trường hợp đối tượng bị cưỡng chế có mở tài khoản tại nhiều kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng khác nhau thì cơ quan thuế căn cứ vào số các tài khoản mở tại kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng này để ban hành quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản đối với một tài khoản hoặc một số tài khoản để đảm bảo thu đủ tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp. Đồng thời, yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản đối với các tài khoản còn lại của người nộp thuế. Khi một hoặc một số trong các kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng đã trích đủ số tiền theo quyết định cưỡng chế (có chứng từ nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo quyết định cưỡng chế), cơ quan thuế có trách nhiệm thông báo cho các kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng còn lại để các tổ chức này dừng ngay việc thực hiện phong tỏa tài khoản. 

Đối với các quyết định CCNT bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản đã quá 30 ngày mà đối tượng bị cưỡng chế chưa nộp hoặc nộp chưa đủ số tiền ghi trên quyết định cưỡng chế thì cơ quan thuế phải ban hành ngay quyết định cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng. Sau khi hết thời hiệu thi hành của quyết định cưỡng chế bằng biện thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng (01 năm), nếu đối tượng bị cưỡng chế chưa nộp hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế nợ vào NSNN, thì cơ quan thuế tiếp tục ban hành quyết định cưỡng chế bằng các biện pháp tiếp theo. Trường hợp đang áp dụng biện pháp cưỡng chế thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng, nếu người nộp thuế có văn bản đề nghị xuất hóa đơn lẻ cho từng lô hàng, hạng mục công trình hoàn thành thì cơ quan thuế đề nghị người nộp thuế có văn bản cam kết nộp toàn bộ số tiền thuế phát sinh cho hóa đơn xuất lẻ đó và kế hoạch nộp số tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp còn nợ NSNN. Tuy nhiên, kế hoạch nộp số tiền còn nợ này phải đảm bảo nộp hết toàn bộ trước ngày 30/9/2016. Nếu người nộp thuế vi phạm cam kết thì cơ quan thuế dừng ngay việc xuất hóa đơn lẻ.

Theo Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn, bên cạnh các giải pháp nghiệp vụ, Tổng cục Thuế đã yêu cầu thủ trưởng cơ quan thuế các cấp phải trực tiếp chỉ đạo công tác quản lý nợ và CCNT; gắn kết quả thực hiện công tác này với việc bình xét thi đua khen thưởng của từng cán bộ trong đơn vị. Để hỗ trợ nâng cao trình độ cho CBCC, cục thuế các địa phương phải tăng cường đào tạo, tập huấn cũng như trao đổi kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực này. Đặc biệt, các cục thuế phải đảm bảo thời gian báo cáo theo đúng quy định tại quy trình quản lý nợ; chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra việc triển khai thực thi nhiệm vụ đối với phòng quản lý nợ và tối thiểu mỗi tháng phải kiểm tra được ít nhất một chi cục thuế. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc phân loại nợ thuế, việc tổng hợp đầy đủ các khoản tiền thuế nợ, việc ban hành thông báo và quyết định cưỡng chế thuế, việc xử lý các hồ sơ gia hạn nộp thuế, đồng thời hỗ trợ giải đáp thắc mắc và tổng hợp các vướng mắc trên địa bàn để báo cáo Tổng cục Thuế kịp thời xử lý./.

 

Theo Tapchithue