Điều chỉnh thuế TTĐB kết hợp với tăng cường chống buôn lậu

05/12/2014 02:55:47 PM




Việc nâng thuế TTĐB đối với các mặt hàng bia, rượu, nước ngọt có ga là cần thiết. Tuy nhiên để tránh những tác động đến hoạt động SXKD, Chính phủ nên xem xét giãn lộ trình thực hiện đến 1/1/2016 và cần tăng cường công tác chống buôn lậu. Đó là đề xuất của Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc khi trao đổi về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB.
Upload file:

 

Nâng thuế TTĐB là cần thiết
 
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB đang được Bộ Tài chính trình Chính phủ có điều chỉnh cả về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, giá tính thuế và thuế suất. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Cúc, nội dung thu hút sự quan tâm nhất hiện nay là việc nâng thuế TTĐB đối với 3 nhóm mặt hàng lớn là bia, rượu, nước ngọt có ga không cồn và thuốc lá.  
 
Đối với mặt hàng nước ngọt có ga không cồn, hiện nay còn rất nhiều quan điểm khác nhau về việc có nên áp thuế 10% hay không. Bà Cúc cho rằng, để làm rõ vấn đề này, cần nghiên cứu kỹ cả cơ sở lý luận và thực tiễn ở Việt Nam. Trước hết, đặc tính của thuế TTĐB là đánh vào những sản phẩm không khuyến khích sử dụng để định hướng tiêu dùng và loại thuế này chỉ phù hợp với từng quốc gia, trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Đơn cử như dịch vụ chơi gôn, ở Việt Nam đang chịu thuế TTĐB và không được khuyến khích chơi do đây là trò chơi xa xỉ, tốn nhiều diện tích đất đai để xây dựng sân bãi, nhưng với các nước có kinh tế phát triển, gôn được cho là dịch vụ thể thao, du lịch nên không phải chịu thuế TTĐB.
 
Tương tự như vậy, sản phẩm nước ngọt có ga không cồn có thành phần chủ yếu là các chất công nghiệp gây tác hại nhất định cho sức khỏe con người là một trong các tác nhân gây ra các bệnh béo phì, mỡ máu, tiểu đường, thì lại đang được tiêu thụ mạnh, trong khi nhiều sản phẩm do Việt Nam sản xuất, có lợi cho sức khỏe lại không tiêu thụ được. Do đó, việc áp thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga không cồn, không những để định hướng tiêu dùng và bảo vệ sản xuất mà còn góp phần nâng cao sức khỏe cho cộng đồng. Hiện nay, nhiều quốc gia cũng đang áp dụng thuế TTĐB đối với mặt hàng này, đồng thời có những khuyến cáo không nên dùng nhiều, đặc biệt đối với trẻ em và phụ nữ mang thai. 
 
Có một số ý kiến cho rằng, áp thuế đối với nước ngọt có ga không cồn để tăng thu ngân sách, nhưng thực tế ở Việt Nam số thu từ thuế TTĐB không lớn, chỉ đứng 5 sau thuế GTGT, TNDN, thuế xuất nhập khẩu và TNCN. Thêm vào đó, Quốc hội vừa ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN và Luật Thuế TNCN với nhiều quy định giảm nghĩa vụ đóng góp về thuế, theo đó mỗi năm NSNN sẽ giảm hàng chục nghìn tỷ đồng từ 2 sắc thuế này. Nếu so sánh với số thuế được giảm thì con số hơn 1 nghìn tỷ đồng tăng thu từ nước ngọt có ga không cồn là không nhiều và không vì mục đích tăng thu ngân sách. 
 
Về định hướng điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB theo lộ trình đối với mặt hàng thuốc lá, ngay từ năm 2001, Việt Nam đã đưa thuốc lá có đầu lọc với 51% là nguyên liệu ngoại nhập vào diện chịu thuế suất TTĐB 65%; thuốc lá không đầu lọc là 25% và thuốc lá đầu lọc mà có 51% nguyên liệu nội bị áp thuế suất 45%. Đến năm 2008, để xóa bỏ phân biệt đối xử theo cam kết gia nhập WTO và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Việt Nam đã áp dụng chung một mức thuế 65% đối với tất cả các sản phẩm thuốc lá. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, do thu nhập của người dân tăng đáng kể nên tỷ lệ người hút thuốc ở Việt Nam khá cao, kéo theo  hàng triệu phụ nữ và trẻ em dù không hút thuốc nhưng cũng đang phải chịu những tác động xấu, do hít phải khói thuốc thụ động ở nơi công cộng. Vì vậy, việc nâng mức thuế theo lộ trình là phù hợp.
 
Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB thì nước ngọt có ga không cồn sẽ chịu thuế suất là 10%. Từ 1/7/2015, bia và rượu có độ cồn từ 20 độ trở lên sẽ chịu thuế suất 65% thay vì mức 50% như hiện nay. Đối với rượu dưới 20 độ sẽ chịu thuế suất 35% (tăng 10%). Đối với mặt hàng thuốc lá có 2 phương án: (1) Từ 1/7/2015 áp dụng mức thuế suất theo tỷ lệ % trên giá bán của cơ sở sản xuất; nâng thuế suất thuế TTĐB từ 65% lên 75% và có lộ trình tăng thêm 10% áp dụng từ năm 2018. (2) áp dụng thuế tuyệt đối với thuốc lá thành phẩm xuất xưởng là 500đ/bao; nâng mức thuế suất tương đối từ 65% lên 70% và có lộ trình tăng 10% vào năm 2018.   
Đối với mặt hàng bia bà Cúc cho rằng, việc nâng thuế TTĐB sẽ thuận lợi, thuế suất đối với bia hơi có thời điểm đã lên tới 90%; bia chai và bia lon là 75% (được loại trừ vỏ lon) mà nhiều nhà máy sản xuất vẫn có lãi, do đó việc nâng thuế suất từ 50% hiện nay lên 65% sẽ không tác động nhiều đến sản xuất. Đối với rượu có nồng độ cồn lớn hơn và gây nhiều tác động xấu đến đời sống xã hội, nếu đã nâng thuế TTĐB với bia, thì không có lý gì không nâng thuế đối với mặt hàng rượu. 
 
Tuy nhiên, việc nâng thuế đồng nghĩa với nâng giá bán với mặt hàng rượu là khá khó khăn, do rượu nhập lậu và rượu sản xuất trong dân chưa được kiểm soát chặt chẽ nên sẽ gây nhiều khó khăn cho DN sản xuất. 
 
Cần kết hợp nhiều biện pháp đồng bộ
 
Đồng thời với việc tăng thuế TTĐB Bà Cúc cho rằng, để chính sách thuế đi vào thực tiễn, phát huy đúng vai trò định hướng tiêu dùng, Nhà nước cần có những chính sách đồng bộ. Theo đó, để giúp DN có thời gian chuẩn bị và thích nghi, ban soạn thảo nên nghiên cứu giãn thời gian thực hiện đến 1/1/2016. Mặt khác, việc tăng thuế mà không quản lý chặt chẽ sẽ là cơ hội để rượu, thuốc lá lậu tràn vào, vừa làm khó SXKD trong nước, vừa gây tác hại đến sức khỏe người dân. Do đó, các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất, nhập khẩu các mặt hàng bia rượu, thuốc lá, đặc biệt, cần có lộ trình bắt buộc nâng cao tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm bia, rượu. Về phía các DN cũng cần nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm thay thế như nước ép hoa quả tươi vừa bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng vừa thúc đẩy SXKD bền vững.

Theo Tạp Chí Thuế