Bức tranh nộp thuế phản ánh sự khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam

08/27/2018 09:19:30 AM




1.000 DN nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) lớn nhất là những "con gà đẻ trứng vàng" cho ngân sách quốc gia. Nếu coi đóng thuế là yêu nước thì những doanh nghiệp (DN) làm ăn hiệu quả đóng thuế nhiều cho NSNN là những người yêu nước nhất.
Upload file:

thue
Lãnh đạo Tổng cục Thuế và VCCI chụp ảnh lưu niệm cùng các DN. Ảnh: Anh Tuấn

Đó là phát biểu đánh giá của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Lễ công bố 1.000 DN nộp thuế TNDN lớn nhất Việt Nam năm 2017, tổ chức sáng ngày 3/8, tại Hà Nội.

Những "con gà đẻ trứng vàng"

Phát biểu tại lễ công bố, ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Con số nộp thuế TNDN chính là thước đo sự phát triển và hiệu quả kinh doanh của DN. Bảng xếp hạng 1.000 DN nộp thuế TNDN lớn nhất Việt Nam phần nào nói lên bức tranh chung về tình hình sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN cũng như sự bền vững của nền kinh tế nói chung.

Trong Bảng xếp hạng năm 2017 do Tổng cục Thuế vừa công bố, có 703 DN nằm trong Bảng xếp hạng 1.000 DN nộp thuế lớn nhất của cả hai năm 2016 và 2017; có 279 DN được bổ sung mới. “Số DN được bổ sung mới trong Bảng xếp hạng đã cho thấy sự không ngừng vươn lên, nỗ lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN Việt Nam”, ông Trí đánh giá.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, trong tổng số trên 600 nghìn DN của cả nước năm qua, có 250.000 DN đóng thuế cho NSNN, trong đó riêng 1.000 DN trong danh sách đã đóng góp tới hơn 60% - một con số quá ấn tượng.

“Có thể khẳng định đây chính là những con gà đẻ trứng vàng cho ngân sách quốc gia. Nếu coi đóng thuế là yêu nước thì những DN làm ăn hiệu quả đóng thuế nhiều cho NSNN là những người yêu nước nhất”, ông Lộc nhấn mạnh.

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, đứng đầu Bảng xếp hạng 1.000 DN nộp thuế TNDN lớn nhất của năm 2017 là Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, kế tiếp là Công ty Honda Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB)…

 

 

tct

 Ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Anh Tuấn

Đại diện cho 1.000 DN nộp thuế TNDN lớn nhất năm 2017, bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc VCB chia sẻ: Trong năm 2017, VCB đóng thuế 5.500 tỷ đồng, tính chung trong giai đoạn 2013 – 2017, VCB đóng thuế đạt trên 22.000 tỷ đồng. Trong nhiều năm liên tiếp, ngân hàng luôn đạt Top 10 DN nộp thuế lớn nhất, năm nay VCB đứng thứ 4, tăng 2 bậc so với năm 2016.

“Để đạt được kết quả tích cực này, bên cạnh sự nỗ lực của DN còn có vai trò quan trọng của Tổng cục Thuế nói riêng và Bộ Tài chính nói chung trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng DN”, bà Yến nhấn mạnh.

Một bức tranh khởi sắc

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, xét theo cơ cấu ngành nghề, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hiện đang đứng đầu, chiếm 36,7% tỷ trọng, kế tiếp là lĩnh vực tài chính ngân hàng và bảo hiểm với số nộp thuế chiếm 14,8%.

Đánh giá về con số này, ông Lộc cho rằng, chúng ta có thể vui mừng về tín hiệu trong cơ cấu đóng góp ngân sách khi mà công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tới gần 40%, và gần 15% từ lĩnh vực tài chính ngân hàng, bảo hiểm.

“Đây là một cơ cấu tích cực, phản ánh đúng định hướng phát triển của Đảng và Nhà nước theo hướng phát triển một nền kinh tế bền vững.Trong đó, tập trung phát triển sản xuất, phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin để nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo sự bền vững cho nền kinh tế Việt Nam. Cơ cấu ngành nghề nộp thuế này thực sự có ý nghĩa rất lớn”, ông Lộc phân tích.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng ghi nhận vai trò của DNNN trong việc đóng góp vào ngân sách quốc gia. Có 117 DN trong số 1.000 DNNN đóng góp 27,7% tổng số thuế TNDN của toàn Bảng xếp hạng. "Con số này thể hiện sự nỗ lực của khu vực DNNN trong việc phát triển hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả", ông Trí đánh giá.

 

tct

 Ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế trao kỷ niệm chương cho DN. Ảnh: A.Tuấn

Đặc biệt, theo đại diện VCCI, về cơ cấu ngành nghề và cơ cấu thành phần kinh tế, khu vực DN tư nhân chiếm tỷ lệ nộp thuế cao, có gần 70% thuế không xuất phát từ khu vực DN có vốn nhà nước mà đến từ DN tư nhân. Điều đó có nghĩa là Nhà nước không phải bỏ vốn ra để có được nguồn thu từ thuế vào ngân sách. “Tôi cho rằng đây là dấu hiệu tích cực nhất cho thấy định hướng thúc đẩy kinh tế tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế của nước ta đã phần nào có được kết quả”, ông Lộc khẳng định.

Về vấn đề này, ông Trí cũng nhấn mạnh thêm: Con số thuế đóng góp vào ngân sách lớn cho thấy, khối DN tư nhân ngày càng thể hiện rõ là một thành phần kinh tế chủ chốt của đất nước.

Cũng theo đại diện VCCI, DN đạt được kết quả cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đóng thuế nhiều là sự tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó lớn nhất là sự nỗ lực của bản thân DN và sự cải thiện tích cực về môi trường kinh doanh của Nhà nước, nhất là Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế trong thời gian vừa qua.

“Trong đó, điển hình là triển khai chính phủ điện tử, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chúng ta đều biết, trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng đã chọn Tổng cục Thuế là bước chân đầu tiên để triển khai. Kết quả cho đến nay cũng đã ghi nhận, Bộ Tài chính luôn dẫn đầu về cải cách thủ tục hành chính, góp phần tạo nên năng lực cạnh tranh quốc gia cao hơn, bền vững hơn. Các thủ tục về thuế đã cải thiện rất nhiều và tôi đánh giá cao kỷ cương kỷ luật, sự chuyên nghiệp và quyết liệt trong việc thực hiện các chính sách về thuế trong thời gian vừa qua”, ông Lộc phân tích thêm.

Đại diện cho cộng đồng DN cũng kiến nghị, thời gian tới Tổng cục Thuế cần tham mưu tích cực cho Chính phủ trong việc ban hành chế độ kế toán với những thủ tục thuế phù hợp để khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển lên mô hình DN. Hy vọng việc thực thi chính sách thuế trong thời gian tới sẽ tiếp tục thúc đẩy cho DN vươn lên, các DN đóng thuế cao tiếp tục kinh doanh thắng lợi và là những ngôi sao sáng trong đóng thuế cho NSNN./.

 

Theo Thời báo Tài chính