Đại lý thuế muốn phát triển, phải tư vấn đúng pháp luật thuế

01/05/2021 10:32:47 AM




Mặc dù số doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay là hơn 700.000, tuy nhiên số đại lý thuế đủ điều kiện hành nghề chỉ khoảng hơn 700. Với số lượng đại lý thuế như hiện nay chưa tương xứng với nhu cầu của các doanh nghiệp. Vậy cần phải làm gì để phát triển đại lý thuế?
Upload file:

 

Nhân viên một đại lý thuế đang tư vấn, hỗ trợ người nộp thuế làm thủ tục quyết toán thuế
Nhân viên một đại lý thuế đang tư vấn, hỗ trợ người nộp thuế làm thủ tục quyết toán thuế tại Cục Thuế TP. Hà Nội.
 

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, để phát triển đại lý thuế, ngoài việc nâng cao trình độ, thì phải đảm bảo nguyên tắc tư vấn đúng pháp luật.

PV: Theo thống kê của Tổng cục Thuế, hiện nay có hơn 700.000 doanh nghiệp đã đăng ký mã số thuế và đang hoạt động. Tuy nhiên, số lượng đại lý thuế hiện nay rất khiêm tốn, chưa tương xứng với số doanh nghiệp hiện nay, cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của đại lý thuế hiện nay?

- Ông Nguyễn Văn Được: So với 10 năm trước, từ khi đại lý thuế ra đời thì sứ mệnh của đại lý thuế vẫn còn nguyên vẹn giá trị, đó là “cầu nối trung gian giữa cơ quan thuế và người nộp thuế”, là “cánh tay nối dài của cơ quan thuế”. Hiện nay hệ thống đại lý phát triển rộng khắp trên cả nước (khoảng 720 đại lý thuế đủ điều kiện đăng ký hành nghề được Tổng cục Thuế công khai ngày 8/12/2020). Tuy số lượng còn hạn chế so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng hoạt động của đại lý thuế cũng đã đóng vai trò đáng kể trong công cuộc cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh.

 Ông Nguyễn Văn Được

 Ông Nguyễn Văn Được

Thông qua hoạt động kê khai, tính thuế của đại lý thuế thay cho người nộp thuế, đại lý thuế đã giúp người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ kê khai đúng, đủ và chính xác nghĩa vụ thuế, từ đó giảm thiểu những sai sót, rủi ro về thuế tránh được những khoản thuế bị truy thu, bị phạt không đáng có…

Do hoạt động kê khai, tính thuế, tư vấn thuế của đại lý thuế thay cho người nộp thuế được thực hiện bởi những chuyên gia, chuyên viên đại lý thuế am hiểu chuyên sâu chính sách thuế, giúp việc khai thuế đúng pháp luật, là tiền đề cho việc huy động nguồn thu vào ngân sách nhà nước, đảm bảo thu đúng, thu đủ vào ngân sách, cơ quan thuế có thể giảm thiểu công tác hậu kiểm thanh, kiểm tra của cơ quan thuế.

PV: Để phát triển đại lý thuế, cũng như nâng cao chất lượng phục vụ của đại lý thuế về dịch vụ tư vấn thuế, theo ông cơ quan quản lý cần phải làm gì? Bản thân các đại lý thuế cũng phải thay đổi như thế nào?

- Ông Nguyễn Văn Được: Hiện nay, Theo Luật Quản lý thuế số 38 thì đại lý thuế đã có sân chơi lớn hơn khi có đa dạng dịch vụ như: thủ tục đăng ký thuế, khai thuế, tính thuế, tư vấn thuế, đại diện về thuế và dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ… Mặc dù khung pháp lý đã hoàn chỉnh hơn, nhưng để đại lý thuế phát triển cả lượng và chất ở tầm cao mới, thì rất cần sự chung tay phối hợp giữa cơ quan thuế, đại lý thuế và doanh nghiệp (người nộp thuế).

Trên góc độ cơ quan thuế, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý của đại lý thuế, nâng tầm từ thông tư hướng dẫn về đại lý thuế thành nghị định và hướng tới là Luật Đại lý thuế để quy định rõ về quyền hạn, trách nhiệm của các bên liên quan đến hoạt động hành nghề đại lý thuế, từ đó giúp cho sự phát triển đại lý thuế ngang tầm với các luật của các ngành nghề khác: Luật Luật sư, Luật Kiểm toán độc lập và Luật Kế toán…

Trong giai đoạn hiện nay khi chưa có nghị định và luật đại lý thuế, thì điểm mấu chốt mà cơ quan thuế nên làm là phải xây dựng được quy chế phối hợp giữa cơ quan thuế, đại lý thuế và người nộp thuế, để từ đó các bên có được những phương thức thực hiện và phối hợp với nhau nhịp nhàng và hiệu quả.

Mặt khác Tổng cục Thuế và các cục thuế nên thành lập một bộ phận chuyên trách hỗ trợ đại lý thuế hành nghề, giải quyết kịp thời những vướng mắc và khó khăn khi thực hiện chính sách thuế, cũng như thủ tục hành nghề đại lý thuế, từ đó sẽ giúp cho mối quan hệ và cơ chế phối hợp của đại lý thuế và cơ quan thuế được tốt hơn, hiệu quả hơn.

PV: Có ý kiến cho rằng, để đại lý thuế phát triển, ngoài việc nâng cao trình độ của người làm dịch vụ tư vấn, thì đại lý thuế cũng cần đồng hành cùng cơ quan thuế, tư vấn cho doanh nghiệp thực hiện đúng chính sách, pháp luật thuế, chứ không phải tư vấn để lách thuế, hay trốn thuế. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Ông Nguyễn Văn Được: Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm này, bởi vì khi trình độ chuyên môn của đại lý thuế phát triển, thì đại lý thuế sẽ hoàn thành công việc với chất lượng tốt nhất. Vì khi đại lý thuế am hiểu chính sách pháp luật thì, thì cũng sẽ ứng xử và vận dụng pháp luật chính xác hơn, phù hợp hơn.

Bên cạnh đó, đại lý thuế có chuyên môn, cộng với đạo đức nghề nghiệp tốt là tiền đề cho chất lượng của dịch vụ đại lý thuế. Hơn ai hết, đại lý thuế là người am hiểu pháp luật, nên sẽ phải tư vấn đúng pháp luật, không có chuyện đại lý thuế tư vấn lách thuế, hay trốn thuế, bởi bản thân đại lý thuế là người hiểu pháp luật, nên rất sợ vi phạm pháp luật. Tất nhiên, do chính sách pháp luật của chúng ta chưa được đồng bộ và nhất quán cao, nên đâu đó có thể có vi phạm, nhưng ở mức độ không nghiêm trọng. Thực tế hơn 10 năm hoạt động thì chưa hề có một đại lý thuế nào bị xử lý vi phạm về hành vi tư vấn gian lận, trốn thuế…

PV: Xin cảm ơn ông!

Mới có khoảng 10% số doanh nghiệp khai thuế qua đại lý thuế

Bà Nguyễn Thị Cúc

 

Bà Nguyễn Thị Cúc

Theo Chiến lược cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu phát triển đại lý thuế giai đoạn 2011 - 2015 có ít nhất 3.000 đại lý thuế, đến năm 2020 số lượng đại lý thuế tăng lên 8.000. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, để tạo điều kiện thuận lợi cho đại lý thuế phát triển, Bộ Tài chính đã có Quyết định 420/QĐ-BTC phê duyệt Kế hoạch phát triển hệ thống đại lý thuế. Mục tiêu đưa ra là làm sao để xã hội hóa được công tác hỗ trợ người nộp thuế thông qua đại lý thuế, vì hiện nay, toàn ngành Thuế chỉ có khoảng 43.000 cán bộ, công chức thuế, trong khi đó, cả nước hiện có khoảng hơn 700.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 520.000 doanh nghiệp siêu nhỏ.

“Chiến lược phát triển hệ thống đại lý thuế cũng đặt mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 có 10% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ đại lý thuế, tức khoảng 70.000 doanh nghiệp khai thuế qua đại lý thuế. Trong khi đó, đến giữa năm 2019 mới có khoảng 2.000 - 3.000 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế qua đại lý thuế. Con số này là quá nhỏ so với mục tiêu đề ra. Để đảm bảo 90% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế qua đại lý thuế cảm thấy hài lòng, theo đúng mục tiêu của Chiến lược phát triển hệ thống đại lý thuế, các đại lý thuế phải có đạo đức nghề nghiệp, khi tư vấn thuế cho doanh nghiệp phải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật về thuế, không tư vấn cho doanh nghiệp né thuế, trốn thuế” - bà Cúc cho biết.

 

Theo Thời báo Tài chính