Miễn, giảm thuế để hỗ trợ sản xuất kinh doanh phát triển

01/05/2021 10:32:46 AM




Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng là nguyên liệu, vật tư, linh kiện để gia công, sản xuất sản phẩm xuất khẩu...
Upload file:

 

Việc miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện...
Việc miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện... sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
 

Miễn thuế nhập khẩu vật tư, linh kiện trong 5 năm

Cụ thể tại dự thảo nghị định này, Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, gồm: nguyên liệu, vật tư (bao gồm cả vật tư làm bao bì hoặc bao bì để đóng gói sản phẩm xuất khẩu), linh kiện, bán thành phẩm nhập khẩu trực tiếp cấu thành sản phẩm xuất khẩu hoặc tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất hàng hóa xuất khẩu nhưng không trực tiếp chuyển hóa thành hàng hóa. Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế đối với: sản phẩm hoàn chỉnh nhập khẩu để đóng gói, dán nhãn hoặc gắn, lắp ráp vào sản phẩm xuất khẩu hoặc đóng chung thành mặt hàng đồng bộ với sản phẩm xuất khẩu; linh kiện, phụ tùng nhập khẩu để bảo hành cho sản phẩm xuất khẩu; hàng hóa nhập khẩu không sử dụng để mua bán, trao đổi hoặc tiêu dùng mà chỉ dùng làm hàng mẫu...

Đáng chú ý, tại dự thảo nghị định, Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư. Cơ sở để xác định đối tượng được miễn thuế đó là: dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư hoặc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư; dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư được miễn thuế nhập khẩu theo quy định nêu trên. Hết thời hạn 3 năm, cơ quan hải quan nơi tiếp nhận danh mục miễn thuế có trách nhiệm thực hiện kiểm tra việc giải ngân vốn đầu tư tại trụ sở của chủ dự án theo trình tự, thủ tục kiểm tra sau thông quan. Trường hợp dự án đầu tư chưa thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm, thì người nộp thuế không được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo quy định và phải kê khai, nộp đủ số tiền thuế đã được miễn, tiền chậm nộp...

Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong thời hạn 5 năm. Thời gian bắt đầu sản xuất là thời gian sản xuất chính thức, không bao gồm thời gian sản xuất thử. Người nộp thuế tự kê khai, tự chịu trách nhiệm về ngày thực tế sản xuất và thông báo trước khi làm thủ tục hải quan cho cơ quan hải quan nơi tiếp nhận hồ sơ thông báo danh mục miễn thuế. Hết thời hạn miễn thuế 5 năm, người nộp thuế phải kê khai, nộp đủ thuế theo quy định đối với lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu đã được miễn thuế nhưng không sử dụng hết. Việc đề xuất miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện là giải pháp trực tiếp nhất hỗ trợ các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ

Dự thảo nghị định này đã được Bộ Tài chính đề xuất từ thời điểm trước khi có dịch Covid-19. Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 122/2016/NĐ-CP và Nghị định số 127/2017/NĐ-CP về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi.

Việc miễn thuế các nguyên liệu, vật tư, linh kiện để gia công, sản xuất sản phẩm xuất khẩu, nhằm tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thời gian qua, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Việc sửa đổi này sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực, như: công nghiệp hỗ trợ, dự án đầu tư, da giày, dệt may, chế biến nông, lâm, thủy sản… Trước đó, Chính phủ đã quyết định miễn, giảm thuế suất thuế nhập khẩu của một số mặt hàng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển các ngành nông nghiệp, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô.

Việc miễn, giảm thuế càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đến nay, các chính sách trên đã góp phần giảm, giãn khoảng 100 nghìn tỷ đồng nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, giúp giảm bớt khó khăn về dòng tiền, tăng tích tụ vốn cho doanh nghiệp.

Đây là nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính trong bối cảnh nguồn thu ngân sách bị sụt giảm bởi dịch Covid-19. Trước mắt, nguồn thu ngân sách sẽ bị ảnh hưởng, tuy nhiên, chính sách sẽ có tác động lớn đến việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp và như vậy sẽ thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tăng thu về cho ngân sách.

Giảm thuế 24 nhóm mặt hàng

Nghị định số 57/2020/NĐ-CP và dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế 24 nhóm mặt hàng và miễn thuế toàn bộ nguyên liệu, linh kiện, vật tư để sản xuất các ngành công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô để gia công, sản xuất sản phẩm xuất khẩu.

 

Theo Thời báo Tài chính