Chính sách thuế song hành cùng 30 năm thu hút đầu tư

10/25/2018 08:51:24 AM




Trong 30 năm thực hiện thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN), để có những kết quả tích cực đã được ghi nhận, Việt Nam đã liên tục hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi về tài chính để thu hút và quản lý tốt hơn nguồn lực đầu tư nước ngoài.
Upload file:

 
Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.
Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

 

Trong đó, các ưu đãi về tài chính tập trung vào 3 lĩnh vực là thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế xuất nhập khẩu và chính sách ưu đãi về tài chính đất đai.

Hàng loạt chính sách tài chính để thu hút đầu tư 

Về thuế TNDN, theo tổng hợp của Bộ Tài chính, mức thuế phổ thông đã nhiều lần được điều chỉnh giảm. Cụ thể, giai đoạn 2001 - 2008 là 28%, giai đoạn 2009 - 2013 là 25%, giai đoạn 2014 - 2015 là 22% và từ 1/1/2016 là 20%. Để thu hút đầu tư, ngay từ năm 1987 khi ban hành Luật ĐTNN, chúng ta đã có thuế suất ưu đãi thấp hơn ở mức 10%, 15%, 20% cho các dự án khuyến khích đầu tư. Giai đoạn 2001 - 2010, việc thực hiện các cam kết quốc tế đa phương và song phương dẫn đến sự cắt giảm đáng kể nguồn thu từ thuế nhập khẩu. Việt Nam đã tiến hành cải cách thuế với trọng tâm hướng tới 3 mục tiêu: đơn giản, công bằng, hiệu quả. 

Để khuyến khích đầu tư trên cơ sở vẫn đảm bảo nguồn thu, Việt Nam đã giảm gánh nặng thuế qua việc giảm thuế suất, đơn giản hóa hệ thống thuế, mở rộng đối tượng chịu thuế… Chính sách thuế đã góp phần hướng tới xóa bỏ sự phân biệt, đối xử giữa các thành phần kinh tế, giữa doanh nghiệp (DN) trong nước và DN có vốn ĐTNN. 

Về thuế xuất nhập khẩu, từ năm 1991, chính sách thuế nhập khẩu đã cho phép miễn thuế đối với hàng hóa tạo tài sản cố định của DN ĐTNN, nguyên liệu gia công cho phía nước ngoài. Sau đó, chính sách thuế xuất nhập khẩu tiếp tục được cải cách theo hướng khuyến khích nhập máy móc thiết bị, vật tư cho sản xuất, ưu tiên xuất khẩu hàng đã qua chế biến hơn là nguyên liệu thô… Luật về thuế xuất khẩu, nhập khẩu cũng được tiếp tục cập nhật, sửa đổi trong các năm 2001, 2005, 2016 nhằm đáp ứng các yêu cầu cam kết hội nhập, đồng thời tiếp tục hoàn thiện các chính sách ưu đãi xuất khẩu và thu hút ĐTNN. 

Đối với chính sách tài chính đất đai, để hỗ trợ DN, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ như giảm 50% tiền thuê đất trong giai đoạn 2011 - 2014, điều chỉnh giảm mức tỷ lệ (%) tính đơn giá thuê đất chung từ 1,5% xuống còn 1%... Nhiều nghị định được ban hành, trong đó có các nội dung hỗ trợ DN như miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với các dự án thuộc diện ưu đãi đầu tư… Ở các khu kinh tế, khu công nghệ cao, mức ưu đãi về tài chính đất đai còn cao hơn các dự án đầu tư thông thường. 

Bên cạnh những ưu đãi, hỗ trợ về thuế, quá trình cải cách hành chính của Việt Nam, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan đã có những tác động tích cực đến việc thu hút và giải ngân vốn ĐTNN. Cụ thể, lĩnh vực thuế đã mở rộng dịch vụ khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử trên 63/63 tỉnh, thành; xây dựng và triển khai thí điểm hệ thống cấp hóa đơn điện tử có xác thực của cơ quan thuế tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; nghiên cứu triển khai thực hiện phương thức điện tử đối với các dịch vụ nộp thuế đối với đất đai, hộ cá nhân… Lĩnh vực hải quan tiếp tục duy trì, đảm bảo vận hành thông suốt ổn định 24/7 Hệ thống thông quan hàng hóa tự động và Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ; triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN. Tính đến 15/8/2018, đã có 11 bộ, ngành tham gia kết nối với 68 thủ tục hành chính, trên 1,4 triệu bộ hồ sơ và trên 23,4 nghìn DN tham gia. 

Đảm bảo công bằng, thống nhất trong chính sách ưu đãi thuế

Cùng với nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, việc xây dựng hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi thuế và các ưu đãi khác đã có những tác động rất tích cực đối với sự phát triển của khu vực DN nói chung và khu vực DN ĐTNN nói riêng. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của DN ĐTNN hiện nay còn những tồn tại, chưa đạt như kỳ vọng. Nhiều DN vẫn đang trong tình trạng thua lỗ. Tỷ lệ DN có vốn ĐTNN báo lỗ và lỗ mất vốn năm 2016 giảm so với số liệu của năm 2015 nhưng vẫn cao hơn các năm 2012, 2013… ĐTNN chủ yếu vẫn tập trung ở các khu vực có điều kiện thuận lợi. 

Từ những kinh nghiệm, thực tế của ĐTNN 30 năm qua, theo Bộ Tài chính, để có chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi đầu tư hiệu quả trong thời gian tới, rõ ràng việc xây dựng các chính sách ưu đãi cần được xem xét trong bối cảnh kinh tế chung của cả nước. Việc ban hành chính sách mới, trong đó có chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi đầu tư cần tuân thủ nghiêm các nguyên tắc, cam kết mà Việt Nam đã tham gia… 

Theo đó, các chính sách ưu đãi cần đảm bảo đúng mục tiêu công bằng, không phân biệt đối xử với các DN ĐTNN. Việc ưu đãi về thuế chỉ thực hiện theo pháp luật về thuế để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật. Các chính sách cần được áp dụng ổn định trong trung và dài hạn, hạn chế việc thường xuyên thay đổi các chính sách ưu đãi làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cũng như chiến lược đầu tư của các nhà ĐTNN. 

Song song với đó là tăng cường cải cách thủ tục hành chính để giảm thiểu chi phí cho DN, tăng cường hiệu quả hoạt động của các DN ĐTNN tại Việt Nam. Với sự quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng hệ thống ưu đãi đầu tư minh bạch, công bằng và hiệu quả, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn nhà ĐTNN. 

 

Theo Thời báo Tài chính