Tìm cách tháo gỡ vướng mắc về thuế với lĩnh vực dầu khí

03/27/2019 09:49:15 AM




Hiện nay, khai thác dầu khí là ngành quan trọng, quy mô lớn, thu hút nhiều lao động, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước (NSNN) và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực hoạt động nhiều rủi ro.
Upload file:

Khai thác dầu khí là ngành quan trọng, quy mô lớn, thu hút nhiều lao động.
Khai thác dầu khí là ngành quan trọng, quy mô lớn, thu hút nhiều lao động.
 
Mới đây, Tổng cục Thuế tổ chức Hội thảo về thuế đối với hoạt động dầu khí, nhằm tiếp tục lắng nghe, trao đổi với Tập đoàn Dầu khí cùng các nhà thầu khai thác dầu khí một số vấn đề xung quanh nội dung của Thông tư 36/2016/TT-BTC ngày 26/2/2016 của Bộ Tài chính (Thông tư 36 - hợp nhất qui định các loại thuế đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí). Dưới đây là những tình huống được phân tích, những kiến nghị, đề xuất được nêu ra tại hội thảo.

Giá tính thuế tài nguyên 

Thông tư 36 cho phép loại bỏ chi phí vận chuyển khí và thuế giá trị gia tăng (GTGT), khi xác định giá tính thuế tài nguyên. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế, có phát sinh tình huống, đó là điểm giao nhận khí (của bên bán) không cố định. Có thể ở ngoài khơi thuộc diện tích hợp đồng của dầu khí bên bán; có thể ở ngoài khơi trong diện tích của hợp đồng dầu khí khác hoặc ở trong bờ. Trong trường hợp giao nhận khí thuộc diện tích của hợp đồng dầu khí của bên bán, thì quy định nói trên là phù hợp và giá tính thuế tài nguyên chính là giá bán khí thực tế, do giá tính thuế không bao gồm thuế GTGT.

Đối với trường hợp điểm giao nhận khí không thuộc khu vực dầu khí của bên bán do khách hàng phải thuê bên thứ 3 giúp việc xử lý khí (tách CO2, nước) để đảm bảo đủ chất lượng thì giá bán sẽ bao gồm cả chi phí xử lý khí nói trên. Tương tự, quá trình vận chuyển vào bờ một lượng khí sẽ ngưng tụ thành condensate, được coi là dầu thô phải kê khai, nộp thuế. Tuy nhiên, lượng condensate không thể bán tại thời điểm giao nhận mua bán khí, mà sẽ được vận chuyển về kho, thực hiện các bước xử lý cần thiết và lưu kho chờ bán. Bên bán sẽ phải thanh toán các chi phí phát sinh tương ứng bao gồm: chi phí vận chuyển từ điểm giao nhận khí về kho, chi phí xử lý condensate và chi phí thuê kho. 

Từ những tình huống thực tế phân tích trên, nhiều ý kiến tại hội thảo đề nghị cần nghiên cứu và có hướng dẫn về giá tính thuế tài nguyên đối với các trường hợp nêu trên là giá bán tại miệng giếng hoặc giá bán tại điểm giao nhận; đồng thời nhà thầu được trừ các chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển từ miệng giếng đến điểm giao nhận.

Xác định tỷ lệ thuế GTGT đầu vào được khấu trừ 

Luật thuế GTGT quy định, đối với các loại hàng hóa thông thường, thời điểm giao hàng trùng với thời điểm phát hành hóa đơn. Điều đó cũng có nghĩa, doanh thu thực hiện chính là doanh thu theo hóa đơn đã phát hành. Tuy nhiên, đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí có những đặc thù khác biệt.

Theo thông lệ bán dầu, thời điểm giao hàng chưa xác định được giá bán, nên hóa đơn chỉ được xuất cho bên mua, khi giá bán chính thức được xác lập. Hiện nay, giá bán chính thức đối với dầu thô/condensate được xác định ở tháng N+1 so với thời gian giao hàng. Đối với khí, do phức tạp trong quá trình xác định lượng khí giao và tỷ giá thanh toán nên thời điểm xuất hóa đơn muộn hơn 2 kỳ (N+2) so với thời điểm giao hàng. Thời điểm giao hàng và phát hành hóa đơn của dầu và khí không giống nhau, đồng thời sẽ có sự khác biệt về doanh thu thực hiện (theo thời điểm giao hàng) và doanh thu theo hóa đơn đã phát hành. Do có sự khác biệt này, nên đơn vị thực hiện không thể xác định rõ doanh thu sử dụng để xác định tỷ lệ thuế GTGT đầu vào được khấu trừ là doanh thu nào. 

Từ đó, đã dẫn tới sự không thống nhất khi áp dụng giữa các địa phương. Đồng thời, các bên nộp thuế cũng không có đủ căn cứ để thực hiện tính đúng, đủ khi xác định thuế GTGT đầu vào được kê khai, khấu trừ. Vì vậy, cần hướng dẫn cụ thể và thống nhất doanh thu thực hiện để căn cứ xác định tỷ lệ thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, cũng như có căn cứ quyết toán thuế GTGT đầu vào được khấu trừ khi kết thúc năm tài chính.

Giảm trừ đối với phụ cấp đi biển 

Các kỹ sư và công nhân kỹ thuật dầu khí hoạt động ngoài biển làm việc theo ca, mỗi ca thường kéo dài từ 2 đến 4 tuần, trong môi trường độc hại và nguy hiểm, xa đất liền nên họ được nhận khoản phụ cấp giao động từ 40 đến 50 USD/ngày đêm trên biển. Nội dung này được thể hiện tại Điều 3 Nghị định 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định một số điều của Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN). 

Hướng dẫn thực hiện nghị định nói trên, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản 1381/TCT- TNCN ngày 24/4/2014 về danh mục tổng hợp các khoản phụ cấp, trợ cấp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành làm cơ sở xác định thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công. Theo đó, phụ cấp đi biển áp dụng đối với công nhân, nhân viên trong những ngày thực tế làm việc trên giàn khoan, tàu dịch vụ vận tải dầu khí, công trình dầu khí là 232.000đ/ngày. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cán bộ, người lao động làm việc trên giàn khoan sẽ được giảm trừ khi tính thuế TNCN. Tuy nhiên, quy định này chưa được thực hiện một cách đồng nhất.

Vì vậy, để khuyến khích người lao động làm việc trên biển trong điều kiện khó khăn, độc hại, xa gia đình thời gian dài, đồng thời để đảm bảo tính công bằng giữa các cá nhân làm việc tại các hợp đồng dầu khí khác nhau, đề nghị Bộ Tài chính xem xét sửa đổi, bổ sung các qui định liên quan đến người lao động trên biển trong ngành dầu khí đều được hưởng quyền như nhau. Trong đó, khoản phụ cấp đi biển không bị tính vào thuế TNCN.

Chi phí xuất bán dầu khí khi tính thuế TNDN

Theo quy định của Luật thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn thi hành, thì khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN được trừ, mọi khoản chi phí nếu đáp ứng đủ các điều kiện là khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN phải có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật. Đối với hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên, phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Thông tư số 36 quy định, người nộp thuế được trừ vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu đáp ứng đủ các điều kiện như: khoản chi thực tế liên quan đến hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác và tiêu thụ sản phẩm dầu thô, khí thiên nhiên; khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ theo qui định của pháp luật; đối với hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, theo quy định. Tuy nhiên, tại Thông tư 36 không quy định cụ thể khoản chi phí bán hàng là khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. 

Điều này chưa thực sự phù hợp với nguyên tắc quy định chung nêu trên, vì đây là khoản chi phí tiêu thụ sản phẩm liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Do đó, cần có quy định cụ thể cho phép tính chi phí bán dầu, khí là khoản chi được trừ, khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Giảm trừ lãi tiền gửi ngân hàng 

Tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí là hoạt động cần chi phí khá lớn. Điều này đòi hỏi lượng vốn góp rất lớn của các bên tham gia. Số tiền góp vốn sẽ chuyển vào tài khoản chung của nhà điều hành và gửi tại ngân hàng. Đây là khoản lợi ích thu được từ việc duy trì tài khoản tại ngân hàng, để trang trải chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, theo chương trình công tác và ngân sách được phê duyệt hàng năm. Việc sử dụng khoản tiền này phụ thuộc vào thời hạn các hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí phát sinh theo tiến độ công việc trong năm; chừng nào chưa sử dụng hết thì sẽ tạo ra một khoản lãi ngân hàng.

Theo thỏa thuận trong hợp đồng dầu khí thì chi phí lãi của số tiền trên đem góp vốn cũng không được tính vào chi phí có thể thu hồi. Do vậy, theo nguyên tắc tương thích (matching giữa doanh thu và chi phí) của kế toán, đáng lẽ tiền gửi ngân hàng cũng không được tính vào thu nhập. Đây cũng là lý do mà trong các thỏa thuận điều hành chung của nhiều hợp đồng dầu khí quy định, lãi tiền gửi được giảm trừ vào vốn góp của nhà thầu để xác lập khoản thu nhập này coi như một khoản tăng vốn góp của các bên vào tài khoản chung. Vì vậy, nếu coi khoản thu nhập từ lãi tiền gửi ngân hàng là thu nhập của chủ đầu tư, nhà thầu góp vốn thì thu nhập này cần được ứng xử như khoản thu nhập thông thường, không liên quan trực tiếp đến hoạt động dầu khí. 

Mặc dù Thông tư 36 quy định, lãi tiền gửi ngân hàng cùng với tiền bồi thường bảo hiểm, thanh lý tài sản… được ghi giảm trừ chi phí thu hồi của hoạt động dầu khí, nhưng bản chất là áp dụng thuế TNDN đối với hoạt động dầu khí (từ 32 - 50% tùy từng hợp đồng). Quy định này chưa bảo đảm sự công bằng giữa các nhà đầu tư trong hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí so với nhà đầu tư trong lĩnh vực khác đối với cùng một thu nhập. Vì vậy, theo ý kiến của các nhà thầu, quy định này cần được nghiên cứu thay thế, sửa đổi.

 

Theo Thời báo Tài chính