Quy mô giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là phù hợp với thu ngân sách

06/17/2020 10:02:51 AM




Phát biểu tại phiên thảo luận sáng 16/6 tại Quốc hội (QH), đại biểu (ĐB) Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, quy mô doanh nghiệp như tờ trình của Chính phủ là phù hợp với việc cân đối nguồn thu ngân sách năm 2020, bảo đảm tính công bằng và mang tính khả thi cao trong thực tiễn.
Upload file:

 

 
bộ trưởng
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Đây là một trong các giải pháp tài khóa Chính phủ đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình hiện nay. Ảnh: quochoi.vn

 

Sáng 16/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

ĐBQH đồng tình với đề xuất của Chính phủ

Các ĐBQH phát biểu tại hội trường đều bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao với việc cần thiết phải giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Theo ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), cần thiết phải ban hành nghị quyết nhằm kịp thời hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức khác trong giai đoạn nền kinh tế đứng trước nguy cơ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

“Sự hỗ trợ này là kịp thời, đầy tính nhân văn, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri là doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã và các đơn vị kinh tế nhỏ khác, phù hợp với các quy định về hỗ trợ doanh nghiệp của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành năm 2017” - ĐB Nguyễn Tạo nói.

ĐB cho rằng, tên gọi của dự thảo nghị quyết là dễ hiểu hơn, khái quát hóa được nội dung tinh thần của nghị quyết.

Về tiêu chí để được giảm thuế là sử dụng không quá 100 lao động, ĐB Nguyễn Tạo lo ngại sẽ tạo ra chính sách cào bằng chung, "cá mè một lứa", không công bằng đối với tình hình thực tế khác nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, cần thiết phải đánh giá và thẩm định đầy đủ, rõ ràng từng doanh nghiệp, từng ngành hàng dịch vụ sản xuất kinh doanh, về doanh thu, về lao động cụ thể và thiệt hại thực tế do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 gây ra. Trên cơ sở đó xác định đối tượng được thụ hưởng một cách khoa học và chặt chẽ hơn, với những thủ tục hành chính hợp lý, hợp tình khi doanh nghiệp tiếp cận với chính sách giảm thuế này.

“Do đó tôi thống nhất theo đề nghị của Chính phủ là sẽ áp dụng cho đối tượng hẹp hơn là doanh nghiệp nhỏ, về tiêu chí thế nào là doanh nghiệp nhỏ đã được pháp luật quy định. Mặt khác, điều kiện phải có thiệt hại thực tế xảy ra do dịch bệnh Covid-19 tác động trực tiếp. Từ đó, chúng ta loại trừ được những doanh nghiệp nhỏ hoạt động kinh doanh thua lỗ thời gian trước khi công bố dịch, nhằm xác định được đơn vị thụ hưởng rõ ràng, chính xác, dễ dàng và triển khai thực hiện bảo đảm chặt chẽ, hạn chế tiêu cực phát sinh” - ĐB Nguyên Tạo đề nghị.

Theo ĐB, quy mô doanh nghiệp như tờ trình của Chính phủ là phù hợp với việc cân đối nguồn thu ngân sách năm 2020, bảo đảm tính công bằng và mang tính khả thi cao trong thực tiễn.

Về tổng thể, đối với hệ thống doanh nghiệp nói chung, theo thống kê có hơn 85.000 doanh nghiệp cả nước chịu sự ảnh hưởng khó khăn trong dịch bệnh Covid-19, ĐB “tha thiết đề nghị Chính phủ nên đề ra cơ chế, chính sách và giải pháp tổng thể chung cho cả nền kinh tế ổn định và phát triển hậu Covid-19”.

Đồng bộ các giải pháp tài khóa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Giải trình làm rõ thêm ý kiến ĐBQH về dự án nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đây là một trong các giải pháp tài khóa Chính phủ đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình hiện nay.

“Về sự cần thiết, các vị đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải có nghị quyết này. Về đối tượng, qua ý kiến các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo cơ bản tiếp thu và sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để sớm có báo cáo Quốc hội. Về tiêu chí, tôi cho rằng, phải chọn các tiêu chí để khi tổ chức thực hiện và quản lý thuận lợi, tránh những rủi ro” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Theo Bộ trưởng, vừa qua, Chính phủ đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19. Đến nay, chính sách đã đi vào cuộc sống và rất thuận lợi cho doanh nghiệp tự tính, tự khai. Trong quá trình thực hiện đang rất thuận lợi, nên chưa phải thanh tra, kiểm tra.

Về cắt giảm phí, lệ phí, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, đến nay Bộ Tài chính đã ban hành 18 thông tư, quy định giảm các loại phí, lệ phí. Nhiều loại phí, lệ phí đã được giảm rất sâu, trong đó có lĩnh vực hàng không. Đặc biệt là giảm giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán, cho nên trong thời gian vừa qua đã có tác động rất lớn, góp phần ổn định thị trường.

Bên cạnh đó, các chính sách như giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Giảm chi phí cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ sửa một số nghị định để điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, trong đó hỗ trợ công nghiệp phụ trợ, da giày, dệt may.

“Ngoài ra, trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đang xây dựng và sẽ trình Chính phủ quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước; trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Các chính sách thuế này, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị tổn thương đặc biệt như ngành hàng không. Đây là một trong các giải pháp, còn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về tài khóa” - người đứng đầu ngành Tài chính cho biết thêm.

Theo Bộ trưởng: “Chúng tôi nhất trí với các đại biểu nêu là thủ tục triển khai phải rất đơn giản. Theo quy định, các doanh nghiệp đã tự tính, tự khai, tự nộp. Tinh thần của nghị quyết này cũng như vậy. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý chúng tôi phải tăng cường quản lý rủi ro, trường hợp cần thiết vẫn phải thanh tra, kiểm tra. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng công tác thanh tra, kiểm tra bên cạnh việc hạn chế, cũng phải tăng cường”./.

 

Theo Thời báo Tài chính