Chính phủ đang cân nhắc hồi tố đối với hoạt động giao dịch liên kết

06/18/2020 07:49:26 PM




Để quản lý thuế đối với giao dịch liên kết, Tổng cục Thuế cho biết đã xây dựng một nghị định mới thay thế Nghị định 20/2017/NĐ-CP. Tuy nhiên, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ đang xem xét việc hồi tố đối với khoản thuế mà doanh nghiệp đã khai từ năm 2017 - 2018.
Upload file:

 

 cục thuế hà nội
Lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội kiểm tra công tác tiếp nhận hồ sơ quyết toán thuế năm 2019 của doanh nghiệp. Ảnh: NM.

 

Trao đổi với phóng viên TBTCO, ông Vũ Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Thanh tra kiểm tra (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 20 đã hoàn thiện và trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ. Theo dự thảo này, việc quản lý thuế với hoạt động giao dịch liên kết sẽ có nhiều quy định mới so với hiện nay.

Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Tổng cục Thuế đã tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 20/2017/NĐ-CP.

“Về khống chế chi phí lãi vay tại Khoản 3 Điều 8 quy định chi phí lãi vay cũng đã được hoàn thiện và được Bộ Tài chính trình Chính phủ theo hướng, đối với năm 2017, 2018 cho phép nâng mức khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30%; thứ hai là cho phép lấy chi phí lãi vay bù trừ chi phí lãi tiền gửi, lãi cho vay sau đó mới tính khống chế. Phương pháp tính này sẽ có lợi cho người nộp thuế” - ông Cường cho biết.

Cũng theo ông Vũ Mạnh Cường, đối với kỳ tính thuế năm 2017 và 2018 mà người nộp thuế đã khai thuế rồi, nếu nghị định được Chính phủ thông qua, doanh nghiệp sẽ được phép bù trừ số tiền thuế đã nộp trong năm 2017, 2018 và kỳ tính thuế bắt đầu năm 2020. Việc bù trừ này được thực hiện trong vòng 5 năm.

“Việc hồi tố này Chính phủ đang cân nhắc không cho phép chuyển tiếp các chi phí đã loại trừ của năm 2017, 2018 vào những năm tiếp theo. Việc điều chỉnh một số đối tượng vay vốn ODA, vay vốn phục vụ những công trình phúc lợi xã hội, xóa đói giảm nghèo… sẽ không được hồi tố năm 2017, 2018” - ông Cường nói.

Cũng liên quan đến công tác xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý thuế số 38, có hiệu lực từ 1/7/2020, ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, để Luật Quản lý thuế đi vào cuộc sống, Bộ Tài chính đã xây dựng 5 nghị định, 8 thông tư.

Trong đó, riêng nội dung về hóa đơn điện tử, theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38, nội dung này sẽ có hiệu lực từ 1/7/2022. Tuy nhiên, Tổng cục Thuế khuyến khích cơ quan, tổ chức, người nộp thuế đủ điều kiện thì áp dụng hóa đơn điện tử ngay từ bây giờ.

“Hiện nay Tổng cục Thuế đã hoàn thiện dự thảo các nghị định hướng dẫn, được Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét ban hành 2 nghị định, đó là: nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và nghị định hóa đơn chứng từ. Các nghị định, thông tư còn lại đang thực hiện các bước theo quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật” - ông Huy cho biết.

Liên quan đến cho khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với khoản chi của doanh nghiệp xổ số hỗ trợ cho người bán vé xổ số bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, ông Huy cho biết, hiện Tổng cục Thuế đang xây dựng các văn bản hướng dẫn liên quan.

“Nếu được, khoản chi này sẽ được hạch toán vào thuế TNDN năm 2020, khi quyết toán sẽ thực hiện. Do đó việc ban hành văn bản hướng dẫn này không ảnh hưởng đến chi hỗ trợ cho người bán xổ số” - ông Huy nói./.

 

Theo Thời báo tài chính