Quy định ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế: Phù hợp với chủ trương điện tử hoá thủ tục hành chính

01/05/2021 10:32:47 AM




Trao đổi với phóng viên TBTCO, ông Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, quy định ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế là phù hợp với chủ trương của Đảng và Chính phủ về việc điện tử hoá thủ tục hành chính.
Upload file:

 

ngân hàng đầu tư và phát triển việt nam
Cán bộ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam hướng dẫn người nộp thuế làm thủ tục nộp thuế điện tử. Ảnh: Nhật Minh.
 

PV: Như ông đã biết, Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế số 38 có quy định ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan thuế. Theo ông, quy định này có phù hợp trong bối cảnh hiện nay?

- Ông Nguyễn Văn Được: Phải nói ngay rằng, quy định này phù hợp với Luật Quản lý thuế số 38, phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay. Trước đây, tại Luật Quản lý thuế số 78 cũng đã có quy định ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác phải có trách nhiệm cung cấp thông tin về tài khoản theo yêu cầu của cơ quan thuế. Điều này cho thấy quy định này đã được thực hiện hơn 10 năm nay, chỉ khác nhau về phương thức, cách thức thực hiện.

Luật Quản lý thuế số 78 trước đây không bắt buộc ngân hàng cung cấp thông tin thường xuyên và không mang tính chất toàn diện, mà chỉ thực hiện khi cơ quan thuế yêu cầu khi có những dấu hiệu rủi ro về gian lận thuế.

 
 
Quy định ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế cho cơ quan thuế là phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính phủ điện tử và số hoá thủ tục hành chính.

ông nguyễn văn được

Ông Nguyễn Văn Được

 

Việc cung cấp này được thực hiện theo phương thức thủ công, với thủ tục rườm rà, không hiệu quả, đã làm tăng chi phí tuân thủ của ngân hàng và giảm hiệu quả công tác quản lý thu thuế của cơ quan thuế, từ đó tăng chi phí cho xã hội.

Do đó, Luật Quản lý thuế số 38 và Nghị định 126 quy định chi tiết hơn về nội dung này theo hướng tổng thể, đồng bộ và toàn diện dựa trên cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính phủ điện tử và số hoá thủ tục hành chính.

Qua nghiên cứu tôi thấy rằng, đối tượng mà ngân hàng thương mại phải cung cấp thông tin của khách hàng cho cơ quan thuế theo quy định tại Nghị định 126 được mở rộng hơn, bao gồm tất cả khách hàng có mã số thuế, nhưng phạm vi cung cấp theo quy định mới lại được hạn chế hơn luật cũ.

Ví dụ, theo Luật Quản lý thuế số 78 thì mọi thông tin cơ quan thuế yêu cầu thì ngân hàng thương mại phải cung cấp theo văn bản đề nghị của cơ quan thuế. Còn theo quy định tại khoản 2, Điều 27 Luật Quản lý thuế số 38 và Điều 30 Nghị định 126 thì chỉ một số thông tin định danh như: tên, số tài khoản, số dư, ngày mở, ngày đóng tài khoản...

PV: Như ông vừa nói thì rõ ràng Luật Quản lý thuế số 38, cũng như Nghị định 126 đã phù hợp hơn với xu thuế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, góp phần cải cách thủ tục hành chính thuế?

- Ông Nguyễn Văn Được: Hiện nay các tổ chức, doanh nghiệp phải đăng ký tài khoản ngân hàng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền như: Cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan thuế… Điều này đã làm tăng thủ tục hành chính của doanh nghiệp.

Vì vậy, Nghị định 126 quy định ngân hàng cung cấp tài khoản của khách hàng (người nộp thuế) theo định kỳ thay cho doanh nghiệp, điều này sẽ giảm được đáng kể công việc của doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, từ đó nâng cao được sức cạnh tranh, góp phần cải cách tủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh.

Có thể nói, cơ chế này là hợp lý để cơ quan thuế có điều kiện thuận tiện trong việc quản lý thuế, thu thuế và cưỡng chế về thuế, nâng cao công tác kiểm tra, phòng ngừa gian lận về thuế.

Nếu cơ chế này được thực hiện tốt, thì ngành Thuế sẽ có khả năng thu thuế, dùng các biện pháp cưỡng chế về thuế hiệu quả do quản lý được tất cả các tài khoản của ngươi nộp thuế khi cần cưỡng chế thuế. Giúp cơ quan thuế kiểm tra, giám sát và phòng ngừa các gian lận về thuế, từ đó có cơ sở kiểm tra thu thuế kịp thời, đầy đủ, tạo sự công bằng, bình đẳng và minh bạch trong xã hội.

PV: Tại buổi họp báo chuyên đề do Tổng cục Thuế tổ chức mới đây, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, Nghị định 126 chỉ yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin định danh của khách hàng để phục vụ công tác quản lý thuế; đồng thời thông tin này được cơ quan thuế bảo mật tuyệt đối. Tuy nhiên, có nhiều người vẫn băn khoăn sợ bị lộ thông tin. Ông có lời khuyên gì với trường hợp này?

- Ông Nguyễn Văn Được: Như tôi đã nói, Luật Quản lý thuế số 38 và Nghị định 126 chỉ quy định ngân hàng cung cấp thông tin định danh của người nộp thuế có mã số thuế để phục vụ công tác quản lý thuế. Điều đó không hẳn là mọi thông tin và giao dịch của người nộp thuế sẽ bị cơ quan thuế kiểm tra giám sát.

Tuy nhiên, khi có đến hai cơ quan cùng tham gia quản lý thông tin khách hàng là ngân hàng và cơ quan thuế thì câu chuyện bảo mật cũng cần phải cân nhắc. Về pháp lý thì Luật Tổ chức tín dụng và Luật Quản lý thuế số 38 đều quy định phải bảo mật thông tin của người nộp thuế và khách hàng.

Để đảm bảo thông tin của khách hàng (người nộp thuế) được bảo mật, tôi cho rằng cơ quan thuế và ngân hàng thương mại phải xây dựng cơ chế phối hợp cụ thể, trong đó quy định rõ quyền, trách nhiệm và phương thức thực hiện trao đổi thông tin, có biện pháp bảo mật cao để tránh những hệ quả không đáng có từ câu chuyện lộ thông tin của người nộp thuế.

Ngoài ra, cũng cần phải có cơ chế quản lý thông tin tại ngân hàng và cơ quan thuế. Theo tôi nên giao cho một bộ phận cụ thể và người có trách nhiệm liên quan, cùng với đó là phải có chế tài xử phạt nghiêm minh những cá nhân vi phạm nguyên tắc bảo mật thông tin của khách hàng và người nộp thuế.

PV: Xin cảm ơn ông.

 

Theo Thời báo Tài chính