Thanh tra, kiểm tra thuế: Tăng thu cho ngân sách 27.540 tỷ đồng

01/08/2014 02:54:18 PM




Qua việc tập trung thanh tra đối với các DN có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế... công tác thanh tra, kiểm tra thuế, chống chuyển giá đã đạt được những kết quả và tạo hiệu ứng tích cực, trong đó qua gần 3 năm (2011, 2012 và 9 tháng 2013) đã làm tăng thu cho ngân sách tới 27.540 tỷ đồng.
Upload file:

 

Kiểm tra 1.223 DN lỗ, truy thu 481 tỷ đồng và giảm lỗ 1.697 tỷ đồng

 

Trong những năm gần đây, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan quản lý thuế các cấp tập trung thanh tra đối với DN có ngành nghề kinh doanh đa dạng, phạm vi kinh doanh rộng; các DN có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế.

 

Hàng năm đều có định hướng tập trung thanh tra vào các DN có dấu hiệu rủi ro cao, đặc biệt tập trung vào các DN có dấu hiệu rủi ro trong hoạt động giao dịch liên kết, chuyển giá, DN lỗ nhiều năm liên tục vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh,...

 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế,  năm 2011, cơ quan thuế các cấp đã tiến hành thanh, kiểm tra đối với 50.210 DN, góp phần tăng thu 8.400 tỷ đồng. Năm 2012, đã thanh, kiểm tra 54.419 DN, tăng thu gần 10.224 tỷ đồng. Trong 9 tháng năm 2013, đã tiến hành thanh, kiểm tra đối với 43.654 DN với tổng số thuế tăng thu là 8.916 tỷ đồng, giảm khấu trừ 628 tỷ đồng, giảm lỗ 7.971 tỷ đồng.

 

 
 
Công tác thanh tra, kiểm tra thuế theo phương pháp rủi ro bước đầu phát huy hiệu quả, nhất là trong thanh tra chống chuyển giá.

Bà Lê Hồng Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

 

Ngoài ra, Bộ Tài chính và Bộ Công an đã chỉ đạo cơ quan thuế, cơ quan công an phối hợp điều tra, khởi tố đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi gian lận về thuế.

Cũng theo Tổng cục Thuế, trong giai đoạn từ năm 2008 – 2012, đã khám phá và xử lý hình sự 218 vụ; xử lý hành chính 10.155 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực thuế, thu hồi vào ngân sách 7.82,6 tỷ đồng tiền trốn thuế và vi phạm hành chính thuế. 9 tháng đầu năm 2013 đã khám phá và xử lý hành chính 419 vụ vi phạm về thuế, kiến nghị thu nộp vào ngân sách 139,9 tỷ đồng.

 

Cùng với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đã từng bước kiểm soát được hoạt động chuyển giá. Đến nay, cơ quan quản lý thuế các cấp đã quản lý được 3.188 DN có giao dịch liên kết thực hiện kê khai thông tin giao dịch liên kết; hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ việc quản lý thuế đối với công tác thanh tra giá chuyển nhượng đối với những ngành nghề có rủi ro cao về thuế TNDN như: sản xuất sợi, dệt vải, may mặc, giày dép, đồ uống… 9 tháng năm 2013, cơ quan thuế đã thanh tra, kiểm tra đối với 1.223 DN lỗ, DN có dấu hiệu chuyển giá, truy thu, phạt, truy hoàn 481 tỷ đồng và giảm lỗ 1.697 tỷ đồng.

 

Tiếp tục hoàn thiện về cơ sở pháp lý

 

Đến nay, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều thông tư hướng dẫn đối phó với hoạt động chuyển giá như: Thông tư số 74/1997/TT-BTC; Thông tư số 89/1999/TT-BTC; Thông tư số 13/2001/TT-BTC; Thông tư số 117/2005/TT-BTC; Thông tư 66/2010/TT-BTC. Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 201/2013/TT-BTC (ngày 20/12/2013) hướng dẫn việc áp dụng thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế.

 

Đặc biệt Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1250/QĐ-BTC ngày 21/5/2012 phê duyệt Chương trình hành động kiểm soát hoạt động chuyển giá giai đoạn 2012 – 2015 với 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

 

Hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá; kiện toàn tổ chức bộ máy và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực quản lý giá chuyển nhượng; củng cố và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho quản lý thuế trong đó có quản lý giá chuyển nhượng; tăng cường kiểm soát hoạt động chuyển giá thông qua việc đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của từng bộ phận chức năng, nhất là việc nhận định rủi ro và thanh tra giá chuyển nhượng; xây dựng và đẩy mạnh các chương trình hợp tác quốc tế về tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát hoạt động chuyển giá; xây dựng Chương trình truyền thông về công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá.

 

Bên cạnh việc tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp trong chương tình hành động kiểm soát hoạt động chuyển giá đến năm 2015, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan… sẽ đẩy mạnh một số biện pháp chống chuyển giá, trốn thuế như: luật hóa và ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế thỏa thuận xác định giá trước (APA) giữa cơ quan thuế và DN, nhằm tạo sự chủ động cho DN trong việc lập kế hoạch kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế.

 

Ngành Thuế sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu tỷ suất lợi nhuận của các DN độc lập theo từng ngành nghề có rủi ro cao và hệ thống cơ sở dữ liệu về giá để phát hiện kịp thời các trường hợp nghi vấn,… phục vụ công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá; đẩy mạnh thanh, kiểm tra đối với hoạt động chuyển giá,…; phân loại DN, mặt hàng và đối tác có độ rủi ro cao như hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc, ASEAN,..; xây dựng khung giá nhập khẩu các mặt hàng máy móc thiết bị, nguyên liệu độc quyền sát với giá trị thật…/.

Theo Thời báo tài chính Việt Nam