Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Đại lý thuế được làm dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ

09/21/2018 09:07:29 AM




Tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi, đã bổ sung phạm vi hoạt động của đại lý thuế.
Upload file:

Cục Thuế Hà Nội phối hợp với đại lý thuế hỗ trợ quyết toán thuế cho người nộp thuế. Ảnh: NM
Cục Thuế Hà Nội phối hợp với đại lý thuế hỗ trợ quyết toán thuế cho người nộp thuế. Ảnh: NM

Theo đó, đại lý thuế được cung cấp dịch vụ tư vấn thuế và dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ. Ban soạn thảo cho biết, việc cho phép đại lý thuế được làm dịch vụ kế toán là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN nhỏ và siêu nhỏ phát triển, phù hợp với chủ trương khuyến khích phát triển DN của Chính phủ.

Mở rộng quyền để khuyến khích đại lý thuế phát triển

Phát biểu tại một số hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), do Tổng cục Thuế tổ chức gần đây, ông Cao Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, dự thảo đã bổ sung phạm vi hoạt động của đại lý thuế theo hướng cho phép đại lý thuế được làm dịch vụ kế toán cho DN nhỏ và siêu nhỏ.

Theo đại diện Ban soạn thảo, hiện Điều 20 của Luật Quản lý thuế hiện hành đã quy định về tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế. Tuy nhiên, do phạm vi hoạt động hẹp, đại lý thuế chỉ được cung cấp dịch vụ tư vấn thuế, nên chưa khuyến khích đối tượng này phát triển. Báo cáo cho thấy, tính đến tháng 7/2018, cả nước mới chỉ có 460 DN đại lý thuế hoạt động với 1.124 nhân viên đại lý thuế hành nghề, trong khi trên thực tế đã có trên 3.922 người đã được cấp chứng chỉ hành nghề.

Như vậy, có thể thấy rằng, số lượng nhân viên đại lý thuế hành nghề chiếm tỷ lệ thấp so với số người đã được cấp chứng chỉ (gần 29%). Một trong những nguyên nhân khiến cho dịch vụ đại lý thuế thời gian qua chưa phát triển đó là do phạm vi cung cấp dịch vụ của đại lý thuế. 

Biểu đồ

“Theo quy định luật hiện hành, phạm vi của dịch vụ đại lý thuế chỉ làm thủ tục về thuế, mà không được thực hiện dịch vụ kế toán, nên nảy sinh nhiều bất cập như: DN muốn thuê ngoài dịch vụ kế toán, kê khai thuế thì buộc phải phải thuê hai đơn vị, một đơn vị cung cấp dịch vụ đại lý thuế và một đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán. Điều này gây khó khăn cho DN vì các đối tượng sử dụng dịch vụ này chủ yếu là các DN nhỏ, siêu nhỏ, họ muốn thuê một dịch vụ trọn gói thực hiện sổ sách và khai thuế. Cũng có thể người nộp thuế không có đủ chi phí để thuê cả hai dịch vụ riêng biệt, do đó hạn chế quá trình chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên DN”, ông Tuấn cho biết.

Tạo điều kiện để DN nhỏ và siêu nhỏ phát triển

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà - Trưởng Ban soạn thảo luật cho biết, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cho phép đại lý thuế được làm dịch vụ kế toán cho DN nhỏ và siêu nhỏ. Tuy nhiên, quy định này chỉ giới hạn đối với DN nhỏ và siêu nhỏ, chứ không phải tất cả các DN đang hoạt động hiện nay.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, Bộ Tài chính đang dự kiến xây dựng chế độ kế toán riêng cho đối tượng DN nhỏ, siêu nhỏ với hệ thống tài khoản, sổ sách đơn giản, dễ thực hiện. Do đó, những người có chứng nhận đại lý thuế hoàn toàn có thể đáp ứng đủ trình độ để cung cấp dịch vụ kế toán cho đối tượng DN nhỏ, siêu nhỏ. Hơn nữa, để khuyến khích hệ thống đại lý thuế phát triển, đồng thời tạo thuận lợi, giảm chi phí cho DN nhỏ, siêu nhỏ trong việc tuân thủ pháp luật kế toán, cũng như pháp luật thuế thì cần thiết phải mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ (dịch vụ kế toán) của đại lý thuế.

Ngoài ra, để đảm bảo mục tiêu phát triển hệ thống đại lý thuế đã được phê duyệt trong Kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2015 và Kế hoạch phát triển hệ thống đại lý thuế đến năm 2020 là xây dựng hệ thống đại lý thuế thực sự trở thành cầu nối giữa cơ quan thuế và người nộp thuế, cần thiết phải mở rộng, đa dạng hóa dịch vụ của đại lý thuế.

Với những lý do trên, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã bổ sung phạm vi hoạt động của đại lý thuế, đó là cho phép đại lý thuế được làm dịch vụ kế toán cho DN nhỏ và siêu nhỏ. Bên cạnh đó, để đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho đại lý thuế, dự thảo luật đã sửa đổi theo hướng quy định chỉ còn “thủ tục đăng ký kinh doanh dịch vụ đại lý thuế” thay vì “hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ về thuế” trước đây. Đồng thời, tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã quy định giao Bộ Tài chính quy định về việc tổ chức thi, cấp chứng chỉ chứng nhận về đại lý thuế, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đại lý thuế và quản lý hoạt động của tổ chức kinh doanh dịch vụ đại lý thuế. 

Theo Chiến lược cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011, mục tiêu giai đoạn 2011 - 2015 có ít nhất 3.000 đại lý thuế, đến năm 2020 tăng số lượng lên 8.000. Trong đó:

- Giai đoạn 2011 - 2015: Có ít nhất 2.000 người được cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế. Thực tế, năm 2012 có 105 đại lý thuế; 1.250 người được cấp chứng chỉ hành nghề (chỉ có 233 người hành nghề đại lý thuế). Năm 2015, có 266 đại lý thuế (thêm 466 người được cấp chứng chỉ).

- Giai đoạn 2016 - 2020: 
Có ít nhất 6.000 người được cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế. Thực tế tính đến tháng 7/2018, trên toàn quốc có 452 đại lý thuế; 3.914 cá nhân có chứng chỉ (1.098 người hành nghề hoạt động tại các đại lý thuế ở 38/63 tỉnh, thành phố).

Nguồn: Tổng cục Thuế

 

* Ông Phạm Sỹ Danh, Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam: 

Tiết kiệm chi phí, tạo thuận lợi cho DN nhỏ, siêu nhỏ

 Ông Phạm Sỹ Danh
Ông Phạm Sỹ Danh 

Việc cho phép các tổ chức kinh doanh đại lý thuế ngoài việc cung cấp dịch vụ về đại lý thuế còn được cung cấp dịch vụ kế toán cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ, siêu nhỏ theo chế độ kế toán quy định với loại hình DN này là cần thiết và phù hợp với chủ trương của Nhà nước (đã cụ thể hoá bằng luật) về việc hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Với quy định này, các DN nhỏ, siêu nhỏ sẽ tiết kiệm được chi phí quản lý và tuân thủ vì không phải thuê đồng thời 2 đơn vị để thực hiện 2 dịch vụ riêng biệt mà chỉ cần thuê 1 đơn vị cung cấp cả 2 dịch vụ. 

Như vậy, các đơn vị được phép cung cấp dịch vụ kế toán cho thị trường được mở rộng và đa dạng hơn, cạnh tranh mạnh mẽ hơn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN nhỏ, siêu nhỏ có nhiều phương án trong việc lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ kế toán cho mình. 

 Vì vậy, vấn đề đặt ra là khi soạn thảo, các nội dung quy định liên quan đến các điều kiện để hoạt động dịch vụ kế toán cần không để bị mâu thuẫn và xung đột với Luật Kế toán. Các văn bản hướng dẫn cũng phải đảm bảo tính đồng bộ. 

* Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đại lý thuế TP. Hồ Chí Minh:

Cắt giảm điều kiện kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp

 Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa

Hiện nay, số lượng công ty/hộ kinh doanh kế toán hành nghề trên cả nước là hơn một trăm đơn vị, cung cấp cho khối lượng khách hàng thường xuyên trên dưới 10.000 DN. Trong khi đó, cả nước có hơn 500.000 DN và đang tăng lên nhanh chóng theo định hướng 1 triệu DN tới năm 2020. Để chia sẻ khối lượng dịch vụ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN khởi nghiệp và hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN, Bộ Tài chính đã xây dựng phương án thiết lập hệ thống kế toán đơn giản cho các DN này và cho phép các đại lý thuế được phép hỗ trợ kế toán cho DN nhỏ và siêu nhỏ. 

Về khía cạnh pháp lý, chúng tôi cho rằng các yêu cầu về chứng chỉ kế toán hay qui định của Luật Kế toán đều có thể thay đổi theo sự phát triển của xã hội. Khi pháp luật cũ chưa bao quát hết các vấn đề cần điều chỉnh hoặc chưa đáp ứng đủ các yêu cầu của nền kinh tế thì việc sửa Luật Kế toán hay mở rộng điều kiện hành nghề kế toán hoàn toàn có thể thực hiện với mục tiêu vì xã hội là tối ưu. Không thể nêu lý do luật cũ quy định như vậy thì luật mới phải tuân thủ, nếu luật mới đáp ứng việc tuân thủ Hiến pháp và nguyên tắc pháp luật chung. 

* Bà Nguyễn Thị Thuận, Viện trưởng Viện Khoa học quản trị DN nhỏ và vừa (Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam): 

Khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành DN

 Bà Nguyễn Thị Thuận
 Bà Nguyễn Thị Thuận

Theo quy định hiện hành, phạm vi của dịch vụ đại lý thuế chỉ là làm thủ tục về thuế mà không được thực hiện các dịch vụ khác như dịch vụ kế toán. Điều này nảy sinh bất cập là DN muốn thuê ngoài dịch vụ kế toán, kê khai thuế thì buộc phải thuê hai đơn vị, một đơn vị cung cấp dịch vụ đại lý thuế và một đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán. Điều này gây khó khăn cho DN vì các đối tượng sử dụng dịch vụ này chủ yếu là các DN nhỏ, siêu nhỏ.

Hiện nay, một trong những lực cản khiến hộ kinh doanh không muốn trở thành DN chính là vấn đề phức tạp và chi phí cho hoạt động kế toán, làm thuế. Chưa mở DN đã phải nghĩ thuê người làm chuyên môn làm thuế, làm kế toán. Nếu cứ làm hộ kinh doanh thì vài tháng sẽ có cán bộ thuế đến hướng dẫn tính toán nộp bao nhiêu là xong.

Do đó, tôi rất ủng hộ việc mở rộng phạm vi hoạt động của đại lý thuế theo hướng bổ sung thêm cung cấp dịch vụ tư vấn thuế và dịch vụ kế toán cho DN nhỏ và siêu nhỏ. Qua đó, DN nhỏ, siêu nhỏ có thể thuê một dịch vụ trọn gói cả thực hiện sổ sách và khai thuế.

 

Theo Thời báo Tài chính