Ngành thuế Lào Cai trước nguy cơ nguồn thu sụt giảm

01/13/2014 02:24:00 PM




Dù đã “cán đích” trước thời hạn một tháng (tháng 11) với kết quả thu NSNN cả năm 2013 đạt 2.500 tỷ đồng, bằng 139% dự toán pháp lệnh, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, song với cơ cấu nguồn thu eo hẹp, Cục Thuế Lào Cai vẫn băn khoăn khi bước vào năm ngân sách mới.
Upload file:

 

Băn khoăn nguồn thu sụt giảm
 
Lý giải cho những băn khoăn của ngành thuế, Cục trưởng Cục Thuế Lào Cai Nguyễn Thị Kim Yên cho biết, những lợi thế khách quan đã mang lại nguồn thu lớn cho Lào Cai trong năm 2013 sẽ không còn khi bước sang năm 2014. Trong khi thành phần kinh tế trên địa bàn lại chủ yếu là DNNVV và còn nhiều khó khăn, thậm chí có DN không vượt qua được khủng hoảng dẫn đến phải giải thể và không có tiền nộp thuế như Công ty xi măng Lào Cai... Một số DN khác, tuy khá hơn đôi chút nhưng vẫn ở trong tình trạng làm ăn kém hiệu quả, nợ thuế lớn và kéo dài như: Công ty CP PT năng lượng Đông Nam á nợ thuế 14.994 triệu đồng; Công ty TNHH sản xuất và xuất nhập khẩu bao bì nợ thuế 5.390 triệu đồng; Công ty TNHH xây lắp Cương Lĩnh nợ thuế 6.898 triệu đồng; hay Công ty TNHH một thành viên thủy điện Mường Hum nợ thuế 21.995 triệu đồng.... “Dù nguyên nhân của các khoản nợ này ít nhiều do khách quan, song vẫn sẽ là những thách thức đối với ngành thuế Lào Cai trong năm 2014” - bà Yên nhấn mạnh.
 
Chia sẻ thêm về những khó khăn này, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Bắc Hà - Sùng Quang Trung cho hay, mặc dù công tác thu ngân sách trên địa bàn huyện năm 2013 đã hoàn thành ở mức 104% dự toán, nhưng là một huyện miền núi nghèo, kinh tế chậm phát triển, nguồn thu chủ yếu ở Bắc Hà chỉ biết trông chờ vào những DN làm ăn nhỏ lẻ và thiếu bền vững. Trong số 62 DN của toàn huyện, thì có tới 90% là DN kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng cơ bản và đều ở trong tình trạng gặp khó, do tiến độ giải ngân từ NSNN chậm. Điều này khiến cho Bắc Hà vốn đã “eo hẹp” về nguồn thu nay lại càng khó hơn. Chẳng hạn cả năm 2013, số thu từ các DNNN trung ương trên địa bàn chỉ có 136 triệu đồng; DN địa phương được 66 triệu; NQD được 20.193 triệu, trong đó chỉ có 354 triệu là thuế TNDN, còn lại là thuế GTGT (17.153 triệu) và thuế tài nguyên (2.340 triệu đồng). 
Tính đến hết năm 2013, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Lào Cai đạt 2.500 tỷ đồng, bằng 139% dự toán, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước; nếu loại trừ tiền thu cấp quyền sử dụng đất thì kết quả này đạt 2.120 tỷ, bằng 127% dự toán và tăng 48% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hầu hết các chỉ tiêu đều hoàn thành và vượt mức kế hoạch, như: thu từ khu vực DNNN trung ương vượt 5%; thu từ DNNN địa phương vượt 50%; khu vực ĐTNN vượt 19%; thu NQD vượt 62%... Đặc biệt, các khoản thu từ đất - một lĩnh vực mà hầu hết các địa phương còn “nhọc” mới hoàn thành, thì Lào Cai đã thu tốt. Cụ thể, thu tiền sử dụng đất vượt 217%; thuế nhà đất vượt 63%; cho thuê mặt đất, mặt nước vượt 27%; phí và lệ phí vượt 27%; thu khác ngân sách vượt 175%.
 
Bên cạnh sự eo hẹp về nguồn thu thì những khó khăn chung của nền kinh tế cũng đã tác động đáng kể đến kết quả thu ở Lào Cai. Bày tỏ về vấn đề này, ông Ninh Văn Thanh - Chi cục trưởng Chi cục Thuế Sa Pa cho rằng, năm nay, kinh tế suy giảm đã tác động mạnh, làm ảnh hưởng lớn tới ngành công nghiệp “không khói” ở Sa Pa, khiến lượng khách du lịch tới đây giảm hẳn. Cộng thêm một số DN gặp khó khăn tài chính không có khả năng nộp thuế, trong khi việc giải ngân đối ở lĩnh vực XDCB ở mức thấp, nên đã ảnh hưởng lớn tới tiến độ huy động nguồn lực cho ngân sách địa phương.
 
Kiến nghị từ cơ sở
 
Ngoài những khó khăn trên, một vấn đề nữa mà ngành thuế Lào Cai đang trăn trở là nỗi lo mất thuế. Theo phân tích của bà Yên, hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 1 cửa khẩu chính và 4 cặp cửa khẩu phụ, lối mở. Tuy nhiên, các DN thường không xuất, nhập hàng hóa qua cửa khẩu chính mà chủ yếu đi qua các cửa khẩu phụ, lối mở với số lượng lớn, trong khi trên mẫu tờ khai hải quan mới không còn mục “xác nhận hàng hoá đã thực xuất khẩu”; trên chứng từ thanh toán qua ngân hàng đối với thanh toán qua biên mậu cũng không ghi số tài khoản của các đơn vị thanh toán... gây khó khăn cho cơ quan thuế trong việc xác định hàng hoá đã thực xuất khẩu hay chưa để hoàn thuế cho DN.
 
Từ thực tế trên bà Yên kiến nghị, Bộ Tài chính nên có hướng dẫn cụ thể về việc quản lý hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu phụ, lối mở. Đồng thời, chỉ đạo Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra 100% lô hàng đối với các đơn vị xuất khẩu hàng nông, lâm sản qua biên giới để tránh việc lợi dụng chính sách khuyến khích xuất khẩu để chiếm đoạt tiền hoàn thuế của Nhà nước. Theo bà Yên, tốt nhất là sửa đổi chính sách theo hướng bãi bỏ hoàn thuế đối với hàng hóa XNK tiểu ngạch, vì tại đó không có đầy đủ các điều kiện để kiểm tra số lượng, chất lượng... như tại cửa khẩu quốc tế, nên rất dễ bị lợi dụng. Ngoài ra, khi hạch toán trên chứng từ thanh toán biên mậu, hệ thống ngân hàng cần ghi đầy đủ tên, số tài khoản, nội dung thanh toán của hợp đồng ngoại thương của đơn vị chuyển tiền, để cơ quan thuế có căn cứ đối chiếu việc thanh toán của đơn vị, từ đó, vừa giải quyết hoàn thuế cho các DN theo đúng quy định, vừa chống thất thu NSNN.

Theo Tạp chí thuế