Kế hoạch cải cách quản lý thuế giai đoạn trung hạn 2016 - 2018: Cơ bản đã bám sát được mục tiêu chiến lược cải cách hệ thống thuế

04/04/2019 09:03:49 AM




Đánh dấu giữa kỳ chặng đường thực hiện hiện Kế hoạch cải cách quản lý thuế giai đoạn 2016 - 2020), ngành Thuế đã đạt được những kết quả quan trọng, hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước (NSNN) được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao; cơ bản bám sát mục tiêu chiến lược.
Upload file:

 

cục thuế hà nội
Người nộp thuế thực hiện khai hồ sơ quyết toán thuế qua mạng tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: NM.

 

Bước tiến đáng kể trong cải cách và hiện đại hóa

Trong giai đoạn trung hạn của Kế hoạch cải cách quản lý thuế (2016 - 2018), tỷ lệ huy động thu NSNN bình quân trên GDP đạt 24,9%, trong đó tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 21,0% GDP (so với giai đoạn 2011 - 2015 là 21,6%). Tỷ lệ này tuy không nằm trong khoảng huy động mục tiêu đã đề ra, song có thể xem là thành công của ngành Thuế trong việc giảm dần tỷ lệ động viên từ thuế, phí để tăng khả năng cạnh tranh và tích tụ vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cơ cấu thu NSNN có chuyển biến tích cực, thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu NSNN đạt tỷ lệ 76,6%, so với các giai đoạn trước đã có sự gia tăng đáng kể (giai đoạn 2006 - 2010 là 58,9%, giai đoạn 2011 - 2015 là 67,8%); đảm bảo theo đúng định hướng Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 là tăng dần tỷ trọng từ nguồn thu trong nước để bù đắp thuế xuất nhập khẩu giảm, do thực hiện các cam kết khi Việt Nam gia nhập các tổ chức thương mại quốc tế và khu vực.

Cơ cấu thu trong tổng thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) theo thành phần kinh tế trong giai đoạn 3 năm qua (2016 - 2018) có sự thay đổi tích cực theo định hướng phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước: thu từ khu vực công thương nghiệp (CTN) và dịch vụ ngoài quốc doanh (NQD) là 19,2% (giai đoạn 2006 - 2010 là 18%, giai đoạn 2011 - 2015 là 18,6%); thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là 18,2% (giai đoạn 2006 - 2010 là 18,07%, giai đoạn 2011 - 2015 là 19%); thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước là 16,1% (giai đoạn 2006 - 2010 là 30,5%, giai đoạn 2011 - 2015 là 26%).

Tỷ trọng các khoản thu từ những sắc thuế mang tính ổn định như thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế giá trị gia tăng (GTGT) bao gồm cả thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trong tổng thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) trong cả giai đoạn (2016 - 2018).

Cụ thể, tỷ trọng bình quân số thu thuế GTGT là 22,2% (giảm so với giai đoạn 2011 - 2015 là 26,6%); tỷ trọng bình quân số thu thuế TNDN là 18,9% (giảm so với giai đoạn 2011 - 2015 là 20,9%) và tỷ trọng bình quân số thu thuế TNCN là 8,4% (tương đương so với giai đoạn 2011 - 2015 là 8,3%).

Bên cạnh nhiệm vụ thu NSNN, các nội dung cải cách quản lý thuế cũng đã bám sát và cơ bản đạt được mục tiêu đề ra của kế hoạch.

Thứ nhất, về thể chế quản lý thuế, ngành Thuế đã tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí, thời gian của người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Cụ thể, giảm tần suất kê khai, nộp thuế, chi phí của người nộp thuế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thuế, nhằm tạo thuận lợi và giảm thời gian thực hiện và được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.

Thực hiện hệ thống hóa, rà soát, hoàn thiện các quy định để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng quản lý rủi ro, các quy định đối với chống chuyển giá, xây dựng các quy định về hoạt động của hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao trách nhiệm trong công tác tham vấn. Đồng thời, mở rộng số lượng hộ kinh doanh tham gia để tăng thêm tính dân chủ, bổ sung các quy định về hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế. Quy định đối với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá, rượu bia khi thực hiện công nghệ in tem, tem điện tử và các quy định đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động đối với đại lý thuế, nhân viên đại lý thuế... nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế.

Thứ hai, công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế (NNT) đã được hiện đại hoá thông qua hỗ trợ bằng phương thức điện tử. Ngành Thuế thực hiện đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ giáo dục phổ biến pháp luật thuế phù hợp với từng nhóm NNT, thông qua việc đẩy mạnh xây dựng và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ qua hình thức điện tử.

Chuyển quan điểm từ cơ quan thuế hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ thuế điện tử cho NNT sang hướng NNT thực hiện các TTHC thuế bằng phương thức điện tử. Cơ quan thuế bước đầu đã tiếp nhận và trả kết quả giải quyết các thủ tục hành chính của NNT bằng phương thức điện tử trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế của mình, trong tất cả các khâu: đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế….

Đặc biệt để hiện thực hóa mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, ngành Thuế đã triển khai chương trình “Đồng hành cùng doanh nghiệp khởi nghiệp” trên phạm vi cả nước, nhằm giúp doanh nghiệp khởi nghiệp dễ dàng tiếp cận được với các thông tin hỗ trợ thông qua các kênh hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp như lập các điểm hỗ trợ trực tiếp, bố trí số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (email) hỗ trợ.

Tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban ngành, tiến hành kết nối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như: các đại lý thuế, tổ chức truyền nhận dữ liệu điện tử trung gian (T-VAN), doanh nghiệp cung cấp phần mềm kế toán, các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thư số... để có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong năm đầu mới thành lập.

Với những nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ NNT trong thực hiện chính sách pháp luật thuế, ngành Thuế đã nhận được sự đồng lòng ủng hộ cao của người dân và doanh nghiệp. Theo kết quả khảo sát mức độ hài lòng của NNT năm 2016 do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, kết quả chung đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp năm 2016 là 75%.

Trong đó, điểm số chung về chỉ số Tiếp cận thông tin là 7,73 điểm (tăng so với so cuộc khảo sát năm 2014 là 7,45 điểm), chỉ số thực hiện TTHC thuế là 7,9 điểm (tăng 7,73 điểm), chỉ số Thanh tra kiểm tra là 7,73 điểm (tăng 7,49 điểm), chỉ số Sự phục vụ của cán bộ thuế là 6,36 điểm (tăng 5,36 điểm), chỉ số Kết quả giải quyết công việc của cơ quan thuế là 7,78 điểm (tăng 7,53 điểm).

Như vậy, kết quả sự hài lòng của NNT năm 2016 nhìn chung đều tăng so với năm 2014 về cả chỉ số chung lẫn các chỉ số thành phần, điều này đã chứng tỏ ngành Thuế đã có những bước tiến đáng kể, trong tiến trình cải cách, hiện đại hoá, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong thanh, kiểm tra

Thứ ba, công tác thanh tra, kiểm tra NNT áp dụng theo phương pháp quản lý rủi ro, cụ thể, nghiên cứu và áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong công tác thanh tra, kiểm tra trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại.

Trong giai đoạn 2016 - 2018, ngành Thuế đã nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ tiêu chí, chỉ số lựa chọn đối tượng NNT có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra tại trụ sở NNT; tổ chức đánh giá việc thực hiện áp dụng quản lý rủi ro trong công tác xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT trên toàn bộ 63 cục thuế tỉnh, thành phố; tổ chức khảo sát, đánh giá việc thực hiện áp dụng quản lý rủi ro trong công tác xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT tại một số địa phương; xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý rủi ro trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế theo bộ tiêu chí đã được ban hành; thực hiện tập huấn cho toàn ngành thuế về lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra trên ứng dụng phân tích rủi ro (TPR).

Công tác thanh tra, kiểm tra được đổi mới toàn diện, hoạt động theo hướng thống nhất, hiện đại, chuyên nghiệp đó là chuyển dần từ thanh tra, kiểm tra toàn diện sang thanh tra, kiểm tra theo hệ thống tiêu thức lựa chọn, đi vào chiều sâu theo nội dung vi phạm (chuyên đề, lĩnh vực như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá; doanh nghiệp kinh doanh lỗ; các doanh nghiệp có số nợ thuế lớn…);

Triển khai áp dụng thống nhất phương pháp thoả thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế, tạo điều kiện cho NNT chủ động đăng ký phương pháp xác định giá tính thuế, tránh được các rủi ro về cách xác định giá tính thuế do cơ quan thuế áp dụng khi thực hiện thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp;

Áp dụng thống nhất nguyên tắc xử lý kết quả sau thanh tra, kiểm tra thuế trong toàn ngành nhằm kiểm soát toàn bộ các công việc sau khi kết thúc thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp, góp phần nâng cao ý thức của công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra.

Tăng cường sự phối hợp với các ngành có liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế như cơ quan hải quan, các cơ quan khác của Chính phủ (Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, các bộ, ngành và các cơ quan tư pháp như công an, toà án, viện kiểm sát…) trong việc chia sẻ các thông tin phục vụ công tác quản lý thuế.

Thứ tư, tiếp tục cải cách và hiện đại hoá công tác quản lý đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, chế độ kế toán thuế: thực hiện cải cách thủ tục hành chính thuế từ khâu đăng ký thuế đến khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế thông qua việc: đơn giản hoá hồ sơ, thủ tục, mẫu biểu tạo thuận lợi cho NNT thực hiện đăng ký, khai thuế, nộp thuế, nhưng vẫn đảm bảo cơ quan thuế có đầy đủ thông tin quản lý cần thiết về NNT; liên thông với các cơ quan nhà nước có liên quan (cơ quan đăng ký kinh doanh, ngân hàng, tổ chức tín dụng, kho bạc, hải quan,..) trong quá trình giải quyết các thủ tục về thuế cho NNT như hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, thủ tục nộp thuế...

Tăng cường áp dụng quản lý rủi ro trong công tác quản lý đăng ký thuế, khai thuế, hoàn thuế thông quan việc chuẩn hoá thông tin về NNT trên toàn quốc nhằm hoàn thiện cơ sở dữ liệu định danh NNT đầy đủ, chính xác và cập nhật kịp thời; xây dựng Bộ tiêu chí, bộ chỉ số lựa chọn hồ sơ khai thuế kiểm tra tại trụ sở cơ quan quản lý thuế, bộ tiêu chí và chỉ số phân loại giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT và lựa chọn doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế GTGT…

Triển khai trên toàn quốc dịch vụ thuế điện tử (khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử), cơ bản đáp ứng yêu cầu về triển khai Chính phủ điện tử, tạo thuận lợi cho NNT trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.

Về khai thuế, đối với NNT là doanh nghiệp, ngành Thuế đã triển khai dịch vụ khai thuế điện tử tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc.

Về nộp thuế, Tổng cục Thuế đã phối hợp với 50 ngân hàng thương mại đã hoàn thành kết nối nộp thuế điện tử và tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ tại 63/63 tỉnh, thành phố, số lượng doanh nghiệp hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng chiếm tỷ lệ 96,33% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Trong năm 2018, các doanh nghiệp đã nộp tiền thuế thông qua 3.028.980 giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền là 583.597 tỷ đồng.

Về hoàn thuế, ngành Thuế đã triển khai hoàn thuế điện tử tại 63/63 tỉnh, thành phố, trong năm 2018 (tính đến ngày 30/11/2018), cơ quan thuế các cấp đã giải quyết hoàn thuế bằng phương thức điện tử cho NNT đối với 15.823 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 91,7% hồ sơ hoàn thuế GTGT đã giải quyết của trường hợp hoàn xuất khẩu và đầu tư), với tổng số tiền thuế GTGT được hoàn là 89.358 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 90% số tiền được hoàn của trường hợp hoàn xuất khẩu và đầu tư).

Thứ năm, đổi mới hoạt động quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế: cụ thể đã đề xuất trình các cấp thông qua sửa đổi quy định về tỷ lệ tiền chậm nộp thuế từ 0,05%/ngày xuống còn 0,03%/ngày; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế quản lý thuế liên quan đến công tác quản lý thu nợ, như: rà soát đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Quản lý thuế trong đó sửa đổi các nội dung quy định về gia hạn nộp thuế, nộp dần tiền thuế nợ, miễn tiền chậm nộp, xóa nợ và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; tham mưu trình các cấp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp NSNN.

Đồng thời, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu nợ, ngành Thuế đã nghiên cứu và áp dụng thống nhất trong toàn ngành hệ thống đánh giá chất lượng công tác quản lý nợ thuế của từng cục thuế nói riêng và toàn ngành nói chung trên cơ sở so sánh với các mục tiêu chiến lược đề ra, làm căn cứ để theo dõi, đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế từng năm, từng giai đoạn.

Thứ sáu, tập trung phát triển hệ thống công nghệ thông tin và hiện đại hoá hạ tầng kỹ thuật: Phát triển các ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, theo đó đã xây dựng, nâng cấp các ứng dụng và triển khai dịch vụ khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử (eTax Service) tại Tổng cục Thuế, các cục thuế, các chi cục thuế và NNT. Cụ thể: Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc và đã có 99,83% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận trên 56,6 triệu hồ sơ.

Tổng cục Thuế đã phối hợp với 50 ngân hàng thương mại hoàn thành kết nối với Tổng cục Thuế và 63 cục thuế triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử. Tổng cục Thuế đã triển khai dịch vụ khai thuế điện tử đối với tờ khai cho hoạt động thuê nhà tại 20 cục thuế và các chi cục thuế trực thuộc và đã kết nối dữ liệu thành công với 3 ngân hàng thương mại (Vietcombank, Vietinbank, Agribank…)

Đồng thời, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ hoạt động nghiệp vụ của cơ quan thuế: các ứng dụng đáp ứng nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra (TTR, TPR); ứng dụng cơ sở dữ liệu tập trung (TMS); nâng cấp kho cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành Thuế; hệ thống Quản lý tài chính và kế toán nội bộ; nâng cấp quy hoạch các hệ thống ứng dụng trao đổi thông tin với các đơn vị, tổ chức bên ngoài ngoài hiện tại của ngành Thuế theo kiến trúc và hạ tầng công nghệ mới; nâng cấp kiến trúc cổng thông tin trao đổi thông tin với các đơn vị, tổ chức bên ngoài giai đoạn 2 (ngân hàng, T-Van, kho bạc nhà nước, hải quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ công an, Tổng cục Thống kê, Bảo hiểm xã hội...); bước đầu thực hiện việc xây dựng ứng dụng ký điện tử tập trung ngành Thuế cho các tỉnh/thành phố áp dụng trước cho các giao dịch điện tử và thông báo điện tử phục vụ NNT.

Tổng cục Thuế đã nâng cấp hạ tầng kỹ thuật lưu trữ (Storage) và sao lưu cho hệ thống TMS đáp ứng yêu cầu xử lý tập trung. Hệ thống máy chủ hiện tại được triển khai trên nền tảng ảo hóa giúp việc quản lý cấp phát tài nguyên được linh động hơn, giảm thời gian downtime của ứng dụng khi thực hiện.

Hệ thống điện toán đám mây được Tổng cục Thuế nghiên cứu và phát triển nhằm chuẩn hóa hệ thống ảo hóa tập trung tại TTDL chính và TTDL dự phòng; thực hiện nâng cấp hệ thống máy chủ ảo hoá đáp ứng các yêu cầu xử lý mới và tính năng dự phòng bằng quản trị vận hành hàng ngày đảm bảo cập nhật các bản vá hãng cung cấp và khuyến cáo, hạn chế tối đa các lỗ hổng về ANTT cho máy chủ.

Triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật thông tin tại cơ quan thuế các cấp đảm bảo hoạt động ổn định, ngăn chặn các nguy cơ xâm nhập, mất an ninh thông tin.

Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu cải cách

Thứ bảy, hiện đại hoá tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực: Giai đoạn 2016 - 2018, ngành Thuế đã kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy ngành thuế theo hướng tăng cường năng lực thực thi, triển khai nhiệm vụ, tinh gọn đầu mối, phù hợp với công tác quản lý và tình hình thực tế tại địa phương.

Năm 2018, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các quyết định về tổ chức bộ máy, ngành Thuế đã kiện toàn, tinh giảm bộ máy ở tất cả các cấp Tổng cục, cục thuế và chi cục thuế cơ cấu tổ chức mới của cơ quan Tổng cục Thuế đã được kiện toàn, giảm cơ cấu cấp phòng tại các vụ/đơn vị; giảm số lượng các phòng tại các cục thuế; sáp nhập tinh giảm đầu mối các chi cục thuế (Trong năm 2018, đã triển khai điểm tại 6 cục thuế  với việc hợp nhất 34 chi cục thuế thành 16 chi cục thuế khu vực (giảm từ 711 xuống còn 693 chi cục thuế với 4.870 đội thuế trực thuộc …)

Ngành Thuế thực hiện điều chỉnh dần cơ cấu công chức theo chức năng quản lý và theo đối tượng quản lý đảm bảo hiệu quả, phù hợp nhiệm vụ quản lý thuế tại các cấp quản lý thuế: Tính đến 31/12/2018, tổng số công chức, viên chức và hợp đồng lao động của toàn ngành Thuế là 41.233 người, trong đó công chức và viên chức là 37.329 người, hợp đồng lao động theo Nghị định số 68 là 3.904 người;

Tăng cường nguồn nhân lực cho các bộ phận trực tiếp quản lý thuế, đặc biệt là bộ phận thanh tra, kiểm tra thuế, đồng thời giảm số công chức làm ở các bộ phận gián tiếp (nguồn lực làm công tác thanh tra, kiểm tra của ngành Thuế đã tăng qua từng năm: năm 2016 tỷ lệ công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra chiếm tỷ lệ 25,71%; năm 2017 chiếm tỷ lệ 26,48%; năm 2018 chiếm tỷ lệ 25,75% ).

Công tác luân phiên, luân chuyển và chuyển đổi vị trí công tác cũng luôn được quan tâm, đẩy mạnh theo đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng, Chính phủ và đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ.

Kết quả cụ thể trong 3 năm: Năm 2016, toàn ngành đã luân chuyển, luân phiên, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cho 8.573 lượt công chức; năm 2017, đã luân chuyển, luân phiên, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cho 7.832 lượt công chức; năm 2018 đã luân chuyển, luân phiên, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cho 7.309 lượt công chức, viên chức. Trong đó: luân chuyển 208 lượt lãnh đạo trong diện quy hoạch chức danh cao hơn; luân phiên 670 lượt lãnh đạo cấp phó; điều động 3.470 lượt; chuyển đổi vị trí công tác 2.961 lượt công chức.

Đồng thời, ngành Thuế đã triển khai thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình đề ra trong Đề án tinh giản biên chế ngành Thuế giai đoạn 2015 - 2021, ban hành kèm theo Quyết định số 2503/QĐ-BTC ngày 22/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, với tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 là 4.332 người, tương ứng với 10% so với biên chế được giao năm 2015 (43.323 người).

Toàn ngành cũng triển khai nhiều biện pháp tăng cường quản lý cán bộ; tăng cường quản lý và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi công vụ, đẩy mạnh công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc siết chặt kỷ luật, kỷ cường hành chính khi thi hành công vụ, không để xảy ra những vụ việc gây hậu quả và tác động tiêu cực do sự quan liêu trong quản lý, thiếu trách nhiệm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra công vụ, quản lý cán bộ; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm và trách nhiệm của người đứng đầu để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ nhân dân.

Thứ tám, hiện đại hoá công tác dự báo thu NSNN, chú trọng công tác hội nhập và hợp tác quốc tế, đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý thuế:

Ngành thuế hiện đại hoá công tác dự báo thu NSNN thông qua việc phối hợp với các tổ chức/đơn vị trong và ngoài nước nghiên cứu đánh giá thực trạng công tác dự báo thu NSNN tại Việt Nam, so sánh với thông lệ quốc tế và tổ chức buổi hội thảo giới thiệu những kinh nghiệm, phương pháp dự báo thu trên thế giới hiện nay, so sánh với hiện trạng của Việt Nam để có những khuyến nghị phù hợp cho Việt Nam.

Hệ thống mẫu biểu, báo cáo xây dựng dự toán thu NSNN, báo cáo đánh giá tình hình thu NSNN được rà soát; từ đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống mẫu biểu, báo cáo xây dựng dự toán phù hợp với sự thay đổi  của chính sách thuế, Luật NSNN, các quy trình quản lý thuế...

Tăng cường hợp tác quốc tế về thuế 

Các hoạt động hợp tác đã phục vụ thiết thực tiến trình cải cách, hiện đại hoá hệ thống thuế, nâng cao kiến thức của cán bộ trong ngành, trong các lĩnh vực quản lý thuế, góp phần tiếp tục khẳng định vị thế của ngành thuế Việt Nam trong các hoạt động quốc tế về thuế nói riêng và công tác đối ngoại của Bộ Tài chính nói chung.

Tích cực triển khai chương trình Chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận BEPS. Tổng cục Thuế đã tham mưu trình Bộ trình Chính phủ về việc tham gia Diễn đàn hợp tác thực hiện Chương trình BEPS và chính thức trở thành thành viên thứ 100 của diễn đàn.

Việt Nam đã cùng với OECD và các nước G20 cũng như tất cả các nước đang phát triển khác tham gia xây dựng và đặt nền móng cho một khung thuế quốc tế hiện đại trong đó đảm bảo khoản lợi nhuận phải bị đánh thuế khi có hoạt động kinh tế và tạo ra giá trị. Năm 2017,với vai trò là Chủ tịch APEC, Việt Nam đã lựa chọn chủ đề Chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) là một trong 4 chủ đề ưu tiên được triển khai trong tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017.

Việt Nam đã tổ chức thành công hai hội thảo của APEC về triển khai thực hiện BEPS trong APEC với sự tham gia của các cơ quan thuế APEC tại Nha Trang và Hà Nội với chủ đề “Các ưu tiên triển khai thực hiện Kế hoạch hành động BEPS tại các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương”.

Song song với việc triển khai thực hiện các nội dung cải cách quản lý thuế, ngành Thuế thường xuyên tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động của ngành phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo đó, ngành Thuế đã xây dựng và ban hành Hệ thống chỉ số đánh giá hoạt động quản lý thuế theo Quyết định số 2059/QĐ-TCT ngày 23/11/2017 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (thay thế Quyết định số 688/QĐ-TCT ngày 22/4/2013 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế), Hệ thống chỉ số đánh giá hoạt động quản lý bao gồm 62 chỉ số đánh giá hiệu quả quản lý thuế của ngành Thuế và của cơ quan thuế cấp tỉnh trong từng lĩnh vực (gồm có 7 chỉ số đánh giá cấp độ chiến lược và 55 chỉ số đánh giá cấp độ hoạt động), nhằm đánh giá một cách khách quan, minh bạch hiệu quả hoạt động của từng cơ quan thuế cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương định kỳ hàng năm, giữa kỳ và cuối kỳ theo các mục tiêu kế hoạch cải cách quản lý thuế đề ra cho giai đoạn 2016 - 2020, thể hiện cam kết của ngành Thuế trong thực hiện các tiêu chí quản lý thuế theo Tuyên ngôn của ngành đã ban hành “Minh bạch, Chuyên nghiệp, Liêm chính, Đổi mới”.

Những kết quả, thành tựu đã đạt được của Kế hoạch cải cách quản lý thuế giai đoạn trung hạn (2016 - 2018) là ghi nhận sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành Thuế, sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, sự đồng lòng, ủng hộ với chủ trương cải cách của ngành Thuế của người dân và doanh nghiệp. Kết quả nảy một lần nữa đã khẳng định cải cách là con đường tất yếu để xây dựng ngành Thuế tiên tiến, hiện đại, hiệu lực và hiệu quả và toàn ngành Thuế tiếp tục phát huy, nỗ lực hơn nữa để thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.

 

Theo Thời báo Tài chính