“Liều thuốc” mới trị nhũng nhiễu trong thanh tra thuế

05/05/2015 09:49:22 AM




(Chinhphu.vn) – Có ý kiến cho rằng, thủ tục quyết toán, kiểm tra thuế chưa rõ ràng đã tạo “đất” cho cán bộ thuế nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp; làm việc tùy vào cảm tính, thích thì kiểm tra, không thích thì bỏ qua….
Upload file:

 

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế  đã trao đổi với Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia xung quanh ý kiến này.

 

Theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành thì hiện nay doanh nghiệp đang áp dụng cơ chế: tự khai, tự tính, tự nộp tiền thuế vào ngân sách Nhà nước; cơ quan thuế thực hiện chức năng tuyên truyền, hỗ trợ; thanh tra kiểm tra, thu hồi cưỡng chế nợ đối với các hành vi vi phạm…

 

Theo đó, doanh nghiệp cũng tự lập tờ khai quyết toán thuế và tự thực hiện quyết toán thuế đối với các loại thuế phải quyết toán năm, như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân… và chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu mà mình đã kê khai, quyết toán.

 

Riêng đối với thuế giá trị gia tăng thì doanh nghiệp không phải quyết toán năm nhưng phải tự tính toán, xác định số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ theo chế độ quy định, số thuế giá trị gia tăng đầu ra phải nộp hoặc tiền thuế giá trị gia tăng được hoàn. 

 

Để thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời tránh rủi ro, thất thoát trong hoàn thuế giá trị gia tăng, Luật Quản lý thuế đã phân loại  thành hai đối  tượng: doanh nghiệp chấp hành chính sách pháp luật về thuế được hoàn thuế  trước, kiểm tra sau. Doanh nghiệp có gian lận về thuế, rủi ro cao thì cơ quan thuế thực hiện kiểm tra trước khi hoàn thuế. 

 

Để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ  của cơ quan thuế, cán bộ thuế, Luật Quản lý thuế đã quy định cụ thể về công tác kiểm tra, thanh tra thuế, như Điều 77 của Luật quy định các trường hợp kiểm tra thuế tại trụ sở cơ quan thuế, Điều 78 quy định các trường hợp kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế; Điều 81 quy định về các trường hợp thanh tra thuế. Luật cũng quy định cụ thể các nội dung về quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế cũng như quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan thuế, cán bộ thuế trong hoạt động kiểm tra, thanh tra.

 

Bộ Tài chính cũng đã ban hành các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế. Đồng thời, ngành Thuế cũng ban hành các quy trình nghiệp vụ về thanh tra, kiểm tra, quy trình quản lý rủi ro… để đảm bảo việc thi hành đúng pháp luật, thống nhất và tránh các sai phạm trong quá trình thi hành công vụ của các cơ quan thuế và cán bộ thuế.

 

Cơ quan thuế thực hiện quản lý rủi ro

 

Theo các văn bản quy phạm pháp quy về quản lý thuế thì cơ quan thuế không kiểm tra báo cáo quyết toán thuế hàng năm của người nộp thuế, mà chỉ thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra theo từng nội dung, thời gian cụ thể. Đối với hành vi doanh nghiệp khai sai, quyết toán sai, tính toán sai… dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, tăng tiền thuế được miễn, giảm; hoặc hành vi  trốn thuế, gian lận thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì thời hiệu xử phạt là 5 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm đến ngày ra quyết định xử phạt.

 

Quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế thì doanh nghiệp không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, gian lận, tiền chậm nộp tiền thuế vào NSNN trong thời hạn 10 năm trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.

 

Văn bản cũng quy định rõ: Trường hợp nào thì kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế, trường hợp nào phải kiểm tra tại doanh nghiệp. Nhất thiết, trước khi kiểm tra phải ban hành quyết định kiểm tra thuế. Quyết định  kiểm tra phải được gửi cho doanh nghiệp chậm nhất là 3 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định và thời hạn kiểm tra thuế tại trụ sở của doanh nghiệp không quá 5 ngày làm việc, nếu phải gia hạn không quá 5 ngày làm việc thực tế... Các văn bản, quy trình  cũng quy định rõ biểu mẫu, lập biên bản, ý kiến của doanh nghiệp khi kiểm tra…

 

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng công tác thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp hiện vẫn còn chồng chéo, mỗi cơ quan thanh tra, kiểm tra đều trực tiếp thanh tra theo mục đích của mình, không sử dụng kết quả của cơ quan chuyên ngành, gây khó khăn phiền hà cho doanh nghiệp.

 

Nhằm thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính có hiệu quả, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2015, Chính phủ đã giao trách nhiệm cho Bộ Tài chính: Thực hiện cải cách thủ tục hành chính về thuế và áp dụng cơ chế quản lý rủi ro.

 

Tại Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18/3/2014, Chính phủ yêu cầu: Bảo đảm công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với đối tượng có rủi ro cao về thuế, không gây phiền hà cho đối tượng nộp thuế chấp hành tốt chính sách thuế.

 

Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doahh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015- 2016 đã yêu cầu Bộ Tài chính: Ban hành chế độ quản lý rủi ro đối với doanh nghiệp thuộc đối tượng thanh tra, kiểm tra về thuế trước ngày 30/6/2015. Nghiên cứu trình Chính phủ ban hành quy chế thanh tra tại doanh nghiệp theo nguyên tắc không chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước về thanh tra, kiểm tra; cho phép sử dụng kết quả thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong công tác quản lý thuế, hoàn thuế.

 

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, việc áp dụng cơ chế quản lý thuế theo rủi ro sẽ giúp cơ quan thuế phân bổ nguồn lực một cách hợp lý trong việc thực thi nhiệm vụ quản lý thuế, đồng thời giúp người nộp thuế đã tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật thuế, không có sai phạm sẽ tránh được việc bị kiểm tra, thanh tra không cần thiết từ cơ quan thuế, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế, giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế, hạn chế tối đa các trường hợp vi phạm, tự ý gây nhũng nhiễu của cán bộ thuế trực tiếp quản lý đối tượng nộp thuế.

 

Lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo Tổng cục Thuế quyết tâm rất cao để triển khai thực hiện mọi biện pháp về cải cách các thủ tục hành chính thuế, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết gây khó khăn cho người nộp thuế, cải tiến các quy trình nghiệp vụ theo hướng rõ ràng, minh bạch, công khai. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế tới người nộp thuế, tăng cường giáo dục tới đội ngũ cán bộ trong toàn ngành, nhằm quán triệt đầy đủ và sâu rộng tinh thần cải cách, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm cả của người nộp thuế và cán bộ thuế.

 

Bà Nguyễn Thị Cúc tin rằng các Nghị quyết  của Chính phủ cũng như Tuyên ngôn của ngành “MINH BẠCH- CHUYÊN NGHIỆP- LIÊM CHÍNH- ĐỔI MỚI” sẽ giúp doanh nghiệp  ngày càng thuận lợi hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cũng như hưởng lợi các ưu đãi về thuế.

Theo Chinhphu.vn