Bản tin tuần 4 tháng 5 năm 2021

08/04/2021 05:03:29 PM




Upload file:

Kính gửi: Các Anh, Chị Hội viên Hội Tư vấn Thuế Việt Nam

Văn phòng Hội kính gửi các anh, chị bản tin Tổng hợp văn bản mới tuần 04 tháng 5 năm 2021. Trong đó tiêu biểu có:

Thông tư số 31/2021/TT-BTC ngày 17/5/2021 quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế, thay thế TT 204/2015/TT-BTC và áp dụng kể từ ngày 02/7/2021

Thông tư này quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế của cơ quan thuế các cấp, bao gồm: i-Thu thập, xử lý, quản lý, sử dụng thông tin liên quan đến người nộp thuế phục vụ quản lý rủi ro; ii- Đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế; iii- Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế tương ứng với các mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế.

Các nội dung quản lý thuế áp dụng quản lý rủi ro theo Thông tư:

a) Quản lý tuân thủ pháp luật thuế;

b) Quản lý rủi ro về đăng ký thuế;

c) Quản lý rủi ro trong kiểm tra hồ sơ thuế tại trụ sở của cơ quan thuế;

d) Quản lý rủi ro trong quản lý hoàn thuế;

đ) Quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế;

e) Quản lý rủi ro trong quản lý nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;

g) Quản lý rủi ro trong quản lý hóa đơn, chứng từ;

h) Quản lý rủi ro đối với người nộp thuế thuộc trường hợp kiểm soát, giám sát trọng điểm;

i) Quản lý rủi ro đối với người nộp thuế là cá nhân;

k) Áp dụng quản lý rủi ro trong các hoạt động nghiệp vụ khác trong quản lý thuế.

Điều 11 của Thông tư quy định việc phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế là doanh nghiệp như sau:

Phân loại mức độ rủi ro tổng thể

a) Người nộp thuế là doanh nghiệp được phân loại mức độ rủi ro theo một trong những hạng sau:

a.1) Hạng 1: Người nộp thuế rủi ro rất thấp.

a.2) Hạng 2: Người nộp thuế rủi ro thấp.

a.3) Hạng 3: Người nộp thuế rủi ro trung bình.

a.4) Hạng 4: Người nộp thuế rủi ro cao.

a.5) Hạng 5: Người nộp thuế rủi ro rất cao.

Đối với người nộp thuế thuộc mức rủi ro rất cao, rủi ro cao áp dụng các biện pháp quản lý theo quy định tại Điều 22 Thông tư này: thuộc đối tượng Kiểm soát, giám sát trọng điểm đối với người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế.

Điều 12 của Thông tư quy định việc phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế là cá nhân như sau:

1. Mức độ rủi ro người nộp thuế là cá nhân được phân loại theo một trong các mức sau:

a) Rủi ro cao.

b) Rủi ro trung bình.

c) Rủi ro thấp.

2. Mức độ rủi ro người nộp thuế là cá nhân được phân loại dựa trên kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế tại Điều 10 và các tiêu chí quy định tại Phụ lục III Thông tư này.

3. Xử lý kết quả phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế là cá nhân

Kết quả phân loại mức độ rủi ro của người nộp thuế được áp dụng các biện pháp quản lý thuế quy định tại Điều 15 Thông tư này. Cụ thể:

Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh:

- Rủi ro cao: Áp dụng một hoặc kết hợp các biện pháp sau:

Rà soát, kiểm tra, xác minh các thông tin liên quan làm cơ sở xác định lại doanh thu, mức thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh;

Lập danh sách kiểm tra, khảo sát để xác định lại doanh thu, mức thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các tổ chức có liên quan.

- Rủi ro trung bình: Lựa chọn ngẫu nhiên đưa vào danh sách khảo sát doanh thu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; tiếp tục thực hiện phân loại rủi ro cho kỳ đánh giá tiếp theo;

- Rủi ro thấp: Lưu hồ sơ, thực hiện phân loại mức độ rủi ro cho kỳ đánh giá tiếp theo.

Đối với cá nhân có các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (không bao gồm hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh):

- Rủi ro cao: Lựa chọn vào danh sách kiểm tra, xác minh thực tế và tổ chức thực hiện kiểm tra, xác minh theo quy định hiện hành;

- Rủi ro trung bình và rủi ro thấp: Lưu hồ sơ, thực hiện phân loại mức độ rủi ro cho kỳ đánh giá tiếp theo.

Trường hợp cá nhân có các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân thông qua tổ chức chi trả thu nhập thì được kiểm soát qua việc phân tích dấu hiệu rủi ro của tổ chức chi trả thu nhập.

Đối với cá nhân có các khoản thu liên quan đến đất đai, tài sản gắn liền với đất

- Rủi ro cao: Thực hiện phân tích hồ sơ, lập danh sách trình thủ trưởng cơ quan thuế kế hoạch kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế, thực hiện kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế theo quy định hiện hành đối với cá nhân và tổ chức có liên quan;

- Rủi ro trung bình và rủi ro thấp: Lưu hồ sơ, thực hiện phân loại mức độ rủi ro cho kỳ đánh giá tiếp theo.