Gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô: Giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp trong nước

01/05/2021 10:32:39 AM




Trao đổi với phóng viên TBTCVN, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, việc Chính phủ ban hành Nghị định 109/2020/NĐ-CP (Nghị định 109) cho phép gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đã góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng đối với hàng Việt. Đây là giải pháp thiết thực để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Upload file:



* PV: Thưa bà, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 109 về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Cùng với các giải pháp trước đây, nghị định này được cho là một cú hích đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

- Bà Nguyễn Thị Cúc: Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho  doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất đối với phạm vi tương đối rộng, nhưng chưa gia hạn đối với thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cũng gặp nhiều khó khăn, mà đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất ô tô.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vẫn còn tiếp tục khó khăn. Do đó Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, trong đó có gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Để tiếp tục thực hiện nghị quyết này, Chính  phủ cũng đã ban hành Nghị định 109 gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo nghị định này, Chính phủ cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6, tháng 7, tháng 8, tháng 9 và tháng 10/2020 đối với ô tô sản xuất, hoặc lắp ráp trong nước.

Thời gian gia hạn chậm nhất không quá 20/12/2020 để không làm ảnh hưởng đến dự toán ngân sách, cũng như cân đối ngân sách nhà nước năm 2020 đã được Quốc hội thông qua.

Theo luật, doanh nghiệp phải nộp đúng, đủ tiền thuế; nếu không nộp đủ tiền thuế đúng hạn thì phải tính tiền chậm nộp. Với chính sách này, doanh nghiệp được phép sử dụng tiền thuế, tiền chậm nộp mà không phải chịu tiền chậm nộp đó để thanh toán chi phí cho hoạt động của doanh nghiệp, hoặc đầu tư. Điều này sẽ giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

                           

* PV: Như bà vừa nói thì việc ban hành Nghị định 109 đã tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Ngoài việc doanh nghiệp được chậm nộp tiền thuế tiêu thụ đặc biệt, thì lợi ích mà nghị định này mang lại đối với các doanh nghiệp này là gì, thưa bà?

- Bà Nguyễn Thị Cúc: Mục đích duy nhất của chính sách này là tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Cụ thể hơn, khi doanh nghiệp được ra hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, sẽ có thêm nguồn lực để trang trải các chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển, từ đó có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp kinh doanh ô tô nhập khẩu.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay hàng rào thuế quan đã bị cắt giảm do thực hiện các hiệp định thương mại, các sản phẩm ô tô nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam là khá lớn, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu.

Trong khi đó, trong các hiệp định đã cam kết, chính sách thuế không phân biệt đối xử giữa hàng hóa trong nước và hàng hóa nhập khẩu. Do đó, chúng ta không thể dùng biện pháp giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thấp hơn ô tô nhập khẩu, mà chỉ dùng biện pháp gia hạn nộp thuế như các nghị định của Chính phủ ban hành.

* PV: Nhìn lại các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì thấy rằng, Chính phủ đã có nhiều chính sách liên quan đến việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Tuy nhiên, để chính sách này đi vào cuộc sống, thật sự phát huy tác dụng  cũng cần sự chủ động tiếp nhận từ phía doanh nghiệp. Bà có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước?

- Bà Nguyễn Thị Cúc: Hiện nay các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đã dần đi vào hoạt động ổn định, đã dần có thương hiệu và được người tiêu dùng trong nước quan tâm. Một số doanh nghiệp dù mới đi vào hoạt động, nhưng đã chiếm lĩnh được niềm tin của người tiêu dùng.

Đương nhiên, một doanh nghiệp muốn sản xuất ra sản phẩm tốt, có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại, thì doanh nghiệp cần phải tận dụng các cơ hội, bao gồm cả cơ hội được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thay vì phải thực hiện nghĩa vụ thuế, doanh nghiệp có thể dùng số tiền đó đầu tư máy móc, kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí nhân công, hạ giá thành sản phẩm… góp phần giúp doanh nghiệp có thể cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu và đứng được trong thị trường. Khi doanh nghiệp tận dụng được mọi lợi thế sẵn có, ngoài việc đứng được trên thị trường trong nước, còn có thể hướng đến xuất khẩu và mở rộng thị trường.

* PV: Xin cảm ơn bà!

 

Theo Thơì báo tài chính