Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Thực hiện tốt Nghị định về hóa đơn điện tử sẽ hạn chế thất thu thuế

11/01/2018 09:34:13 AM




Đến nay, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã có ý thức chấp hành pháp luật về thuế, bán hàng hóa có xuất hóa đơn; tuy nhiên vẫn còn tình trạng bán hàng không xuất hóa đơn. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp khác, việc thực hiện tốt Nghị định về hóa đơn điện tử sẽ hạn chế tình trạng này.
Upload file:

Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khi trả lời chất vấn của ĐB Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) về việc quản lý hóa đơn còn chưa chặt chẽ, làm thất thu ngân sách.

Sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để có hiệu quả cao nhất

Trả lời chất vấn của ĐB Hằng, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thẳng thắn thừa nhận: “Đúng như ĐB nêu, từ trước đến nay, vẫn còn tình trạng những người bán hàng không xuất hóa đơn, không kê khai nộp thuế và gây thất thoát cho nguồn thu thuế quốc gia. Qua thanh tra, kiểm tra, có những doanh nghiệp (DN) không chỉ không xuất hóa đơn, mà còn có những cá nhân lập nên DN để lợi dụng buôn bán hóa đơn và rút tiền hoàn thuế của Nhà nước”.

“Thời gian qua, chúng tôi đã phát hiện nhiều trường hợp và phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan công an để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”, Bộ trưởng cho hay.

 

Quốc hội

 Toàn cảnh phiên chất vấn tại Quốc hội chiều 31/10.

 

Cho biết thêm về nội dung này, Bộ trưởng nêu rõ, hiện đã có hành lang pháp lý là Nghị định số 51/2010 quy định về hóa đơn cung ứng hàng hóa và Nghị định 109/2013 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí và hóa đơn. Đặc biệt, vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 119/2018 quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Trong thực thế mấy năm vừa qua, Bộ Tài chính đã triển khai rất đồng bộ các giải pháp như kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, “trên thực tế, chúng tôi cho rằng, các DN và nhà đầu tư đã có ý thức chấp hành pháp luật về thuế, bán hàng hóa có xuất hóa đơn và kê khai nộp thuế; tuy nhiên vẫn còn tình trạng bán hàng không xuất hóa đơn”, Bộ trưởng nêu.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, ngoài các giải pháp khác, thì cần phải thực hiện tốt Nghị định 119/2018 về hóa đơn điện tử; đồng thời, sẽ có những bổ sung trong Luật Quản lý thuế sửa đổi sẽ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến trong kỳ họp này.

Song song với đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rằng, việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ phải có hóa đơn, chứng từ.

Bộ trưởng cho rằng, trên thực tế, nền kinh tế Việt Nam đang sử dụng quá nhiều tiền mặt. Do vậy, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan khác để tăng cường các giải pháp đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm về thuế và hóa đơn.

Về cơ bản không vướng mắc vấn đề đất trong cổ phần hóa

Tại phiên chất vấn, ĐB Quách Thế Tản (Hòa Bình) đặt câu hỏi: Về quản lý sử dụng đất trước và sau khi cổ phần hóa (CPH) không tính hoặc tính thiếu vào giá trị DN có gây ra thất thoát không và Bộ Tài chính có giải pháp gì?

 

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng

 Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời ý kiến ĐBQH nêu trong phiên chất vấn tại Quốc hội chiều 31/10.

 

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất của DN CPH được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai trong từng thời kỳ. Theo đó, trước năm 2011, có quy định đất thuê trả tiền hàng năm phải tính giá trị vị trí địa lý vào giá trị DN. Sau năm 2011 đến nay, Luật Đất đai năm 2013 đã điều chỉnh lại việc tính tiền thuê đất sát với thị trường vào giá trị DN và DN phải nộp NSNN phần chênh lệch.

Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu thêm: “Chúng tôi cho rằng, việc quản lý, sử dụng chặt chẽ đất đai sau CPH ở mỗi địa phương, địa bàn, thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh. Thực tế, một số DN sau CPH đã lợi dụng chính sách quản lý đất đai của Nhà nước, chẳng hạn như việc di dời cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô,... để chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mà không thực hiện việc thu hồi, đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.

Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 126/2017 chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Theo đó, phương án sử dụng đất của DN CPH thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước thời điểm quyết định CPH; và sau CPH, công ty cổ phần phải thực hiện quản lý và sử dụng đất của DN theo đúng phương án đã được phê duyệt.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất phải được thực hiện thu hồi để đấu giá theo quy định. Việc quản lý đất đai nói chung và của DN trước và sau CPH nói riêng là vấn đề hệ trọng. Theo quy định đất đai, dù là DN cổ phần, DN nhà nước hay DN thành phần khác, khi chuyển đổi mục đích vẫn phải thu hồi để đấu giá.

Bộ trưởng cho biết thêm, vừa qua có một số trường hợp không đấu giá, dẫn tới dư luận tâm tư và nhiều ý kiến cho rằng thất thoát, lãng phí.

Trả lời ý kiến của ĐB chất vấn rằng, các vướng mắc về đất có ảnh hưởng tới việc CPH DN nhà nước hay không, Bộ trưởng cho rằng: “Về cơ bản không vướng mắc”.

“Trong Nghị định 126/2017 đã nêu rõ các địa phương nơi DN CPH có sử dụng đất thì phải chịu trách nhiệm phê duyệt phương án sử dụng đất của DN sau CPH. Nhưng thực tế triển khai, đúng là có những DN sử dụng đất đai ở nhiều địa phương cho nên việc triển khai chậm lại. Do đó, năm nay, theo kế hoạch phải CPH 85 DN nhưng mới phê duyệt được 12 DN. Vì vậy, để thúc đẩy nhanh được quá trình này, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các tổ chức, các cấp, ngành”, Bộ trưởng chia sẻ thêm và nhấn mạnh./.

Theo Thời báo Tài chính