2 tháng cuối năm, Cục Thuế TP. Hà Nội cần thu tối thiểu 57.500 tỷ đồng

01/05/2021 10:32:43 AM




Ngày 26/10/2020, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn đã dẫn đầu đoàn công tác của Tổng cục Thuế làm việc với cán bộ chủ chốt của Cục Thuế TP Hà Nội để đánh giá tình hình thu ngân sách 10 tháng đầu năm và triển khai biện pháp quản lý thuế các tháng cuối năm.
Upload file:

 

 

Báo cáo với đoàn công tác, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội Nguyễn Tiến Trường cho biết, tổng thu ngân sách 10 tháng đầu năm, ước thực hiện đạt 183.180 tỷ đồng, đạt 70,3% dự toán, bằng 89,9% so cùng kỳ năm 2019.

Trong đó thu từ dầu thô lũy kế 10 tháng ước đạt 1.990 tỷ đồng, đạt 94,8% dự toán, bằng 76,4% so cùng kỳ; thu nội địa 10 tháng ước đạt 181.190 tỷ đồng, đạt 70,1% dự toán, bằng 90,1% so cùng kỳ. Thu từ sản xuất kinh doanh 10 tháng ước đạt 95.412 tỷ đồng, đạt 65% dự toán, bằng 86% so cùng kỳ. Các khoản thu từ nhà, đất lũy kế 10 tháng ước thu 25.113 tỷ đồng, đạt 93,3% dự toán, bằng 121,5% so cùng kỳ.

Cục Thuế Hà Nội cho biết, nguyên nhân thu ngân sách đạt thấp là do dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Theo đó, 9 tháng đầu năm 2020, đã có 25.594 doanh nghiệp, tổ chức giải thể, tạm nghỉ kinh doanh (tăng 47,4% so cùng kỳ); có đến 58.290 hộ kinh doanh giải thể, bỏ kinh doanh (tăng hơn 274% so với cùng kỳ) và có 4.721 hộ tạm nghỉ kinh doanh (tăng 96,5% so cùng kỳ). Không chỉ có vậy, nguồn thu ngân sách của Thành phố cũng bị ảnh hưởng lớn bởi những chính sách thuế mới ban hành, sửa đổi bổ sung như: quy định hạn chế tác động của bia, rượu đã ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp sản xuất rượu bia, do sản lượng tiêu thụ giảm mạnh, điều này cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình thu nộp ngân sách của khối doanh nghiệp này; các quy định gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất tại Nghị định 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ cũng ảnh hưởng đến số nộp trong các tháng  4, 5, 6. Một số các chính sách hỗ trợ khác của Chính phủ cũng có tác động không nhỏ tới kết quả thu ngân sách như: Nghị quyết 42/NQ-CP của chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 (giảm 50% LPTB đăng ký lần đầu cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm 30% mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay;... đến hết 31/12/2020).

 

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các phòng chức năng của Cục Thuế cũng như các Chi cục Thuế đã báo cáo sâu hơn về tình hình thu ngân sách, đối với từng khoản thu, sắc thuế cũng như đề xuất các giải pháp để đảm bảo nguồn thu ngân sách trong những tháng cuối năm.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn đã chúc mừng đồng chí Mai Sơn Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội được tín nhiệm bầu vào thành ủy viên, đồng thời nhấn mạnh, TP Hà Nội là nơi tập trung trụ sở chính của các tập đoàn, tổng công ty lớn, do đó, cơ cấu thu của khối DN sản xuất kinh doanh chiếm tỷ trọng khá lớn (chiếm trên 56,2% trong tổng thu nội địa không kể tiền sử dụng đất trên địa bàn), tốc độ tăng trưởng thu bình quân của các khu vực sản xuất kinh doanh giai đoạn 2016-2019 đạt 9,9%/năm.

 

 

Với quy mô thu, số đối tượng quản lý nhiều, trong những năm qua, Cục Thuế Hà Nội đã nỗ lực, cố gắng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 2016 thu đạt 105,6% dự toán, năm 2017 đạt 103,4%, năm 2018 đạt 100,5% và năm 2019 đạt 101,5% dự toán; số thu năm sau tăng so với năm trước.

Trong 10 tháng đầu năm, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn song thu ngân sách trên địa bàn vẫn đạt 70,3% dự toán. Nếu tính cả số thuế đã gia hạn theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP và số giảm thu do thực hiện các chính sách mới thì đạt 74,2% so với dự toán và bằng 92,8% so với cùng kỳ. Số thu của Hà Nội cũng cao hơn một số địa phương có điều tiết về về ngân sách trung ương như: TP Hồ Chí Minh; Hải Phòng; Vĩnh Phúc; Khánh Hòa; Quảng Ngãi; Đà Nẵng, Quảng Nam.

Có thể nói đây là sự cố gắng lớn của Cục Thuế TP Hà Nội trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và số thu bị ảnh hưởng bởi một số cơ chế, chính sách về gia hạn, giảm thuế. Bên cạnh đó, TP Hà Nội còn bị ảnh hưởng nặng hơn bởi một số nguồn thu đặc thù như: việc thực hiện đóng cửa biên giới, dừng cấp visa cho khách du lịch trong thời gian dịch bệnh vừa qua làm giảm thu từ phí xuất-nhập cảnh, phí lãnh sự, giảm thu từ phí bay qua vùng trời do các hãng hàng không trong nước và quốc tế tạm dừng và hủy nhiều đường bay, việc tạm dừng các hoạt động lễ hội và hạn chế du lịch từ đầu năm đến nay làm giảm thu từ phí danh lam thắng cảnh,... Nhiều khoản phí, lệ phí không phát sinh từ tháng 3 đến nay đã làm hụt thu lớn trên địa bàn.

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng nếu so với dự toán thì thu ngân sách ở Hà Nội vẫn ở mức thấp so với 10 năm trở lại đây cả về tốc độ và tiến độ. Do đó để đảm bảo nhiệm vụ thu cả giai đoạn 2016-2020, thì trong 2 tháng cuối năm Hà Nội cần phải thu đạt 57.500 tỷ đồng. Để thực hiện được mục tiêu này, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn yêu cầu, Cục Thuế TP Hà Nội cần xử lý ngay số nợ mới phát sinh, dưới 90 ngày tại thời điểm cuối tháng 9/2020. Đối với các khoản thu đã hết thời gian gia hạn, Cục Thuế cần yêu cầu các đơn vị chủ động thu xếp nguồn tiền, thực hiện nghĩa vụ với NSNN ngay khi hết thời gian gia hạn.

Trong những tháng cuối năm, Cục Thuế cần huy động tối đa nguồn nhân lực phục vụ cho công tác thanh, kiểm tra, chống thất thu ngân sách trong đó cần rà soát, phân tích và lựa chọn các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, về hóa đơn để xây dựng chuyên đề thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế để khai thác tăng thu cho NSNN, đồng thời kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm về hóa đơn để xử lý theo quy định. Tổ chức thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của cơ quan Kiểm toán nhà nước, Thanh tra, kiểm tra; xử lý dứt điểm các vi phạm, tồn tại đã được cơ quan kiểm toán, thanh tra phát hiện, kiến nghị.

 Đối với hộ kinh doanh, Hà Nội hiện có số hộ kinh doanh lớn với 163.381 hộ chiếm 8,6% so với số hộ quản lý cả nước. Trong đó, hộ khoán sử dụng hóa đơn quyển chiếm gần 20%hộ khoán nộp thuế. Do đó, Hà Nội cần rà soát những lĩnh vực có dư địa thu lớn, các ngành nghề kinh doanh mới, cá nhân có giao dịch đáng ngờ, nhất là đối với các hộ, cá nhân kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, dịch vụ giải trí...), kinh doanh thương mại điện tử qua mạng xã hội. Vụ Thanh, kiểm tra thuế cùng cần phối hợp tốt với cơ quan thanh tra, giám sát của ngân hàng nhà nước để kịp thời cung cấp danh sách các tổ chức, cá nhân nghi ngờ gian dối trong kê khai thuế đối với kinh doanh qua mạng cho Cục Thuế. Trong 2 tháng cuối năm, Cục Thuế cần chỉ đạo các chi cục thuế xác định doanh thu và mức thuế khoán để thực hiện khảo sát, điều chỉnh thuế khoán phù hợp với tình hình thực tế kinh doanh, tiến gần ngưỡng bình quân thuế khoán đối với từng khu vực quản lý.

Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn cũng đề nghị Cục Thuế tăng cường công tác quản lý hoàn thuế GTGT, kiểm soát chặt chẽ số chi hoàn thuế, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, chính sách pháp luật thuế của Nhà nước.  Thực hiện phân tích thông tin về khai thuế, hoàn thuế để lựa chọn những đối tượng có dấu hiệu rủi ro trong hoàn thuế để bổ sung vào kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với các hành vi lợi dụng chính sách hoàn thuế GTGT chiếm đoạt tiền từ NSNN và thu hồi đầy đủ số tiền gian lận hoàn thuế vào NSNN.

Cùng với tăng cường quản lý thu ngân sách, Cục Thuế cũng cần tập trung hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, trọng tâm là tổ chức tập huấn, tuyên truyền về Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành; tổ chức bộ phận trực đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin thông suốt 24/7 để hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với NSNN từ khâu đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan thuế, giảm thời gian thực hiện các thủ tục, tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với thu NSNN./.

Theo Thơì báo tài chính