Cải cách TTHC thuế ở Hà Nội cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

10/14/2014 11:42:36 AM




Thời gian này, trên địa bàn TP Hà Nội, sức nóng của chương trình đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) từ ngành thuế đã lan toả và thu hút sự tham gia tích cực của tất cả các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng DN, bởi mục tiêu chung lớn nhất mà cả hệ thống chính trị TP đang hướng tới là xây dựng và phát triển Thủ đô thành trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá trọng điểm, tiêu biểu, năng động và hiện đại.
Upload file:

 

Xác định việc đẩy mạnh cải cách hành chính là yếu tố nền tảng để nâng cao chất lượng nền hành chính công và đẩy nhanh sự phát triển, ngay khi bước vào nhiệm kỳ 2011 - 2015, Đại hội lần thứ XV Đảng bộ TP Hà Nội đã thông qua nội dung tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trên cơ sở đó Thành ủy Hà Nội đã ban hành chương trình đẩy mạnh cải cách hành chính với 5 nhiệm vụ trọng tâm. Vì thế, khi ngành thuế bước vào giai đoạn cao điểm triển khai kế hoạch hành động đẩy mạnh cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho sự phát triển của DN, ngay lập tức đã nhận được sự đồng tình, hậu thuẫn cao của lãnh đạo TP. Theo đó, không chỉ ban hành văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành trên địa bàn tăng cường phối hợp với ngành thuế thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, trong buổi làm việc với đại diện tất cả các sở, ngành, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã yêu cầu: “các thông tin về TTHC phải được công khai đầy đủ, thường xuyên, rõ ràng, đúng địa chỉ, dễ tiếp cận, dễ khai thác sử dụng, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ hành chính...; chỉ đạo giải quyết đồng bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan; tiếp tục tập trung rà soát, đơn giản hóa TTHC trên tất các các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là TTHC liên quan đến người dân, DN; kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hoặc bãi bỏ các TTHC và quy định có liên quan đến TTHC không cần thiết, kịp thời bổ sung, hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC các lĩnh vực...”. Sự đồng nhất về quan điểm chỉ đạo đã tạo thuận lợi để cơ quan thuế nhận được sự hợp tác tích cực, chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, đưa sức nóng của các giải pháp đẩy mạnh cải cách TTHC lan toả trong cả hệ thống chính trị trên địa bàn.
 
Luôn đồng hành với Cục Thuế Hà Nội trong suốt những năm qua, nên ngay khi kế hoạch hành động cải cách TTHC được ngành thuế triển khai, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã phối hợp chặt chẽ để thực hiện công tác tuyên truyền các nội dung có liên quan. Không chỉ đăng tải các cơ chế, chính sách quản lý thuế mới trên trang thông tin nội bộ của ngành, Ban Tuyên giáo Thành ủy còn đưa những nội dung này vào chương trình nghị sự của các cuộc họp giao ban báo chí hàng tuần và sổ tay sinh hoạt để gửi tới hơn 17.000 chi bộ trên địa bàn. Vì ý nghĩa thiếu thực của các nội dung cải cách hành chính thuế đối với đông đảo các tầng lớp nhân dân nên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học cho biết, cơ quan này đã yêu cầu đội ngũ 300 báo cáo viên tăng thêm tần suất các buổi báo cáo trực tiếp tại cơ sở nhằm phát huy vai trò tương tác của phương pháp truyền khẩu trong việc hướng dẫn rõ các cơ chế, chính sách thuế mới, cũng như cắt nghĩa, lý giải thấu đáo những vấn đề còn vướng mắc. Cũng theo ông Phạm Thanh Học, tới đây Ban Tuyên giáo sẽ phối hợp với Cục Thuế Hà Nội tổ chức điều tra xã hội học nhằm tập hợp ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân về những điểm được, chưa được trong cơ chế chính sách thuế hiện hành cũng như thái độ của cán bộ thuế khi thi hành công vụ. Thông tin khách quan từ cuộc điều tra sẽ là cơ sở thiết thực để ngành thuế khuyến khích, nhân rộng những cách làm hiệu quả và có giải pháp khắc phục hạn chế yếu kém, đảm bảo đưa nội dung cải cách TTHC thuế phát huy hiệu quả trong cuộc sống.
 
Là những đối tác của ngành thuế trong việc triển khai các dự án hiện đại hoá công tác thu nộp ngân sách, thời gian qua, hệ thống các cơ quan tài chính, kho bạc, ngân hàng của TP Hà Nội luôn dành cho ngành thuế sự hợp tác có trách nhiệm. Nhờ đó, Cục Thuế đã duy trì thực hiện tốt dự án hiện đại hoá thu ngân sách giữa các cơ quan thuế - kho bạc - hải quan - tài chính và uỷ nhiệm thu thuế qua các ngân hàng thương mại. Dự án hiện đại hoá thu nộp ngân sách và hệ thống kết nối trao đổi dữ liệu đã được Cục Thuế, Kho bạc TP Hà Nội và các quận huyện triển khai đồng bộ, với gần 200 điểm ủy nhiệm thu thuộc hơn 10 ngân hàng thương mại đã vận hành thông suốt đường truyền dữ liệu, đáp ứng yêu cầu đối chiếu dữ liệu hàng ngày và cập nhật nhanh chóng, kịp thời, chính xác số thu vào NSNN.
 
Trên nền tảng ứng dụng kê khai thuế điện tử đã thiết lập, nhằm tiến thêm một bước trong việc tiết giảm chi phí và thời gian, tiếp tục tạo thêm những điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, từ tháng 12/2011 Cục Thuế đã phối hợp với Kho bạc Hà Nội, Ngân hàng Viettinbank triển khai thí điểm dịch vụ nộp thuế qua mạng internet. Đến tháng 2/2014, Cục Thuế đã phối hợp với Ngân hàng BIDV mở rộng diện thí điểm thực hiện nộp thuế điện tử. Đón nhận công nghệ nộp thuế mới như một kênh hỗ trợ cộng đồng DN thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thuận lợi, đơn giản, đảm bảo tính an toàn, chính xác và bảo mật, số DN đăng ký tham gia nộp thuế trực tuyến ngày càng tăng cao. Thời điểm này, Hà Nội đã có tổng số 1.841 giao dịch nộp thuế điện tử thành công, với số thuế đã nộp vào NSNN gần 4.000 tỷ đồng.
 
Cũng kể từ khi triển khai việc kết nối thông tin quản lý với các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan trên địa bàn, nhất là khi thực hiện các ứng dụng điện tử, Cục Thuế Hà Nội đã từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin về NNT để phục vụ công tác quản lý, qua đó rút ngắn thời gian giải quyết công việc, giảm thiểu TTHC, triển khai được nhiều dịch vụ, tiện ích cho các tổ chức, cá nhân SXKD. Đặc biệt với lĩnh vực đất đai, mảng nghiệp vụ liên quan đến nhiều khoản thu, nhiều cơ quan quản lý nhưng bị ràng buộc bởi nhiều thủ tục, lại thường xuyên có biến động về thông số, dữ liệu theo quá trình hiện đại hoá đất nước, Cục Thuế xác định nếu triển khai xây dựng được cơ sở dữ liệu về đất sẽ tạo điều kiện để người nộp thuế giảm thiểu yêu cầu về hồ sơ tài liệu giấy tờ để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế nhanh chóng, chính xác. Theo hướng này, từ năm 2007, Cục Thuế đã lên kế hoạch kết nối với cơ quan tài nguyên môi trường triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung về đất đai trên địa bàn, nhằm từng bước số hoá các hồ sơ địa chính và nghiên cứu xây dựng phần mềm ứng dụng phục vụ hiệu quả công tác quản lý. Với nền tảng này, Phó giám đốc Sở Tài Nguyên & Môi trường TP Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa nhận định: Cục Thuế Hà Nội và các chi cục thuế quận, huyện, thị xã hoàn toàn có đủ tự tin để từ năm 2015 sẽ cung cấp dịch vụ kê khai, nộp thuế qua mạng đối với các khoản thu từ đất. Khi ấy, mức độ thuận lợi mà cơ quan hành chính mang đến cho người nộp thuế sẽ ngày càng mở rộng và nối dài thêm

Theo Tạp Chí Thuế