Tổng cục Thuế đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống

08/03/2015 04:03:11 PM
(TCT online) – Sáng nay 3/8 tại Hà Nội, Tổng cục Thuế đã tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống và Đại hội điển hình tiên tiến lần thứ IV. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã tới dự và chia vui cùng hội nghị.

 

 
 
70 năm đã qua, bằng tất cả tình cảm, tâm huyết, trí lực, thậm chí cả máu xương, các thế hệ cán bộ ngành thuế đã gây dựng nên bề dày truyền thống đoàn kết, quyết tâm, sáng tạo, đổi mới. Những năm tới, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ngành thuế phải tiếp tục vun đắp, xây dựng và phát triển để truyền thống ngành thuế Việt Nam vẻ vang, rạng rỡ và vững chắc hơn, đóng góp xứng đáng vào việc ổn định và phát triển nền tài chính quốc gia, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 
Ghi nhận những công lao, đóng góp của đội ngũ CBCC thuế trong 70 năm qua đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý cho các tập thể, cá nhân. Chỉ tính trong 25 năm gần đây, toàn ngành thuế đã có 8 tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; 98 lượt tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ; 140 lượt tập thể được tặng Cờ thi đua của Bộ Tài chính; 153 cá nhân được phong tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc; 4.893 lượt cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành tài chính; 13.460 lượt tập thể đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc; 1 tập thể được tặng Huân chương Hồ Chí Minh, 2 tập thể được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất; 10 tập thể được tặng Huân chương độc lập hạng Ba; 1.879 tập thể, cá nhân được tặng Huân chương lao động; 4.357 lượt tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 23.631 lượt tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen Bộ Tài chính... Đặc biệt nhân lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành thuế, Chủ tịch nước lần thứ hai đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Tổng cục Thuế. 
 
Thuế là công cụ của Đảng và Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ kháng chiến cứu quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nên lịch sử ngành thuế đồng hành cùng với lịch sử Cách mạng Việt Nam, cùng với sự hình thành Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Từ khi ra đời đến nay, hệ thống thuế luôn là chính sách vĩ mô để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng trong mỗi thời kỳ lịch sử. Trong giai đoạn 1945 - 1954, thực hiện trọng trách động viên nguồn lực để phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Pháp, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế ở những vùng giải phóng, công tác thuế đã bảo đảm cho bộ đội ăn no đánh thắng, đảm bảo cho Nhà nước Việt Nam non trẻ ổn định và phát triển, mà đỉnh cao là đã huy động được nguồn lương thực, tiền vốn cần thiết cho chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi.
 
 Khi đất nước bước vào thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, chính sách thuế đã điều tiết mạnh mẽ lợi nhuận của tư bản tư nhân, động viên đúng mức nguồn thu nhập của DN và dân cư, bảo đảm nguồn thu NSNN ngày càng tăng để đáp ứng cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975.  
 
 Đến thời kỳ sau 1975, cả nước đi lên CNXH, công tác thuế của Đảng và Nhà nước tập trung vào việc ban hành các chính sách và tổ chức thực hiện để có nguồn lực bảo đảm cho hệ thống chính trị, bảo đảm cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở kinh tế xã hội. Đặc biệt sau Đại hội Đảng lần thứ VI, để đáp ứng yêu cầu phát triển mới, ngành thuế đã liên tục thực hiện các công cuộc cải cách thuế từ bước 1 (1990 - 1995), bước 2 (1996 - 2004), bước 3 (2005 - 2010) và đến nay là công cuộc cải cách thuế giai đoạn 2011 - 2020. Theo đó, trên nền tảng của những tư duy mới, cách nghĩ, cách làm chuyên nghiệp, văn minh, phù hợp với xu thế thời đại, nhiệm vụ công tác thuế đã ghi nhận những tầng nấc phát triển vượt bậc.
 
 Hệ thống chính sách thuế đã liên tục được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện nhằm thực hiện mục tiêu bao quát, phát triển nguồn thu, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, công bằng, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường theo định hướng XHCN và thông lệ quốc tế. Công tác quản lý thuế ngày càng được kiện toàn, củng cố cả về cơ chế, bộ máy và con người quản lý, trở thành lực lượng nòng cốt trong việc tổ chức, thực thi các chính sách thuế. Cơ quan thuế đã xoá bỏ cơ chế “chuyên quản” để thay thế bằng cơ chế mới trên cơ sở đề cao nghĩa vụ, trách nhiệm của các thành phần kinh tế trong việc tự tính, tự khai và tự nộp thuế vào NSNN. 
 
Một trong những thành công nổi bật của ngành thuế trong những năm gần đây là đã phát triển mạnh hệ thống các ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ tốt cho người nộp thuế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế. Đến nay, ngành thuế đã tự động hoá hầu hết các chức năng đăng ký thuế, xử lý kê khai, nộp thuế, kế toán thuế, quản lý thu nợ, thanh tra, kiểm tra. Đến thời điểm này, toàn ngành vẫn đang tiếp tục các mục tiêu đẩy mạnh cải cách và hiện đại hoá, rà soát toàn bộ hệ thống các quy trình, quy chế, thủ tục hành chính liên quan đến người nộp thuế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện khai, nộp thuế điện tử... để cắt giảm số giờ thực hiện các thủ tục về thuế cho DN, phấn đấu đạt và vượt được yêu cầu mà Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ đã đặt ra, để đến hết năm 2015 thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế chỉ còn 121,5 giờ, với trên 95% số DN thuộc diện quản lý thuế thực hiện khai thuế qua mạng và 90% DN tham gia nộp thuế điện tử.
 
 Nhờ các giải pháp về thuế thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và công tác quản lý thuế ngày càng chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả nên từ năm 1990 đến nay, số thu NSNN do ngành thuế thực hiện luôn hoàn thành vượt mức dự toán , năm sau tăng trưởng hơn năm trước. Riêng các năm từ 2001 đến nay, tỷ lệ động viên về thuế và phí so với GDP đã liên tục tăng cao, bình quân đạt khoảng 22%. Cơ cấu thu NSNN đã thay đổi theo chiều hướng tích cực, nguồn thu từ nội địa tăng trưởng cao, trở thành nguồn thu chủ yếu và mang tính ổn định cao của NSNN. Đến nay, số thu do ngành thuế quản lý đã chiếm trên 80% tổng thu NSNN. Trong đó đã có 2 cục thuế có số thu trên 100.000 tỷ đồng; 9 cục thuế có số thu trên 10.000 tỷ đồng và 19 cục thuế có số thu trên 5.000 tỷ đồng. Nguồn lực từ thuế đóng góp vào NSNN không chỉ đáp ứng các nhu cầu chi thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của Nhà nước trong từng thời kỳ, mà còn tăng cường cơ sở vật chất và tạo tiềm lực vững chắc cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 
 
Thời điểm này, nhìn lại 70 năm xây dựng và trưởng thành, càng thấy rõ công tác thuế luôn là công cụ có hiệu lực của Đảng và Nhà nước để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng trong mỗi giai đoạn lịch sử, cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Đây vừa là niềm tự hào, vừa là trách nhiệm đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành thuế phải liên tục cố gắng nỗ lực, sáng tạo, đổi mới, phấn đấu vươn lên không ngừng để đóp góp cho sự nghiệp thu NSNN. Dù chặng đường phía trước sẽ có nhiều khó khăn thách thức, nhưng sức mạnh từ niềm vinh dự, tự hào với bề dày truyền thống vẻ vang của ngành thuế sẽ tiếp sức, động viên, chắp cánh cho các thế hệ làm thuế hôm nay biết trân trọng, gìn giữ và phát huy để nâng vị thế ngành thuế Việt Nam lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu thời đại, đóng góp hiệu quả hơn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.
 
Theo Tạp Chí Thuế