Quốc hội thông qua Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

06/11/2020 09:53:57 AM
Chiều 10/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp với 456/460 đại biểu Quốc hội tán thành, nhất trí về sự cần thiết tiếp tục ban hành chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.

 

 

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo nghị quyết do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày, có ý kiến đề nghị cần tiếp tục ban hành chính sách thuế đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để thực sự thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; miễn, giảm các loại thuế, kể cả thuế thu nhập doanh nghiệp trong quá trình tiêu thụ sản phẩm được chế biến, liên kết chế biến sản phẩm nông nghiệp đã được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Theo Uỷ ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Luật Thuế TNDN hiện hành đã quy định miễn thuế đối với thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản, sản xuất muối của hợp tác xã... Đồng thời, quy định mức thuế suất ưu đãi đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% (thuế suất phổ thông là 20%) đối với thu nhập của doanh nghiệp từ trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, trong thời gian qua đã rà soát bãi bỏ các loại phí, lệ phí không hợp lý trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm giảm thủ tục hành hành chính, giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Như vậy, các chính sách về thuế, phí và lệ phí đã góp phần thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. 

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, việc kéo dài chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ làm mất chức năng của thuế sử dụng đất nông nghiệp, gây ra tình trạng hoang hóa ruộng đất và chưa bám sát tinh thần của Kết luận 36-KL/TW ngày 6/9/2018 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI. UBTVQH giải trình rằng, thực tế quá trình SDĐNN cho thấy, có tình trạng đất nông nghiệp được giao cho hộ nông dân nhưng không đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, gây nên tình trạng hoang hóa, lãng phí đất. Tuy nhiên, việc không đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa có nhiều nguyên nhân chủ yếu khác, như thiên tai, dịch bệnh. Cùng với việc thực hiện chính sách miễn hoặc giảm thuế SDĐNN trong thời gian qua có thể cũng là một nguyên nhân nhưng xét về tổng thể không phải là nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc hoang hóa ruộng đất.

Việc kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN đến hết 2025 là nhằm tiếp tục phát huy kết quả đạt được của chính sách miễn thuế SDĐNN, đảm bảo phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đồng thời, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người nông dân, đặc biệt trong việc ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay. Trong dài hạn, để triển khai thực hiện tốt Kết luận số 36-KL/TW ngày 6/9/2018 của Bộ Chính trị, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đánh giá kỹ để báo cáo Quốc hội khi nghiên cứu đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai nói chung và chính sách thuế liên quan đến đất đai nói riêng tại thời điểm thích hợp.

Một số ý kiến đề nghị rà soát đối tượng miễn thuế SDĐNN và bổ sung các quy định về quản lý đất đai trong dự thảo Nghị quyết để chính sách miễn thuế SDĐNN thực sự có tác động đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất; hoặc quy định về thời gian cụ thể đối với đất không sản xuất hoặc việc giao đất cho các tổ chức nông, lâm trường không sản xuất và cho thuê lại thì không được hưởng chính sách miễn thuế.

Theo UBTVQH, tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đề nghị trong giai đoạn tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các yêu cầu, nhiệm vụ trên để siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác quản lý đất đai và đề xuất Quốc hội cho phép không quy định nội dung liên quan đến quản lý đất đai tại Nghị quyết này.

Theo Tạp chí Thuế