Quản lý thuế hoạt động chuyển nhượng vốn, nhượng quyền thương mại: Giải pháp nào khả thi?

12/16/2013 02:27:23 PM
Trong kinh doanh thương mại, việc chuyển nhượng vốn góp hay nhượng quyền thương mại là hoạt động không hề xa lạ và việc quản lý thuế đối với các hoạt động này đã được bao quát, hướng dẫn bởi Luật Thuế TNDN và Luật Thuế TNCN. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong khi mật độ các hoạt động chuyển nhượng vốn góp và nhượng quyền thương mại ngày càng diễn ra thường xuyên, thì số thuế thu được lại không tương xứng...

 

Ẩn số thất thu trong chuyển nhượng vốn 
 
Tại địa bàn mà hoạt động chuyển nhượng vốn góp và nhượng quyền thương mại diễn ra sôi động nhất là TP HCM, cơ quan thuế đã nhận thấy những bất cập trong lĩnh vực này và đã chủ động đưa các DN có chuyển nhượng vốn góp và nhượng quyền thương mại vào diện quản lý rủi ro. Tuy nhiên, việc tìm ra bằng chứng để thu thuế không hề đơn giản, bởi các tổ chức, cá nhân có thừa các chiêu thức để né thuế.
 
Qua kiểm tra tình hình thực tế tại các DN trên địa bàn cho thấy, việc chuyển nhượng vốn thường được các bên thỏa thuận bằng “hợp đồng”, sau đó làm các thủ tục liên quan để thay đổi tên các thành viên trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Từ đây, việc mua bán thể hiện qua nhiều hình thức mà cơ quan thuế chưa thể kiểm tra, kiểm soát một cách chặt chẽ. Có DN trên hợp đồng khai với cơ quan thuế có giá bán bằng giá vốn, không phát sinh thu nhập, nên không phải nộp thuế. Có trường hợp, hợp đồng ghi giá trị cao nhưng thu nhập phát sinh thấp, như Công ty CP hàng tiêu dùng Masan chuyển nhượng vốn cho Vietnam Growth Capital Pte.Ltd (Singapore) với giá chuyển nhượng theo hợp đồng là 1.061.861 triệu đồng so với giá vốn là 1.061.615 triệu đồng, dẫn đến thu nhập phát sinh chỉ có 246 triệu đồng và thuế TNDN phải nộp 61 triệu đồng! Nhiều DN dùng phương thức điều chỉnh tăng vốn điều lệ để chuyển nhượng với giá cao, như Công ty PT Global Investment (thuộc Chi cục Thuế quận 6 quản lý), đã tăng vốn từ 1 tỷ lên 100 tỷ, sau đó thành viên góp vốn 48% bán cho cá nhân nước ngoài với giá 48 tỷ nên không phát sinh thuế phải nộp. Một số khác lại kê khai mua cổ phần với giá cao, sau đó chuyển nhượng với giá thấp hơn giá mua (lỗ) và đưa vào chi phí tài chính, như Công ty TNHH xây dựng và kinh doanh bất động sản Ê KE khi lập tờ khai thuế TNDN đã đưa số lỗ của việc chuyển nhượng vốn trên để làm giảm số thuế TNDN phải nộp khi quyết toán năm. Cá biệt, có những hợp đồng chuyển nhượng vốn có phát sinh chênh lệch lớn giữa giá chuyển nhượng và giá vốn (có phát sinh thu nhập) nhưng không kê khai với cơ quan thuế, như  trường hợp Công ty CP TM-DV Phở 24 do ông Lý Quí Trung làm chủ. Nhưng nổi trội nhất vẫn là chiêu thức DN thành lập nhiều công ty, nhiều chi nhánh, thay đổi nhiều địa điểm kinh doanh, khiến cho việc chuyển nhượng diễn ra lòng vòng để làm khó cơ quan quản lý, như trường hợp của Công ty cổ phần Y khoa Hoàn Mỹ, với ít nhất 3 lần chuyển địa điểm, 4 lần thành lập chi nhánh, 7 lần thay đổi Giấy chứng đăng ký doanh nghiệp, vốn điều lệ cũng thay đổi từ 118 tỷ lên 155 tỷ đồng. 
 
Với các cách thức này, cơ quan thuế chỉ còn cách dựa vào kết quả kiểm tra, kiểm soát - thường phải mất rất nhiều thời gian, công sức mới có thể xác định đúng số thuế DN phải nộp khi chuyển nhượng vốn. Thế nên, dù đã đánh giá được mức độ rủi ro, thất thoát thuế, nhưng thực hư số thuế thất thu từ hoạt động chuyển nhượng vốn là nhiều hay ít vẫn đang là một ẩn số.
 
Giải pháp nào khả thi?
 
Liên quan đến việc thu thuế hoạt động chuyển nhượng vốn, Điểm c Khoản 2 Điều 14 Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/07/2012 của Bộ Tài chính đã quy định: trường hợp DN có thu nhập từ chuyển nhượng vốn thì khoản thu nhập này được xác định là khoản thu nhập khác và kê khai hoà nhập vào thu nhập chịu thuế khi tính thuế TNDN. Việc kê khai này chỉ thực hiện chậm nhất không quá ngày thứ 30 của tháng đầu quý tiếp theo. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại không quy định DN nơi có phần vốn góp được chuyển nhượng, hoặc cơ quan cấp giấy phép đầu tư chỉ làm thủ tục thay đổi thành viên góp vốn khi DN chuyển nhượng vốn đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, do đó rất khó kiểm tra phát hiện các trường hợp phát sinh hoạt động chuyển nhượng vốn.  
 
Đối với cá nhân cũng vậy, trước ngày 01/07/2013 tuy có quy định (Khoản 2.6 mục II phần D Thông tư số 84/2009/TT-BTC): “Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc DN có vốn chuyển nhượng chỉ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu vốn cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng vốn khi có chứng từ nộp thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng vốn.”, nhưng thực tế các cá nhân chuyển nhượng vốn chưa kê khai nộp thuế TNCN từ hoạt động chuyển nhượng vốn, chưa có chứng từ nộp thuế TNCN nhưng cơ quan cấp giấy đăng ký kinh doanh, cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư vẫn làm thủ tục chuyển quyền sở hữu. Theo đó, việc kê khai thuế là do cá nhân tự giác, nên nếu cá nhân không kê khai, cơ quan thuế cũng không có cơ sở để tính thuế. Kể từ 1/7/2013, khi Luật Thuế TNCN được sửa đổi, bổ sung, chính sách đã quy định chặt chẽ hơn, biện pháp chế tài rõ ràng hơn khi đã ràng buộc trách nhiệm khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân đối với DN làm thủ tục thay đổi danh sách thành viên góp vốn mà không có chứng từ chứng minh cá nhân chuyển nhượng vốn đã hoàn thành nghĩa vụ thuế. 
 
Rõ ràng, để minh bạch hoá việc quản lý và kiểm tra việc kê khai thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, nhượng quyền thương mại thì các căn cứ pháp lý là tối cần thiết, nhất là khi đặc thù của hoạt động này thường qua nhiều khâu trung gian, với sự tham gia của nhiều chủ thể. Chính vì vậy, để kịp thời đưa các hoạt động này vào quản lý chặt chẽ, hiệu quả, nhất thiết phải ban hành bổ sung quy định bắt buộc DN có hoạt động chuyển nhượng vốn cho tổ chức, cá nhân khác phải lập hoá đơn GTGT để kê khai thuế GTGT (thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT) và nộp thuế TNDN theo quy định. Đối với DN nhận chuyển nhượng vốn của các DN khác nếu không có hoá đơn hợp pháp thì không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN giá vốn nhận chuyển nhượng. Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung quy định buộc DN có hoạt động chuyển nhượng vốn cho tổ chức, cá nhân khác thì phần giá trị vốn chuyển nhượng theo hợp đồng phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Trường hợp việc chuyển nhượng vốn không có chứng từ thanh toán (không dùng tiền mặt) thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá chuyển nhượng và giá vốn chuyển nhượng theo quy định của Luật Quản lý thuế. Ngoài ra, DN nơi có phần vốn chuyển nhượng khi làm thủ tục thay đổi danh sách thành viên góp vốn thì phải có hóa đơn chuyển nhượng vốn, phải có tờ khai kê khai nộp thuế TNCN và chứng từ khấu trừ thuế đối với cá nhân chuyển nhượng vốn. Trường hợp không có hóa đơn, chứng từ thì DN nơi cá nhân chuyển nhượng vốn phải kê khai và nộp thuế thay. Có như vậy mới tạo điều thuận lợi cho cơ quan thuế các địa phương có căn cứ pháp lý để quản lý chặt chẽ, hiệu quả các hoạt động chuyển nhượng vốn và nhượng quyền thương mại, vừa đảm bảo sự công bằng đối với những đối tượng đang đóng thuế một cách đầy đủ, vừa tránh thất thu cho NSNN.

 

Theo Tạp Chí Thuế