Quản lý thuế giao dịch liên kết: Làm rõ trách nhiệm các cơ quan liên quan

11/26/2018 04:55:08 PM
Chiều 15/11, sau khi Quốc hội thảo luận về Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải trình làm rõ thêm ý kiến các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cuối phiên thảo luận.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại phiên thảo luận. 		               Ảnh P.V
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại phiên thảo luận. Ảnh P.V

 

Tại phiên thảo luận, một số ĐBQH đã tập trung cho ý kiến về các vấn đề như trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm toán; vai trò của các bộ, ngành trong quản lý thuế giao dịch liên kết và vấn đề khoanh nợ, xóa nợ thuế.

Trong đó, liên quan đến quy định ngân hàng thương mại cung cấp tài khoản ngân hàng, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, luật hiện hành đã có quy định và theo luật mẫu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khuyến nghị, chúng ta phải có quy định nêu trên, đặc biệt trong điều kiện nước ta đang phát triển giao dịch điện tử, phải rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, trong đó có vai trò của ngân hàng.

Trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm toán

Theo Bộ trưởng, thảo luận tại tổ hơn 100 ý kiến, cùng với các ý kiến ĐBQH phát biểu tại hội trường hôm nay sẽ được Bộ Tài chính nghiên cứu, tiếp thu để làm rõ, hoàn chỉnh dự án luật với chất lượng tốt nhất và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của đất nước.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát để đảm bảo tính đồng bộ của dự án luật với hệ thống pháp luật hiện hành. Theo Bộ trưởng, Ban soạn thảo đã  luật hóa tối đa các chi tiết cụ thể trong dự án luật, tuy nhiên, với các vấn đề phát sinh không dự báo được, đề nghị Quốc hội cho hướng dẫn trong thời gian tới.

Liên quan đến quy định về các khoản thu khác của ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Nội dung này nêu tại khoản 3, điều 3 đã quy định 6 khoản thu, Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến đại biểu, quy định rõ trong luật và giao Chính phủ hướng dẫn.

Về nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan thanh tra và kiểm toán,  theo Bộ trưởng, trong thời gian qua cơ quan quản lý thu  (thuế, hải quan), đã chấp hành nghiêm túc các kết luận của cơ quan thanh tra và kiểm toán nhà nước. “Cơ chế hiện nay và sửa luật cũng thế, doanh nghiệp (DN) tự tính, tự khai nộp, quản lý rủi ro. Hàng năm, cơ quan thuế kiểm tra từ 18 đến 20% số lượng DN nhưng trên cơ sở phân tích, đánh giá các tiêu chí về rủi ro, để lập kế hoạch thanh tra và kiểm tra. Kết quả năm 2017, qua thanh tra, kiểm tra đã xử lý đến 55.000 tỷ đồng, trong đó thu nộp ngân sách 16.000 tỷ đồng; tăng thu, xử lý giảm lỗ 37.000 tỷ đồng”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ.

Theo Bộ trưởng, khi cơ quan kiểm toán nhà nước kiểm toán, tại cơ quan thuế có đối chiếu với các DN, cũng phát sinh thêm số tăng thu cho ngân sách trên cơ sở các dữ liệu phân tích rủi ro. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai có những kết luận cơ quan thuế chấp hành rất nghiêm túc, thông báo cho người nộp thuế nộp thêm nhưng người nộp thuế thấy chưa thỏa đáng và kiện ra toà. 

“Chúng tôi đề nghị ở đây, ai kết luận thì người đó phải chịu trách nhiệm giải trình trước tòa. Vấn đề này chúng tôi xin tiếp tục rà soát và tiếp thu theo hướng đảm bảo quy định đúng Hiến pháp và pháp luật, đặc biệt là Luật Thanh tra, Kiểm toán, tạo thuận lợi cho công tác thanh tra theo đúng trình tự pháp luật, tránh chồng chéo, đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức bộ máy nhà nước, đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế cũng như cơ sở pháp lý cho cơ quan quản lý thuế thực hiện đúng pháp luật của quản lý thuế và pháp luật có liên quan”, người đứng đầu ngành Tài chính nói.

Phải xử lý được nợ đọng, nợ không có khả năng thu hồi

Về vấn đề khoanh nợ, xóa nợ và thẩm quyền, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban soạn thảo xin tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH để đưa vào luật cho khả thi. Trong đó, quy định phải xử lý được nợ đọng, nợ không có khả năng thu hồi và khoanh các khoản nợ chưa thể thu hồi được. Các quy định cũng phải có tính khách quan và  phân cấp gắn với phân cấp quản lý ngân sách.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thêm: “Thời gian qua giữa cơ quan tài chính và các địa phương đã phối hợp rất chặt chẽ trong quản lý thu, chi ngân sách. Trong quản lý thu, kể cả xử lý nợ đọng và nợ khó thu cũng có vai trò rất rõ của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các tỉnh, huyện và xã”.

Về quy định ngân hàng thương mại có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thuế trong việc cung cấp tài khoản ngân hàng, theo Bộ trưởng, luật hiện hành đã có quy định và theo luật mẫu của IMF hay của các nước OECD khuyến nghị, chúng ta phải có quy định nêu trên và phải chế tài sao cho phù hợp, đặc biệt trong điều kiện nước ta đang phát triển giao dịch điện tử cũng như thương mại qua biên giới, ngân hàng là cổng thanh toán ra nước ngoài. Do đó, “nếu nói là không liên quan thì không được”, chưa kể nền kinh tế của nước ta hiện nay là nền kinh tế tiền mặt, cần phải xử lý nhiều vấn đề và phải rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, trong đó có vai trò của ngân hàng.

Về chống chuyển giá, trốn thuế và quản lý đối với thương mại điện tử, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP về chống chuyển giá, và tại dự thảo luật này đã bổ sung một số quy định về chống chuyển giá. Bộ trưởng cho biết, trong năm 2017, cơ quan thuế đã thanh tra, kiểm tra, giảm lỗ 37 nghìn tỷ đồng, thực chất là có vấn đề về chuyển giá, kể cả DN nước ngoài và trong nước. 

Đối với các vấn đề khác, Bộ trưởng thay mặt Ban soạn thảo cho biết sẽ tiếp thu, nghiên cứu tiếp thu hợp lý, xác đáng để dự thảo luật có chất lượng cao nhất và tổ chức triển khai với hiệu quả cao nhất./.

 

* ĐB Lê Quang Huy (Nghệ An):

Các bộ, ngành cùng vào cuộc để quản lý thu thuế thương mại điện tử

 ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ
ĐB Lê Quang Huy 

Thời gian qua chúng tôi đã chứng kiến nỗ lực thu thuế của ngành Thuế đối với quản lý kinh doanh thương mại điện tử. Tuy nhiên trong thời gian tới cần quan tâm thích đáng vấn đề này, tránh thất thu cho ngân sách.

Ban soạn thảo cần nghiên cứu và xem xét nên tham khảo kinh nghiệm quốc tế để áp dụng cho phù hợp trong điều kiện của nước ta. Để khắc phục những khó khăn trong quản lý thuế đối với thương mại điện tử, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Tài chính (trong đó có cơ quan thuế, hải quan), Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan, kể cả các công ty viễn thông, các tổ chức khai báo trung gian, các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử…

 

* ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh):

Cạnh tranh, nhiều ngân hàng không cung cấp thông tin khách hàng

 ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ
 ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ

Dự thảo luật đã quy định rất cụ thể nhiệm vụ quyền hạn của các bộ, cơ quan, đặc biệt là ngành Ngân hàng.

Thời gian qua các ngân hàng thương mại đã cung cấp các thông tin về tài khoản DN, cá nhân khi cơ quan thuế có yêu cầu, tuy nhiên trong thực tế, một cá nhân có thể có nhiều tài khoản khác nhau, nếu không kiểm soát chặt chẽ các tài khoản này sẽ gây thất thu thuế. Bên cạnh đó, ngân hàng có thể cạnh tranh để đảm bảo về mặt khách quan, nhiều khi không cung cấp thông tin về tài khoản của khách hàng, nên cần có sự chỉ đạo, sự vào cuộc và phối hợp của chính quyền các cấp, các ngành để hỗ trợ cơ quan thuế trong quản lý thuế. 

Tại dự thảo luật đã quy định cụ thể một số bộ, ngành phối hợp quản lý thuế, tuy nhiên, cần quy định cụ thể hơn bởi trên thực tế vẫn còn một số bộ, ngành cũng phải có trách nhiệm, như Bộ Khoa học và Công nghệ có các hoạt động liên quan đến chuyển giao công nghệ; Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch có các hoạt động liên quan đến du lịch, tạo ra nguồn thu rất lớn cho ngân sách.

 

Theo Thời báo Tài chính