Nhiều sức ép lên mặt bằng giá cuối năm

10/09/2013 03:09:28 PM
(HQ Online)- Cục Quản lý giá (BTC) dự báo, những tháng cuối năm 2013, mặt bằng giá thị trường có thể chịu tác động của các yếu tố như giá một số hàng hoá trên thị trường thế giới có xu hướng tăng; việc đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ODA cuối năm… cũng tạo sức ép tăng tổng phương tiện thanh toán, đẩy giá cả tăng.

 

Nhìn rộng ra, kinh tế thế giới năm 2013 đã qua phần lớn chặng đường với nhiều dấu hiệu khả quan, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, tình hình kinh tế thế giới nhìn chung chưa có nhiều cải thiện rõ nét... tác động đến kinh tế, xã hội trong nước. Các tổ chức quốc tế (IMF, WB, WTO...) đều hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2013 trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu thấp hơn so với đầu năm.

 

9 tháng đầu năm 2013, kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; mặt bằng lãi suất huy động giảm 2-3%, lãi suất cho vay giảm 3-5% so với đầu năm; nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng được thực hiện, tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước (quý 3 là 5,54%, quý 2 là 5%, quý 1 là 4,76%)... 

 

Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa thực sự vững chắc; lạm phát tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng. Tiêu thụ hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản chủ lực như lúa gạo, thủy sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn do giá giảm, sức mua giảm, chính sách bảo hộ thương mại của một số thị trường lớn...

 

Trên cơ sở đó, Cục Quản lý giá nhận định, theo quy luật hàng năm, giá cả có xu hướng tăng những tháng cuối năm. Cùng với giá nguyên vật liệu thế giới dự báo sẽ tăng; việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân các dự án và các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, dự trữ chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Dương lịch và Tết Giáp Ngọ là những yếu tố trực tiếp tác động lên mặt bằng giá trong thời gian tới.

 

Bên cạnh đó, các biện pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, bảo đảm đạt mục tiêu cả năm là 12%; các giải pháp khuyến khích đầu tư toàn xã hội, các chính sách miễn, giảm, gia hạn, hoàn thuế tiếp tục được thực hiện; sức mua có khả năng thanh toán của các tầng lớp dân cư tăng trong những tháng cuối năm, nhất là thời điểm giáp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014... cũng là những yếu tố tạo sức ép đẩy mặt bằng giá tăng.

 

Riêng trong tháng 10-2013, giá dịch vụ giáo dục (học phí) có thể được điều chỉnh theo lộ trình thị trường tại một số địa phương; giá nước sạch điều chỉnh tăng tại Hà Nội; thời tiết chuyển mùa, nhu cầu một số hàng hoá như đồ may mặc, thiết bị và đồ dùng trong nhà có khả năng tăng; mùa mưa bão tiếp diễn... có thể gây sức ép lên mặt bằng giá.

 

Tuy nhiên, theo Cục Quản lý giá, cung cầu hàng hoá trong nước vẫn cơ bản ổn định; giá một số hàng hóa thiết yếu có xu hướng ổn định hoặc giảm như lúa, gạo, đường, thức ăn chăn nuôi, xi măng, gas (LPG)... cùng với việc các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường, giá cả; Chương trình bình ổn thị trường tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương tiếp tục được triển khai thực hiện... sẽ là yếu tố quan trọng góp phần bình ổn mặt bằng giá trong tháng 10-2013.

 

Mặc dù dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 10-2013 tăng nhẹ so với tháng 9-2013, nhưng phân tích cụ thể từng mặt hàng thiết yếu của Cục Quản lý giá cho thấy chỉ duy nhất có mặt hàng phân bón urê có xu hướng tăng nhẹ, giá xăng dầu diễn biến phức tạp khó lường, thì hầu hết các mặt hàng đều có giá cả ổn định hoặc giảm nhẹ.

 

Giá gạo, Cục Quản lý giá dự báo giá gạo thế giới và giá lúa, gạo trong nước giảm hoặc ổn định như hiện nay do nhu cầu về gạo vẫn thấp, nguồn cung dồi dào (Ấn Độ và Thái Lan bắt đầu vụ thu hoạch chính thức từ tháng 9-2013). Do nhu cầu nhập khẩu không cao trong khi nguồn cung khá lớn (Thái Lan tồn kho khoảng 17 triệu tấn gạo, Ấn Độ khoảng 27 triệu tấn gạo) và mức giá rẻ từ các nước xuất khẩu như Ấn Độ và Pakistan; mặt khác, một số nước nhập khẩu gạo truyền thống đã thực hiện tự túc lương thực làm giảm áp lực từ phía cầu đã tác động làm giá chào bán gạo của Thái Lan, Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2013 giảm so với cung kỳ năm 2012.

 

Mặt hàng thực phẩm tươi sống trong thời gian tới, giá có xu hướng ổn định do nhu cầu thị trường không có nhiều biến động. Riêng giá rau xanh có thể tăng nhẹ do ảnh hưởng của mưa bão tại một số địa phương.

 

Giá đường trong nước tháng 10-2013 dự báo ổn định khi có thêm 3 nhà máy đường vào sản xuất, sản lượng đường vào khoảng 45.000 tấn, cộng thêm lượng đường tồn kho thì nguồn cung sẽ đáp ứng đủ nhu cầu.

 

Do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới có xu hướng giảm nhẹ, nên giá trong nước dự báo có xu hướng ổn định trong tháng này.

 

2 mặt hàng thuộc nhóm vật liệu xây dựng là xi măng và thép cũng được dự báo không có biến động.

 

Khả quan hơn là giá giá LPG, dự báo trên thị trường thế giới (CP) tháng 10-2013 có xu hướng giảm khoảng 27,5 USD/tấn, cho nên giá LPG trong nước giảm khoảng 8.000 đồng/bình 12kg so với tháng 9-2013.

Theo Báo Hải Quan