Nhiệm vụ thu ngân sách tăng 5 lần nhưng biên chế ngành thuế không tăng

10/15/2013 10:08:15 AM
(TCT online) - Ngày 11/10, Tổng cục Thuế đã tổ chức Hội nghị công tác tổ chức cán bộ ngành thuế nhằm rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo giai đoạn năm 2011-2015 và quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp giai đoạn 2016-2021. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã tham dự và chỉ đạo hội nghị.

 

Thực hiện kế hoạch cải cách, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan thuế các cấp, trong năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2013, Tổng cục Thuế đã và đang triển khai, sắp xếp và ổn định tổ chức bộ máy theo Quyết định số 115/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đến tháng 9/2013, tổ chức bộ máy cơ quan cấp Tổng cục Thuế có 19 vụ, đơn vị tương đương, 43 phòng; tại địa phương có 63 cục thuế, 778 phòng, 701 chi cục thuế và 5.689 đội thuế. Từ năm 2011 đến nay, Tổng cục Thuế đã thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ, không tăng biên chế mà chủ động xây dựng phương án tự cân đối, điều chỉnh cán bộ, công chức hiện có trong nội bộ ngành, nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện tốt công việc được giao. Theo thống kê, từ năm 2005 đến nay, nhiệm vụ thu ngân sách do ngành thuế đảm nhận tăng gần 5 lần, số lượng đối tượng quản lý là DN tăng hơn 2 lần (chưa kể số đối tượng quản lý thuế TNCN, quản lý thuế sử dụng đất phi nông nghiệp), số lượng đơn vị hành chính tăng trên 30 quận, huyện, nhưng số biên chế ngành thuế vẫn cơ bản giữ nguyên.
 
Việc không được tăng biên chế cũng ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả công việc ở một số đơn vị. Do biên chế không được bổ sung, hơn nữa tốc độ tăng thu không đều giữa các địa phương và do lịch sử để lại, dẫn đến việc phân bổ và sử dụng biên chế giữa các vùng, các địa phương và ngay trong một địa phương cũng phát sinh nhiều bất hợp lý. Đơn cử, tại Cục Thuế TP Hà Nội và Cục Thuế TP Hồ Chí Minh thu ngân sách (trừ dầu và đất) chiếm trên 50% tổng số thu của cả nước, số lượng tổ chức cá nhân nộp thuế là DN cũng chiếm gần 50% tổng số DN của cả nước, nhưng số biên chế chỉ chiếm 19% trong tổng biên chế toàn ngành. Có cục thuế, chi cục thuế số thu ngân sách thấp, số đầu mối hành chính ít nhưng trước đây được giao biên chế cao nên số cán bộ biên chế chưa tương xứng với quy mô và khối lượng công việc.
 
Mặt khác, về cơ cấu nguồn nhân lực vẫn còn nhiều điểm bất hợp lý. Tỷ trọng cán bộ thuế đang làm việc tại các chi cục thuế quận, huyên còn rất lớn, chiếm 77% số công chức, trong khi số thu chỉ chiếm khoảng 20 - 23% tổng số thu ngân sách. Số lượng cán bộ được phân bổ vào các chức năng quản lý thuế chính, như: tuyên truyền hỗ trợ, kê khai, thanh tra, kiểm tra thì tỷ trọng còn thấp, đặc biệt tỷ trọng cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra mới chiếm khoảng 21 - 22%, cán bộ làm công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế chỉ chiếm dưới 5%, trong khi đó, số cán bộ làm công tác quản lý hộ kinh doanh, làm công việc gián tiếp vẫn nhiều... Chính vì vậy, việc cơ cấu lại nguồn nhân lực theo hướng tập trung nguồn lực cho các địa bàn trọng điểm; tăng cường công chức cho bộ phận quản lý DN và các bộ phận thực hiện chức năng quản lý thuế, đồng thời giảm công chức ở các bộ phận quản lý hộ kinh doanh, bộ phận làm việc gián tiếp đang là yêu cầu cấp thiết.
 
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn yêu cầu: đối với việc triển khai Chỉ thị số 05-CT/BCSĐ của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính về việc rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, Tổng cục Thuế cần phổ biến sớm đến các cục thuế, trên cơ sở đó phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ. Từ nay đến năm 2015, các bộ, ngành sẽ không được tăng biên chế, đối với ngành thuế sẽ giữ nguyên 43.000 cán bộ và hàng năm chỉ bổ sung mới cho số cán bộ đã nghỉ hưu. Chính vì vậy, để phát huy tốt sức mạnh từ nguồn nhân lực, ngành thuế cần nghiên cứu, đưa ra các tiêu chí để sắp xếp, bổ sung lực lượng cán bộ mới cho những đơn vị có số thu lớn và đang thiếu cán bộ. Với những đơn vị số thu ít, không cần bổ sung. Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn gợi ý, các tiêu chí để lựa chọn sắp xếp cán bộ là số thu, đối tượng nộp thuế, tính chất địa bàn… đồng thời cần làm rõ số cán bộ tối thiểu của một chi cục thuế làm cơ sở nghiên cứu ban hành tiêu chí sắp xếp, bổ sung cán bộ để các đơn vị thực hiện thống nhất trong toàn ngành.
Theo Tạp chí Thuế