Năm 2014 sẽ tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính

12/23/2013 04:16:04 PM
Trong 2 ngày 23-24/12, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương, nhằm triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và dự toán NSNN 2014.

 

Theo đó, mục tiêu tổng quát trong năm 2014 là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh đổi mới tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Trong đó, các chỉ tiêu chủ yếu là, GDP tăng 5,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng 10%, nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu; CPI tăng 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP; bội chi ngân sác 5,3%; tỷ lệ giảm nghèo từ 1,7 - 2%, tạo công ăn việc làm cho khoảng 1,6 triệu người; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%.
 
Để đạt các mục tiêu đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tập trung điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp với chính sách tài khóa, nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng hợp lý, đảm bảo thanh khoản của các tổ chức tín dụng và nền kinh tế. Đặc biệt, thực hiện các giải pháp mở tín dụng, gắn với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, cơ cấu lại nợ, hạn chế nợ xấu gia tăng; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra; công khai, minh bạch hoạt động của các tổ chức tín dụng.
 
Với nhiệm vụ của ngành tài chính, Chính phủ yêu cầu triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu ngân sách, chống chuyển giá; thu hồi, giảm nợ đọng thuế; tăng cường thanh, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thu ngân sách, kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế GTGT; rà soát các chính sách thu, điều chỉnh đảm bảo phù hợp lộ trình giảm thuế theo cam kết quốc tế. Đi liền với đó, phải rà soát, kiểm soát chặt chẽ các khoản chi, triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy quản lý nhà nước, sự nghiệp công, hạn chế tối đa chi chuyển nguồn, xử lý dứt điểm các khoản mà ngân sách còn nợ. Mặt khác, cần tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, không ban hành mới chính sách làm giảm thu, tăng chi, làm ảnh hưởng đến điều hành NSNN; phát hành, quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách và trái phiếu chính phủ, đảm bảo hiệu quả không làm tăng quá mức tổng cầu. Trong lĩnh vực thuế, Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế khoán, thuế GTGT, TNCN, TNDN đối với hộ cá nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ cá nhân chăm sóc, trông giữ trẻ, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân. 
 
Ngoài các nội dung trên, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng rà soát, phân loại nợ xấu để tái cơ cấu lại nợ, từ đó hỗ trợ sản xuất tiếp cận tín dụng. 
 
Đối với lĩnh vực công thương, cần đẩy mạnh các giải pháp phát triển sản xuất và thị trường trong nước; xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ xây dựng thương hiệu DN, sản phẩm và đẩy mạnh các chương trình khuyến công, khuyên nông và khuyến ngư. Đặc biệt, tăng cường quản lý thị trường, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, trốn lậu thuế, buôn lậu qua biên giới; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và quyền lợi người tiêu dùng.
 
Cùng với đó, cần đẩy mạnh kế hoạch phát triển DNVVN, khẩn trương đưa Quỹ phát triển DNVVN vào hoạt động; hình thành mạng lưới thông tin hỗ trợ, khuyến khích DNVVN tham gia phát triển công nghiệp hỗ trợ, các chương trình liên kết ngành, vùng; bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích cơ giới hóa nông nghiệp, tiếp tục dành nguồn lực, huy động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới. 
 
Đặc biệt, Chính phủ lưu ý các Bộ, ngành và đia phương phải rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi trong các lĩnh vực thuế, hải quan, tiếp cận vốn, đất đai, đầu tư xây dựng, đăng ký thành lập và giải thể DN để hỗ trợ DN, người dân và nền kinh tế phát triển SXKD trong năm tới.
Theo Tạp Chí Thuế