Lựa chọn 3 DNNN để hỗ trợ tái cơ cấu bằng vốn vay ADB

01/03/2014 09:21:59 AM
Bộ Tài chính đang tiến hành lựa chọn 3 DNNN tham gia Dự án 3 của Chương trình “Cải cách DNNN và hỗ trợ quản trị doanh nghiệp” bằng khoản vay ưu đãi của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có bảo lãnh của Chính phủ.

 

Theo Bộ Tài chính, để được xét tham gia chương trình, các ứng viên DNNN phải nộp hồ sơ bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt trước 12h00 ngày 15/2/2014. Hồ sơ bao gồm đơn đăng kí theo mẫu; Đề án tái cấu trúc và kế hoạch triển khai.

 
Trong đó, nội dung đề án tái cơ cấu DNNN phải đảm bảo đúng các yêu cầu quy định tại Quyết định 929/QĐ-TTg ngày 17/07/2012 phê duyệt Đề án Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2011 – 2015. Kế hoạch triển khai Đề án tái cơ cấu phải thể hiện rõ được các hoạt động tái cấu trúc như mục tiêu, hành động, người chịu trách nhiệm, có thể đo lường được, thời gian thực hiện và hoàn thành.
 
Kèm theo đó, hồ sơ của ứng viên phải có báo cáo tình hình thực hiện Đề án đến hết năm 2013; Dự báo dòng tiền 10 năm từ 2013-2023; Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh (công ty mẹ); Báo cáo tài chính 3 năm (tính đến thời điểm được xem xét lựa chọn: 2010, 2011 và 2012; Danh sách bất kì tranh chấp pháp lý (công ty mẹ); Nghị quyết của Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên của Công ty mẹ về việc cam kết thực hiện tái cơ cấu để tham gia Chương trình; Văn bản cho phép sự tham gia Chương trình của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc TW.
 
Được biết, Chương trình “Cải cách DNNN và hỗ trợ quản trị doanh nghiệp” được tài trợ theo thể thức vay phân kỳ từ ADB. Chương trình được thực hiện trong giai đoạn từ 12/2009 đến 31/12/2015 với tổng giá trị Khoản vay là 630 triệu USD, bao gồm 600 triệu USD vay từ nguồn vốn thông thường (OCR) dựa trên lãi suất LIBOR và 30 triệu USD vay từ nguồn vốn đặc biệt của Quỹ phát triển Châu Á (ADF).
 
Chương trình “Cải cách DNNN và hỗ trợ quản trị doanh nghiệp” sẽ hỗ trợ chương trình cải cách DNNN Chính phủ Việt Nam thông qua cổ phần hóa và chuyển đổi các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước.
 
Cụ thể, các doanh nghiệp tham gia sẽ được tái cấu trúc theo một lộ trình tái cấu trúc tài chính và doanh nghiệp một cách hiệu quả và toàn diện. Trong đó, chương trình tái cấu trúc khoản nợ sẽ cải thiện bảng cân đối kế toán của tổng công ty nhà nước bằng cách tăng cường luồng tiền và năng lực trả nợ, huy động các nguồn lực bên ngoài để phục vụ sản xuất kinh doanh. Các khoản vay được tái cấu trúc không được là các khoản nợ xấu.
 
Đồng thời, chương trình tái cấu trúc doanh nghiệp sẽ giúp các tổ chức tham gia phát huy được cả quy mô và mức độ, bằng cách sáp nhập một số công ty cổ phần, chi nhánh trong mỗi tổng công ty thành các tổ chức lớn hơn có cùng ngành nghề kinh doanh, kết hợp với việc giải thể các đơn vị kinh doanh trái ngành. Ngoài ra, chương trình tái cấu trúc quản lý sẽ nâng cao hiệu quả quản lý bằng cách đẩy mạnh các quy trình quản lý doanh nghiệp và nâng cao khả năng quản lý.
 
Nguồn vốn thông thường sẽ được dùng để hỗ trợ tái cấu trúc doanh nghiệp và tài chính, trong khi chương trình tái cấu trúc sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp sẽ được tài trợ bởi khoản vay bổ sung từ ADB./.
Theo TBTC online