Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: Sửa Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu tạo điều kiện phát triển SXKD

10/21/2015 03:20:18 PM
(TCT online) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội (QH) khóa XIII, sáng 21/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày Tờ trình về dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).

 

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, một số nội dung quy định tại Luật Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (XNK) hiện hành không còn phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật, một số luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, nhất là Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan… Thực tế những năm gần đây, việc XNK hàng hóa bên cạnh những mặt tích cực vẫn tồn tại nhiều bất cập do có những quy định ảnh hưởng tới hoạt động SXKD của nhiều DN. Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, khắc phục những tồn tại, tạo môi trường thuận lợi cho chính sách XNK hàng hóa. Ngoài ra, việc sửa đổi Luật thuế XNK còn tạo hành lang pháp lý thống nhất để khuyến khích phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu, bảo hộ hợp lý, có điều kiện, chọn lọc, phù hợp với cam kết hội quốc tế, các hiệp định thương mại tự do cũng như các điều ước mà Việt Nam tham gia ký kết. Dự thảo Luật thuế XNK (sửa đổi) gồm 22 Điều, 5 Chương. 
 
Trình bày báo cáo thẩm tra trước QH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách - Phùng Quốc Hiển tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật thuế XNK nhằm hướng tới một pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ, thuận lợi trong việc thực hiện; phù hợp với Hiến pháp năm 2013, các luật chuyên ngành đã có nhiều điều chỉnh, thay đổi, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội đất nước. Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ, ngoài việc đánh giá tác động tăng, giảm thu NSNN trong việc sửa đổi Luật thuế XNK, cần bổ sung đánh giá khả năng bù đắp số hụt thu do sửa đổi luật từ các phương án khác để đảm bảo không làm giảm tỷ lệ huy động từ thuế, phí trên GDP trong giai đoạn tới, góp phần bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.  
 
Trước đó, Ủy ban Thường vụ QH đã xem xét, cho ý kiến về dự luật này, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo đã bổ sung các quy định về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, thuế tự vệ, đang được quy định tại Pháp lệnh chống bán phá giá, Pháp lệnh chống trợ cấp và Pháp lệnh thuế tự vệ là phù hợp, cần thiết, trên cơ sở kế thừa, nâng cấp một số quy định của các Pháp lệnh, góp phần bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Đồng thời rà soát và bổ sung một số quy định cho phù hợp với thông lệ quốc tế, làm rõ các khái niệm về lượng hóa bán phá giá, mức trợ cấp đến mức nào thì sẽ áp dụng các biện pháp về thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ; nguyên tắc áp dụng mức thuế, thời gian được áp dụng thuế chống bán phá giá, trợ cấp, thuế tự vệ tạm thời; thời gian áp dụng thuế chống phá giá, chống trợ cấp, thuế tự vệ chính thức; xử lý các trường hợp có chênh lệch về mức thuế tạm thời và mức thuế chính thức; thẩm quyền quyết định áp dụng mức thuế chống phá giá, chống trợ cấp, thuế tự vệ. 
 
Cũng trong sáng nay, nhiều đại biểu cũng tán thành với việc sửa đổi toàn diện Luật Kế toán (sửa đổi) nhằm bảo đảm tính bao quát, ổn định của luật. Đáng chú ý tại dự Luật Kế toán trình QH cho ý kiến lần này là quy định về chứng từ điện tử và giá trị của chứng từ điện tử trong việc thực hiện các giao dịch, thanh toán phù hợp với hiện đại hóa hệ thống thuế, hải quan hiện nay. Đây là nội dung mới, quan trọng liên quan tới chứng từ kế toán (trong đó có hóa đơn) thường được các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, quản lý thị trường, công an xem xét đối chiếu khi tiến hành thanh tra, kiểm tra tại đơn vị hoặc kiểm tra hàng hóa đang lưu thông trên đường. Không ít trường hợp giao dịch điện tử của DN phải làm thủ tục chuyển đổi sang chứng từ, văn bản giấy để các cơ quan có chức năng kiểm tra, thanh tra, từ đó gây tốn kém thời gian. Từ thực tiễn này, dự luật qui định chứng từ điện tử có đầy đủ giá trị như chứng từ giấy trong việc ghi sổ kế toán, lưu trữ, phục vụ thanh tra, kiểm tra. 
 
Nhiều ý kiến đề nghị hiệu lực thi hành của Luật từ ngày 1/7/2016, tuy nhiên, UBTVQH cho rằng, để bảo đảm thống nhất trong quy định của Luật này thì cần áp dụng từ đầu năm, nhưng nếu quy định hiệu lực từ ngày 1/1/2016 thì quá gấp, không đủ thời gian cho Chính phủ, Bộ Tài chính nghiên cứu quy định các nội dung trong Luật cũng như chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thi hành. Vì vậy, đề nghị quy định hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 như dự thảo Luật. 
 
Theo chương trình, chiều 21/10, Quốc hội nghe tờ trình về dự án Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; thảo luận các nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hoạt động giám sát của QH và Hội đồng nhân dân./.
Theo VTCA