Hà Nam: Hướng tới mục tiêu tự cân đối thu, chi ngân sách

02/20/2020 09:28:20 AM
“Để công tác thu ngân sách được chặt chẽ, Cục Thuế Hà Nam đã và đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp quản lý nguồn thu.
Bộ phận một cửa Cục Thuế Hà Nam hỗ trợ người nộp thuế thực hiện chính sách pháp luật thuế.
Bộ phận một cửa Cục Thuế Hà Nam hỗ trợ người nộp thuế thực hiện chính sách pháp luật thuế.

 

Đặc biệt, chúng tôi tập trung thanh tra, kiểm tra thuế vào các lĩnh vực kinh doanh, địa bàn, doanh nghiệp (DN) tiềm ẩn rủi ro thất thu thuế, nhằm bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế vào ngân sách nhà nước (NSNN)” – ông Đỗ Hồng Nam – Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nam nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN về nhiệm vụ công tác thuế những ngày đầu năm.

Đẩy mạnh cải cách, chống thất thu thuế

Theo ông Đỗ Hồng Nam, để tạo thuận lợi cho người nộp thuế (NNT) thực hiện quyền và nghĩa vụ thuế với Nhà nước, Cục Thuế Hà Nam đã quán triệt đến bộ phận “một cửa” tại Văn phòng cục thuế và chi cục thuế các huyện, thành phố, đặc biệt chi cục thuế khu vực thực hiện nghiêm túc quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thuế của NNT; tập trung giải đáp, hướng dẫn thực hiện các TTHC trong lĩnh vực thuế, trả lời kịp thời những vướng mắc về chính sách thuế cho người dân, DN.

Để tạo thuận lợi cho NNT tra cứu, tiếp cận thông tin, lập hồ sơ, gửi, nhận kết quả liên quan đến TTHC thuế, Cục Thuế Hà Nam đã tiến hành rà soát, cắt giảm các biểu mẫu không cần thiết. Bên cạnh việc công khai các thủ tục hành chính, không tạo bất kỳ thủ tục nào khác quy định của Bộ Tài chính và của UBND tỉnh Hà Nam, cơ quan thuế phối hợp với các ngành chức năng duy trì cơ chế một cửa liên thông trong cấp mã số thuế cho DN, tập trung giải quyết vướng mắc TTHC gắn với cơ chế cấp mã DN tự động, nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN.

“Cùng với đó, chúng tôi luôn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế và phục vụ NNT; triển khai dịch vụ thuế điện tử (etax) tới toàn thể DN và NNT trên địa bàn. Nhờ được đẩy mạnh, đến nay tỷ lệ DN kê khai thuế bằng phương thức điện tử trên địa bàn tỉnh đạt 100%, tỷ lệ DN đăng ký nộp thuế điện tử đạt 98%” – ông Nam cho biết thêm.

Cùng với việc đẩy mạnh cải cách TTHC thuế, Cục Thuế Hà Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế. “Cụ thể, chúng tôi đang tiến hành lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra thông qua việc phân tích các hồ sơ thuế có dấu hiệu rủi ro lớn, ở các hoạt động có tính chất giao dịch liên kết; các DN có hoạt động kinh doanh lỗ nhiều năm; DN phát sinh chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng thương hiệu, chuyển nhượng dự án bất động sản; hoạt động kinh doanh thương mại điện tử…, nhằm chống thất thu thuế cho Nhà nước” – ông Nam nhấn mạnh.

Phấn đấu thu ngân sách đạt 10.000 tỷ đồng

Chia sẻ thêm về nhiệm vụ quản lý thu thuế, ông Đỗ Hồng Nam cho biết, năm 2020, UBND tỉnh giao toàn ngành Tài chính địa phương thu ngân sách trên địa bàn đạt 9.274 tỷ đồng và phấn đấu thu đạt 10.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng thu nội địa cơ quan thuế được giao thu là 7.574 tỷ đồng. Với quyết tâm hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ thu NSNN được giao, ngay từ những ngày đầu năm, công tác quản lý thu ngân sách được cơ quan thuế các cấp, từ tỉnh đến cơ sở đồng loạt ra quân triển khai thực hiện.

“Cụ thể, chúng tôi đã và đang triển khai nhiều biện pháp trong công tác thu ngân sách nhất là đối với các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, bảo đảm thu đúng, thu đủ, các khoản phát sinh vào NSNN; thực hiện miễn, giảm thuế, ưu đãi thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra hồ sơ khai thuế của DN, thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề về chuyển giá, thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng; chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư..., nhằm thu hút vốn đầu tư vào tỉnh” – ông Nam nói.

Đại diện Cục Thuế Hà Nam cho biết thêm, năm 2020, UBND tỉnh Hà Nam giao nhiệm vụ chi ngân sách địa phương là hơn 8.516 tỷ đồng. Như vậy, so với mục tiêu thu ngân sách mà UBND tỉnh đã đề ra, thì năm 2020 tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục có tổng thu cân đối vượt tổng chi cân đối. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh Hà Nam hướng tới mục tiêu tự cân đối thu, chi ngân sách trong thời gian tới.

“Để mục tiêu tự cân đối thu, chi ngân sách trở thành hiện thực, UBND tỉnh Hà Nam đã giao các cấp, các ngành trên địa bàn tiếp tục duy trì việc thực hiện 10 cam kết của tỉnh đối với nhà đầu tư; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát triển, nhất là đối với các dự án mới đi vào sản xuất, các dự án trọng tâm, trọng điểm; tăng cường công tác quản lý vốn đầu tư từ NSNN, khắc phục tình trạng đầu tư kém hiệu quả, dàn trải gây thất thoát, lãng phí; ưu tiên đầu tư các công trình, dự án quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn” – ông Nam nói.

Cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách, Cục Thuế Hà Nam cũng sẽ triển khai mạnh mẽ cải cách bộ máy tổ chức ngành Thuế theo chỉ đạo của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế. Cụ thể, trong quý I/2020, Cục Thuế Hà Nam tiếp tục thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập Chi cục Thuế thành phố Phủ Lý và Chi cục Thuế huyện Kim Bảng thành Chi cục Thuế khu vực Phủ Lý - Kim Bảng theo Quyết định số 2706/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, dự kiến Chi cục Thuế khu vực Phủ Lý - Kim Bảng chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/4/2020.

 

Theo Thời báo Tài chính