Doanh nghiệp đừng để "nước đến chân mới nhảy"

06/12/2020 04:07:51 PM
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế gửi giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Nhưng để chính sách đi vào cuộc sống, cũng cần sự chủ động của các DN, không nên để "nước đến chân mới nhảy

 

nop
Cán bộ Cục Thuế Hà Nội tiếp nhận hồ sơ quyết toán thuế tại trụ sở Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.

 

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam đã cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên TBTCVN.

* PV: Thưa bà, Nghị định 41 được Chính phủ ban hành đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho DN. Trong bối cảnh hiện nay, việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất có ý nghĩa như thế nào đối với cộng đồng DN cũng như người nộp thuế?

- Bà Nguyễn Thị Cúc: Dịch Covid-19 xảy ra đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, dẫn đến tình hình thu ngân sách nhà nước (NSNN) cũng gặp khó khăn. Để giúp DN vượt qua cơn khủng hoảng này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Bên cạnh Nghị định 41, Bộ Tài chính còn ban hành một loạt các thông tư giảm phí và lệ phí; đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho DN nhỏ và siêu nhỏ trong năm 2020; đề xuất nâng mức mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ 9 triệu đồng lên mức 11 triệu đồng/người/tháng… Điều này đã giúp cho người dân và DN vượt qua khó khăn.

Về Nghị định 41, qua nghiên cứu tôi thấy rằng, đối tượng được gia hạn rất rộng. Ngoài các hoạt động, kinh doanh dịch vụ ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 rõ ràng nhất như hoạt động vận tải (hàng không, đường sắt, đường bộ), du lịch… thì các DN sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; may, sản xuất từ da, giấy, cao su và plastic; sản xuất kim loại; sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất ô tô; các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản… và nhiều lĩnh vực dịch vụ khác cũng thuộc đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Có thể nói, gần như tất cả các DN bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 đều được hưởng ưu đãi này.

 cuc
Bà Nguyễn Thị Cúc

* PV: Có ý kiến cho rằng, thời gian gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất 5 tháng là quá ít, mà nên gia hạn cả năm. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

- Bà Nguyễn Thị Cúc: Theo Nghị định 41, thời gian gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất là 5 tháng đối với 3 loại thuế gồm: thuế giá trị gia tăng (GTGT) phát sinh theo tháng hoặc theo quý bắt đầu từ tháng 3, 4, 5, 6/2020 (quý I, quý II/2020). Đối với thuế TNDN  được gia hạn là khá rộng, không chỉ thuế TNDN tạm nộp của quý I và quý II/2020, Nghị định 41 còn đề cập đến cả thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm 2019. Có nghĩa, thời điểm quyết toán thuế năm 2019 thì dịch bệnh chưa xảy ra, nhưng khi thời hạn quyết toán thuế (theo năm dương lịch) là 31/3/2020 thì dịch bệnh đã xảy ra, nên cũng được gia hạn nộp thuế TNDN đối với năm 2019 chuyển sang. Tuy nhiên, theo quy định, thuế TNDN tạm nộp hàng năm là 80% số thuế phát sinh, nên việc xử lý số thuế chuyển sang năm sau để được gia hạn không quá 20% số thuế phải nộp trong năm để đảm bảo đúng quy định. Như vậy, số thuế TNDN tạm nộp của quý I và quý II/2020, cũng như số quyết toán phải nộp của năm 2019 cũng được gia hạn thêm 5 tháng. Riêng tiền thuế GTGT, thuế TNCN của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh phát sinh phải nộp năm 2020 được gia hạn nộp vào NSNN chậm nhất là ngày 31/12/2020.

Ngoài ra, tiền thuê đất được gia hạn theo Nghị định 41 là rất rộng, được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân nộp tiền hàng năm cho số tiền thuê đất của kỳ 1 năm 2020, đồng thời được chậm nộp 5 tháng kể từ ngày 31/5/2020.

Về ý kiến cho rằng thời gian gia hạn 5 tháng là quá ít, tôi nghĩ rằng, DN muốn được gia hạn nộp thuế dài hơn, được miễn giảm thuế nhiều hơn và được hỗ trợ cao nhất để giảm thiểu khó khăn cũng là mong muốn chính đáng, tất yếu. Tuy nhiên, chúng ta phải đặt vào hoàn cảnh cụ thể, khi dịch Covid-19 xảy ra DN khó khăn, thì Nhà nước, mà cụ thể là NSNN cũng rất khó khăn. Mặc dù số thu ngân sách bị sụt giảm, nhưng Nhà nước vẫn phải chi nhiều khoản, trong đó có khoản cho phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả…

Mặc dù vậy, Nhà nước vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DN, người nộp thuế bằng cách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, giảm thuế, phí, lệ phí… Lẽ ra số tiền hỗ trợ theo Nghị định 41 là 180.000 tỷ đồng nộp vào NSNN, nhưng do được gia hạn, nên DN được dùng số tiền đó để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, không phải vay ngân hàng thì rõ ràng là bớt khó khăn đi rất nhiều.

Tại sao chỉ gia hạn 5 tháng? Như đã biết, cách tính thuế GTGT theo tháng, theo năm, hoặc quyết toán năm trước, tạm nộp năm nay cũng chỉ gia hạn đến  ngày cuối cùng phải nộp là 31/12/2020. Việc này liên quan đến tài khóa năm 2020. Như chúng ta đã biết, hàng năm Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự toán thu, chi ngân sách. Trong đó, có thu ngân sách, chi ngân sách, tỷ lệ bội chi theo quy định, mức tăng trưởng GDP… đều đã được Quốc hội thông qua. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, có thể mục tiêu tăng trưởng không đảm bảo, nhưng Chính phủ vẫn phải đặt mục tiêu phấn đấu cho năm 2020. Nếu như không thu được tiền thuế năm nay, mà chuyển sang năm sau thì sẽ thâm hụt thu, chi ngân sách, tỷ lệ bội chi, mục tiêu tăng trưởng cũng không đảm bảo; thứ hai, phần NSNN năm nay sẽ không có nguồn để đảm bảo cân đối, bội chi quá cao.

Tóm lại, xét về mặt chia sẻ nghĩa vụ và quyền lợi, thì hai bên (Nhà nước và DN) nên cùng nhau chia sẻ khó khăn này. Thực tế cho thấy, qua đại dịch vừa qua rất nhiều DN đã ủng hộ công tác phòng, chống dịch hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. DN đã chia sẻ nguồn thu nhập (kể cả thu nhập sau thuế) của mình với Nhà nước, thì trong nghĩa vụ của mình, DN nên cố gắng thêm, cùng san sẻ với Nhà nước để cùng đất nước vượt qua khó khăn cũng là điều nên làm.

* PV: Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, sau hơn 1 tháng triển khai Nghị định 41, số giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất là khá thấp. Theo phân tích của Tổng cục Thuế, ngoài nguyên nhân không phát sinh doanh thu phải nộp thuế GTGT, thì nhiều tổ chức, cá nhân chưa quan tâm đến quyền lợi của mình, hoặc có tâm lý để đến gần hết hạn nộp giấy mới làm thủ tục. Bà có lời khuyên gì cho các DN?

- Bà Nguyễn Thị Cúc: Có một thực tế là DN Việt Nam thường có tâm lý “nước đến chân mới nhảy”, khi gần hết hạn thì mới đổ xô đi làm. Như khi quyết toán thuế, có thể làm thủ tục từ 1/1 đến 31/3 hằng năm, nhưng đa số người nộp thuế cứ để đến đầu tháng 3, thậm chí đến cuối tháng 3 mới ùn ùn kéo đến cơ quan thuế làm thủ tục quyết toán thuế. Hiện nay việc làm thủ tục quyết toán thuế qua mạng còn đỡ, chứ những năm trước đây thì liên tục ùn tắc, quá tải.

Việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41 rất đơn giản. Lần đầu tiên trong một nghị định có cả hướng dẫn thủ tục gia hạn rất cụ thể, chỉ làm một tờ giấy đề nghị gia hạn cho tất cả các sắc thuế; người nộp thuế không cần phải đến trực tiếp cơ quan thuế, mà có thể gửi qua mạng thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, Cổng Dịch vụ công quốc gia, qua bưu điện. Vì thời hạn cuối cùng theo nghị định là 30/7/2020, nên hiện nay các DN, người nộp thuế vẫn thong dong. Tuy nhiên, nếu chậm trễ, có thể DN sẽ mất quyền lợi. Tôi cho rằng DN cần phải làm ngay giấy đề nghị gia hạn, cần phải bỏ thói quen “nước đến chân mới nhảy”.

* PV: Xin cảm ơn bà!

Có một thực tế là DN Việt Nam thường có tâm lý “nước đến chân mới nhảy”, khi gần hết hạn thì mới đổ xô đi làm. Như khi quyết toán thuế, có thể làm thủ tục từ 1/1 đến 31/3 hằng năm, nhưng đa số người nộp thuế cứ để đến đầu tháng 3, thậm chí đến cuối tháng 3 mới ùn ùn kéo đến cơ quan thuế làm thủ tục quyết toán thuế. Hiện nay việc làm thủ tục quyết toán thuế qua mạng còn đỡ, chứ những năm trước đây thì liên tục ùn tắc, quá tải.

 

 

Theo Thời báo Tài chính