Đến năm 2015: 80% các khoản thuế được nộp dưới hình thức điện tử

04/01/2014 04:04:54 PM
Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Bộ Tài chính (CNTT - BTC), ông Phạm Công Minh cho biết, trong kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT 2014, BTC đang đặt ra mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 100% đơn vị, cơ quan của BTC từ cấp tỉnh, TP trở lên có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử để cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân và DN. Trong đó, cơ quan thuế sẽ đảm bảo 90% hồ sơ khai thuế được nộp qua mạng; 80% các khoản thuế được nộp dưới hình thức điện tử; 90% cơ quan hải quan các tỉnh, TP triển khai thủ tục hải quan điện tử.

 

Trong nhiều năm trở lại đây, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành tài chính là đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý tài chính, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế, hải quan và các dịch vụ tài chính công, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu khai thác thông tin của người dân và DN. Hiện tại, mục tiêu lớn nhất và xuyên suốt đang được ngành tài chính triển khai là phấn đấu đến năm 2015, sẽ đảm bảo cung cấp thông tin, dịch vụ hành chính công trực tuyến cho các đơn vị có quan hệ với ngân sách, người dân và DN; gắn ứng dụng CNTT với cải cách thủ tục hành chính, chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ, công khai thông tin theo quy định để hoạt động của ngành tài chính minh bạch, hiệu quả hơn.
 
Theo ông Phạm Công Minh, ngành tài chính đang nỗ lực để đến năm 2015 sẽ có 100% các cơ quan, đơn vị của BTC từ cấp tỉnh trở lên có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin theo Điều 28 của Luật Công nghệ thông tin; cung cấp 30 dịch vụ công của BTC từ mức độ 3 trở lên. Đặc biệt, sẽ có 90% hồ sơ khai thuế của người dân và DN được nộp qua mạng, 80% các khoản nộp thuế được thực hiện dưới hình thức điện tử; 90% cơ quan hải quan các tỉnh, TP triển khai thủ tục hải quan điện tử; áp dụng quản lý rủi ro trong quá trình làm thủ tục hải quan với tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa tối đa 10% và hồ sơ tối đa 15%; thực hiện cơ chế hải quan một cửa đạt tỷ lệ 60% các loại giấy phép, giấy chứng nhận trao đổi dưới dạng điện tử với các cơ quan chính phủ có liên quan; thực hiện quy trình kiểm soát chi NSNN một cửa, quy trình kiểm soát chi điện tử.
 
Các dịch vụ công chính trong lĩnh vực ngân sách, kho bạc, kiểm toán, thẩm định giá, công sản, bảo hiểm sẽ được cung cấp trực tuyến kèm theo cung cấp một số sản phẩm, dịch vụ điện tử mới về quản lý ngân sách, kế toán, thanh toán cho các đơn vị có quan hệ với ngân sách. Cũng đến mốc 2015, ngành tài chính phấn đấu sẽ có 20% số gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp và dịch vụ tư vấn sử dụng vốn NSNN của BTC được thực hiện qua mạng (từ kế hoạch đấu thầu, thông báo mời thầu, thông báo mời sơ tuyển, kết quả đấu thầu, danh sách nhà thầu tham gia được đăng tải trên mạng); đồng thời thí điểm hình thức mua sắm công tập trung trên mạng.
 
Cũng theo ông Minh để đạt các mục tiêu trên, trong thời gian qua và ngay trong năm 2014 này, BTC sẽ triển khai xây dựng, phát triển hệ thống thông tin cốt lõi trong toàn ngành, trong đó, sẽ phát triển các hệ thống thông tin mang tính tích hợp cao theo phương thức tập trung trên các lĩnh vực chuyên ngành (thuế, hải quan, ngân sách, kho bạc, chứng khoán, dự trữ), tạo nền tảng để từng bước hình thành hệ thống thông tin tài chính tích hợp và phát triển hệ thống thông tin thống kê dự báo, hệ thống thông tin quản lý theo công nghệ mới, phục vụ tốt công tác chỉ đạo điều hành, hỗ trợ ra quyết định của các cấp lãnh đạo. 
 
Đi liền với đó, ngành tài chính sẽ phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính với các nội dung chính: thu - chi ngân sách, quản lý tài chính lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, tài sản nhà nước, quản lý đơn vị có quan hệ với ngân sách, đối tượng nộp thuế..., đảm bảo cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính được tích hợp đầy đủ trong hệ thống mạng thông tin tài chính và được cập nhật thường xuyên; được kết nối trực tuyến để vừa hỗ trợ xây dựng các chính sách tài chính, vừa góp phần tạo hạ tầng thông tin quản lý nhà nước và các hoạt động kinh tế, xã hội. Mặt khác, ngành tài chính sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo các lĩnh vực: vật tư hàng hóa, kho tàng dự trữ nhà nước, chứng khoán; hệ thống dữ liệu tài chính, đáp ứng đầy đủ yêu cầu quản lý nhà nước, phản ánh chính xác hiện trạng, hỗ trợ lập quy hoạch hợp lý cho việc sử dụng tối ưu, hiệu quả các nguồn lực tài chính trong giai đoạn tới.
Theo Tạp chí thuế