Đặc thù quản lý thuế khoán hộ kinh doanh khu vực ĐBSCL

06/03/2019 10:26:08 AM
Theo thống kê, cả nước có tới 5 triệu hộ kinh doanh (HKD) nộp thuế theo hình thức khoán, nhưng số thu khu vực này chỉ chiếm khoảng 2% tổng thu nội địa.
thue
Công tác quản lý thuế khu vực ĐBSCL còn nhiều khó khăn, phức tạp.

 

Chính quyền nhiều địa phương khẳng định đây là “lực lượng” sản xuất, kinh doanh (SXKD) có sức tác động lớn đến kinh tế và an sinh - xã hội trên địa bàn. Chính sách thuế khoán được Nhà nước ban hành nhằm động viên, phát triển HKD. Tuy nhiên, vì nhiều yếu tố công tác quản lý thuế khu vực này luôn gặp nhiều khó khăn, phức tạp…

Khó kiểm soát hết số lượng hộ kinh doanh

Theo quy trình quản lý thuế khoán, việc xác định mức thuế khoán cá nhân, HKD không có sổ sách thống kê, kế toán, gồm: cơ quan thuế tiến hành điều tra, xác minh địa chỉ, quy mô kinh doanh của HKD, hiệp thương thống nhất với HKD về mức doanh thu HKD  tham khảo ý kiến của hội đồng tư vấn thuế, niêm yết công khai mức khoán tại trụ sở UBND xã, phường, cơ quan thuế để tiếp nhận ý kiến phản hồi của người dân…

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Nhà nước cần nghiên cứu, sửa đổi các quy định về hình thức tổ chức kinh doanh, trong đó đồng bộ hóa hoạt động quản lý kinh doanh dựa trên đặc thù ngành, nghề, lĩnh vực quản lý; tiến tới loại bỏ hình thức khoán thuế; hướng dẫn áp dụng chuẩn mực kế toán phù hợp, giản đơn cho các DN nhỏ và siêu nhỏ; khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong các tổ chức kinh doanh nhằm tạo mức tương tác cao đối với công tác quản lý Nhà nước…
Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có gần một triệu HKD hoạt động với quy mô nhỏ, lẻ, nhiều ngành, nghề, sử dụng nguồn vốn tự có hạn hẹp đang được cơ quan thuế quản lý dưới hình thức khoán thuế…

 Ông Huỳnh Văn Cung, cán bộ văn phòng đại diện Tổng cục Thuế phía Nam cho biết do đặc thù văn hóa, địa lý sông nước, địa bàn rộng, mật độ dân cư thiếu tập trung…, nên công tác điều tra, hiệp thương với hàng chục nghìn hộ HKD tại khu vực ĐBSCL rất khó khăn, phức tạp. Việc này dẫn tới có lúc, có nơi xác định doanh thu HKD không sát thực tế, một số trường hợp HKD mới hoạt động nhưng không đăng ký kinh doanh, nên cơ quan thuế cũng chậm phát hiện để đưa vào quản lý thuế kịp thời… 

Báo cáo của các cục thuế địa phương tại thời điểm cuối năm 2018 cho thấy còn có các hộ kinh doanh nằm ngoài sổ bộ thuế. Tổng cục Thuế đã yêu cầu các tỉnh khẩn trương đưa số HKD này vào diện quản lý thuế. Tổng cục Thuế cũng lưu ý số HKD tại nhiều địa điểm, khu vực dân cư đang có mức “vênh” lớn so với tiêu chí điều tra của cơ quan thuế các địa phương.

Theo ông Huỳnh Vân Hải - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Vĩnh Long, quản lý thuế khoán HKD tại các tỉnh ĐBSCL vẫn tồn tại yếu tố khách quan tác động, nhất là mùa nước nổi (từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm). Do ảnh hưởng địa hình sông nước, việc đi lại bị hạn chế, kéo theo hoạt động bám sát, điều tra của cơ quan thuế trên một số địa bàn nông thôn rất khó khăn, đặc biệt số HKD các khu vực xa trung tâm mới phát sinh thời điểm này thường không được cập nhật kịp thời. Tại một số địa phương, cơ quan thuế thông qua hội đồng tư vấn thuế, xây dựng mức doanh thu trên chỉ số bình quân các HKD cùng ngành, nghề nhân với mức tăng từ 5% - 7% hàng năm, cũng thiếu thực tế so với quy mô hoạt động của HKD…

Nhiều nguyên nhân 

Theo TS. Lê Đạt Chí - Trưởng Bộ môn Đầu tư tài chính, Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, quy trình quản lý thuế khoán hiện nay khá chặt chẽ. Tuy nhiên, hiệu quả động viên thuế khu vực này chưa đạt như kỳ vọng do nhiều yếu tố, như việc xác định mức doanh thu của HKD vẫn theo hình thức thỏa hiệp; thói quen sử dụng tiền mặt, mua hàng không cần hóa đơn của đại bộ phận người dân; ý thức chấp hành nghĩa vụ thuế HKD còn hạn chế; chưa có quy định chặt chẽ về thống kê, kế toán trong quá trình sản xuất, kinh doanh đối với HKD…

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu, rộng, việc chuyển HKD thuế khoán sang hoạt động theo các mô hình doanh nghiệp (DN) là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, để rút ngắn thời gian chuyển đổi, phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển trong nước, thì trước tiên các nhà quản lý cần theo dõi, giám sát, thực hiện vừa động viên, vừa áp dụng chế tài đủ mạnh buộc HKD sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập DN (theo Luật DN); đồng thời tích cực tuyên truyền chính sách khuyến khích, hỗ trợ HKD chuyển thành DN…

TS. Lê Đạt Chí cho biết, trong điều kiện các quy định quản lý HKD khoán thuế thiếu quyết liệt, xu hướng kinh doanh qua mạng ngày một phát triển, khó kiểm soát về thuế do thanh toán tiền mặt qua các giao dịch vẫn là phương thức phổ biến..., tiếp tục tạo tâm lý HKD không muốn chuyển thành DN. Để động viên tăng số thu ngân sách từ thuế khoán, cơ quan thuế cần có chính sách khuyến khích người mua hàng lấy hóa đơn bán hàng; từ đó xác định doanh thu, tính thuế HKD chính xác, thuyết phục, đảm bảo chuẩn hóa quy định bán hàng phải xuất hóa đơn như DN…

 

Theo Thời báo Tài chính