Cục Thuế Vĩnh Long: Thu ngân sách đạt 'đích' nhưng chưa được như kỳ vọng

12/26/2018 09:17:23 AM
Theo số liệu tổng hợp, Cục Thuế tỉnh Vĩnh Long sẽ hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) vào thời điểm cuối năm 2018, kết thúc một năm nhiều khó khăn, thách thức để nối dài thêm chuỗi thành tích 19 năm liên tục hoàn thành vượt dự toán cấp trên giao.
vl
Cụ thể,  tổng thu năm 2018 ước đạt 5.141,96 tỷ đồng, bằng 101% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2017...

 
12/17 khoản thu vượt trên 100% 

Ông Huỳnh Vân Hải - Cục trưởng Cục Thuế Vĩnh Long cho biết, trên tổng số thu năm 2018, có 12/17 khoản thu, sắc thuế đạt và vượt trên dự toán pháp lệnh. Trong đó, có 2 khoản thu không bền vững là thu tiền sử dụng đất và thu tiền bán nhà thuộc sở hữu nhà nước đạt tỷ lệ cao, tương ứng 262,5% - 900% so với dự toán; còn 5/17 khoản thu vì yếu tố khách quan, chỉ đạt từ 75% - 99% dự toán cả năm. Điều này phản ánh việc khai thác nguồn thu năm 2018 gặp nhiều khó khăn. Thực tế số thuế phát sinh trên một số lĩnh vực, như: khu vực doanh nghiệp nhà nước địa phương, DN có vốn đầu tư nước ngoài, tăng tương ứng 7,6% - 10,7 % (so với cùng kỳ năm 2017) vẫn không theo kịp chỉ tiêu dự toán.

Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Vĩnh Long năm 2018 còn chậm, UBND tỉnh Vĩnh Long xác định mặc dù tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng trên 6%; trong đó các khu vực, gồm: nông, lâm, thủy sản tăng 3,23%; công nghiệp, xây dựng tăng 9%; dịch vụ tăng 7%... Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục cải thiện, thu hút được nhiều dự án lớn với tổng số vốn đăng ký tăng gấp 2 lần so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế có dấu hiệu chậm lại, cụ thể: khu vực nông, lâm, thủy sản, giảm 2,18 điểm %; công nghiệp - xây dựng chỉ tăng 1,04 điểm %; dịch vụ, tăng 1,15 điểm %...

Nguyên nhân cản trở mức tăng thu 

Thực tế, Vĩnh Long vẫn là địa phương có tỷ trọng kinh tế nông nghiệp cao (năm 2018, chiếm khoảng 49,93%), nhưng sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, được mùa thì mất giá... Trong khi đó, sản xuất công nghiệp chưa trở thành động lực phát triển kinh tế địa phương, nhất là lĩnh vực chế biến, chế tạo chưa có dấu hiệu của nền sản xuất lớn (tỷ trọng kinh tế ngành công nghiệp – xây dựng, chỉ chiếm 16,38%). Tốc độ phát triển khu vực dịch vụ ở Vĩnh Long cũng chậm so với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (tỷ trọng kinh tế chiếm khoảng 33,69%). Theo số liệu thống kê năm 2018, cơ quan thuế đã cấp mã số thuế cho 437 DN mới thành lập, nhưng cũng có tới 347 DN ngừng kinh doanh, hoạt động. Những yếu tố nêu trên là nguyên nhân làm hạn chế mức tăng thu NSNN tại Vĩnh Long năm 2018 không đạt như kỳ vọng.

Theo ông Phan Tấn Nhĩ - Trưởng phòng Tổng hợp - Nghiệp vụ - Dự toán, Cục Thuế tỉnh Vĩnh Long, hiện nay cơ quan thuế đang nỗ lực hoàn thành 100% số thu khu vực DNNN địa phương, nhằm nâng tổng số 13/17 khoản thu, sắc thuế hoàn thành dự toán năm 2018. Còn 4 lĩnh vực không có khả năng hoàn thành dự toán như: khu vực ngoài quốc doanh (DN NQD) chủ yếu sản xuất, kinh doanh (SXKD) manh mún, nhỏ lẻ, một số DN có quy mô SXKD lớn trong lĩnh vực nông nghiệp không phải nộp thuế GTGT, nên số thuế phát sinh trong năm 2018 giảm 3,4% so với năm 2017, ước đạt 75% dự toán năm 2018; thu khác ngân sách giảm tới 74,65%, ước đạt 82% kế hoạch.

 Riêng số thu khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng 10,7%, cũng chỉ đạt 84% mức dự toán giao. Trong khi đó mức dự toán 2 khu vực thu chủ lực, gồm: khu vực DN ngoài quốc doanh tăng 31,5%  và DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng 30,4% so với năm 2017, đã vượt ngoài khả năng tăng trưởng của DN và mức huy động thuế của địa phương. 

Vượt lên những khó khăn, trở ngại trên đây, Cục Thuế Vĩnh Long hiện vẫn đang nỗ lực  trong việc thu nợ thuế, khai thác số thu kịp thời, nhằm hoàn thành tổng nguồn thu vượt dự toán năm 2018 ở mức cao nhất, tiếp tục ghi dài thêm chuỗi thành tích 19 năm liên tục hoàn thành vượt dự toán thu NSNN…

 

Theo Thời báo Tài chính