Cục Thuế Đồng Tháp: thu ngân sách gặp khó

08/11/2014 04:56:22 PM
Trong khi các DN, hộ SXKD trên địa bàn vẫn chưa thể vực dậy sau giai đoạn khủng hoảng của nền kinh tế do tiềm lực tài chính, quy mô nhỏ, sức mua của thị trường hạn chế, dẫn đến số thuế phát sinh thấp..., thì tác động của sự thay đổi nhiều cơ chế, chính sách đã khiến không ít khoản thu bị sụt giảm mạnh. Vì thế, cho đến thời điểm này, nhiệm vụ huy động nguồn lực cho NSNN của ngành thuế Đồng Tháp vẫn chưa đạt tiến độ đề ra, thậm chí còn thấp hơn cùng kỳ năm trước.

 

 
 
 
Nguồn thu giảm trên diện rộng
 
Là một địa bàn kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, khai thác thuỷ, hải sản, nên dường như mọi biến chuyển đều có độ trễ hơn so với các địa phương khác. Vì thế cho đến thời điểm này, khi nhiều tỉnh, thành đã vượt qua giai đoạn khó khăn để ổn định và phát triển, thì kinh tế Đồng Tháp vẫn đang trong trạng thái phục hồi rất chậm. Tính đến hết tháng 6, tốc độ tăng trưởng của cả 3 khu vực: nông - lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2013; tốc độ tăng trưởng GDP cũng đạt thấp so với mục tiêu năm 2014. Diễn biến tình trạng “sức khoẻ” này kéo theo số thuế kê khai nộp ngân sách của các thành phần kinh tế đều giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước.
 
Đây chưa phải là nguyên nhân giảm thu duy nhất đối với Đồng Tháp, bởi ngoài số tiền 135,7 tỷ đồng thực hiện miễn, giảm các loại thuế theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ thì việc triển khai Thông tư 187/2013/TT-BTC về việc miễn thuế GTGT, TNCN, TNDN năm 2013 và 2014 khi kinh doanh phòng trọ, nhà cho thuê và cung ứng suất ăn ca, đã làm cho ngân sách phải chia sẻ số tiền không nhỏ. Đáng kể nhất là việc điều chỉnh không thu thuế GTGT ở khâu kinh doanh thương mại đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chưa qua chế biến hoặc chỉ mới qua sơ chế thông thường theo Thông tư số 219/2013/TT-BTC, đã làm giảm số thu ngân sách với mức ước tính cả năm lên tới 693 tỷ đồng.
 
Diễn biến giảm thu đã hiển hiện ngay trong tiến độ thu nộp NSNN của nhiều khoản thu, sắc thuế, trong đó ảnh hưởng lớn nhất là khu vực DNNN trung ương. Do các sản phẩm tấm, gạo lau bóng và khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, nộp thuế nên số thuế GTGT của các công ty lương thực trên địa bàn đều giảm mạnh. Theo đó, tính cả số thuế phát sinh trong tháng 12/2013 chuyển sang kê khai tính thuế trong tháng 01/2014 thì Chi nhánh Tổng công ty lương thực Miền Bắc tại Sa Đéc nửa đầu năm nộp 720 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm 2013 nộp 8.976 triệu đồng (giảm hơn 90%); Công ty lương thực Đồng Tháp nộp 4.635 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm 2013 nộp 27.098 triệu đồng (giảm hơn 80%). Vì vậy, cho dù các DN thuốc lá, điện lực, bưu chính... có số nộp thuế tương đối ổn định thì đến hết 6 tháng, cả khu vực mới chỉ ước nộp ngân sách 124,4 tỷ đồng, đạt 27,64% dự toán và bằng 54,5% so với cùng kỳ năm 2013.
 
Tương tự là khoản thuế ngoài quốc doanh với ước thực hiện 6 tháng là 373,6 tỷ đồng, 32,46% dự toán và 62,03% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do nguồn thu chủ lực của khu vực này chủ yếu là thu từ các DN hoạt động sản xuất, cung ứng, chế biến gia công 2 mặt hàng xuất khẩu (gạo và cá tra). Thế nhưng, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thị trường bị thu hẹp, giá cả sản phẩm luôn có chiều hướng giảm, chính sách bảo hộ sản xuất trong nước cũng những hàng rào thuế quan của các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt..., đặc biệt việc thay đổi chính sách điều tiết thuế GTGT đối với nông, thuỷ, hải sản nguyên liệu, nên số thu nộp NSNN của sắc thuế này ước giảm trên 550 tỷ đồng ngay trong năm nay. 
 
Ngoài ra, khoản thu tiền sử dụng đất ước thực hiện 6 tháng mới đạt 113,4 tỷ đồng, bằng 32,41% dự toán và bằng 82,6% so với cùng kỳ năm 2013 một mặt do hiện nay tình hình kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng, nhu cầu mua nhà ở trong dân giảm; mặt khác số dự án đầu tư đăng ký chưa nhiều, chưa kể DN có xu hướng thuê đất chứ không mua đất để đầu tư xây nhà xưởng phục vụ cho SXKD. 
 
Với ước tính tổng số giảm thu trên địa bàn lên tới gần nghìn tỷ đồng, trong khi số phát sinh tăng trong 6 tháng từ các nguyên nhân: thuế TNDN quý II/2013 nộp vào quý I/2014; các khoản phải thu theo kiến nghị của cơ quan kiểm toán; truy thu nợ thuế, đôn đốc tiền thuế gia hạn... chỉ chưa đến 100 triệu đồng, thì với tất cả nỗ lực, đến hết 6 tháng đầu năm, Cục Thuế Đồng Tháp cũng mới thực hiện được 1.508 tỷ đồng, đạt 45,86% dự toán và bằng 89,16% so với cùng kỳ năm trước.
 
Giải pháp cân đối nguồn thu
 
Dẫu biết với tiến độ công tác huy động nguồn lực cho đến thời điểm này chưa đạt yêu cầu, chưa theo kịp số thực hiện của cùng kỳ năm trước, nhất là khi việc thay đổi chính sách điều tiết thuế GTGT khiến ngân sách địa phương bị hụt gần 700 tỷ đồng so với dự toán được giao, thì việc phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ chính trị trong năm nay của Cục Thuế Đồng Tháp là rất khó khăn. Tuy nhiên, với nỗ lực cao nhất để cân đối các nguồn thu, trong khoản thời gia còn lại của năm, Cục Thuế đã yêu cầu toàn thể đội ngũ phải xác định rõ công tác thu NSNN là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm và xuyên suốt, đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác, quản lý tốt tất cả các nguồn thu, đảm bảo thu đúng, đủ và kịp thời vào ngân sách. Theo đó, tất cả các phòng quản lý, chi cục thuế tập trung đôn đốc thu ngân sách, khai thác mọi nguồn thu trên địa bàn, các nguồn thu vãng lai, kế cả những khoản thuế được gia hạn nay đã đến hạn nộp. Ban chỉ đạo thu ngân sách ngành thuế các cấp tăng cường tập trung xử lý các DN có số nợ thuế lớn, đôn đốc các khoản nợ có khả năng thu, đề xuất biện pháp quản lý để hạn chế nợ mới phát sinh, đồng thời tiến hành thu thập thông tin đối với các trường hợp cố tình dây dưa, chây ỳ để tiến hành các thủ tục cưỡng chế thu nợ thuế. 
 
Bên cạnh đó, ngành thuế đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hồ sơ khai thuế, chú trọng kiểm tra sau hoàn thuế; đôn đốc và có biện pháp xử lý ngay đối với các trường hợp chưa thực hiện nộp ngân sách các khoản xử lý truy thu, xử phạt theo kết luận. Riêng với các khoản thu liên quan tới đất đai, cơ quan thuế phối hợp với các cơ quan chức năng, báo cáo UBND tỉnh triển khai các công việc liên quan đến định giá đất, luân chuyển hồ sơ để thực hiện thu nghĩa vụ tài chính về đất. Cục Thuế cũng yêu cầu các chi cục thuế rà soát các trường hợp sử dụng đất trên địa bàn, xác định số lượng đối tượng phải áp dụng đơn giá mới hay đến hạn phải điều chỉnh đơn giá; các trường hợp sử dụng đất chưa có giấy tờ..., trên cơ sở đó thường xuyên theo dõi, bám sát tình hình tiến độ thu trên địa bàn để tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm những khó khăn vướng mắc, đảm bảo đôn đốc kịp thời các khoản phát sinh vào NSNN.       

 

Theo Tạp Chí Thuế