Chống chuyển giá: không thể hành động riêng lẻ

01/16/2014 02:28:00 PM
Chuyển giá - chiêu thức né thuế

 

Trước hết phải khẳng định, chuyển giá là chiêu thức lách thuế (hay né thuế - không có đủ cơ sở để quy kết trốn thuế) thường được vận dụng tại các công ty hoạt động trên phạm vi toàn cầu. Hầu hết các công ty đa quốc gia có cấu trúc vô cùng phức tạp, với rất nhiều công ty con ở các nước khác nhau. Một công ty con trong số đó có thể cung cấp nguyên liệu thô, sau đó nguyên liệu này sẽ được tiếp tục chế biến ở một quốc gia và bằng sáng chế lại được cấp ở một nơi khác… Theo đó, thay vì trả đủ thuế TNDN tại một quốc gia (nơi hoạt động sản xuất kinh doanh) lợi nhuận sẽ được DN chuyển đến “thiên đường thuế” ở các quốc gia khác nhau để giảm thiểu số thuế phải nộp.
 
Nghiên cứu của ActionAid quốc tế cho thấy, thiên đường thuế không chỉ mời chào mức thuế thấp (thậm chí bằng 0) mà chúng còn tạo ra bức màn bí mật xung quanh việc kinh doanh của các công ty đa quốc gia, khiến cho việc giám sát và kiểm tra thuế đối với các công ty này trở nên vô cùng khó khăn, thậm chí là không thể.
 
Kinh nghiệm thế giới
 
Do hoạt động chuyển giá để lách thuế (né thuế) thường do các công ty đa quốc gia thực hiện, nên các nước phát triển trên thế giới đã có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong cuộc chiến chống gian lận thuế mang tính khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu.
 
Mới đây, tại hội nghị cấp cao Liên hiệp châu Âu (EU) ở thủ đô Brucxen (Bỉ), các nhà lãnh đạo EU đã có sự đồng thuận về cơ chế “tự động trao đổi thông tin” giữa các thành viên trong khối. EU cũng đang đẩy mạnh tiến trình các cuộc đàm phán với Thuỵ Sĩ (thiên đường thuế ở châu Âu) về vấn đề đánh thuế tiền gửi tiết kiệm và các loại thuế kinh doanh. Giới quan sát nhận định, chìa khoá thành công của cuộc chiến này là sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên EU.
 
Trong cuộc họp tại Matxcơva (Nga), Bộ trưởng Tài chính các nước G20 đã cam kết sẽ triệt phá những hành vi “né thuế” của các tập đoàn đa quốc gia. Theo đó, một số quốc gia đã có biện pháp mạnh tay để trừng phạt các tập đoàn né thuế. Chủ tịch Uỷ ban kiểm toán công thuộc Quốc hội Anh Maganet Hodge đã chỉ trích việc các tập đoàn hoạt động với quy mô lớn ở Anh thu lợi nhuận lớn, nhưng đóng rất ít thuế TNDN là sự xúc phạm và lăng mạ đối với các DN và cá nhân đang đóng góp cho xã hội. Chính phủ Anh cũng vừa có dự luật cấm các công ty né thuế được tham gia đấu thầu các dự án công của chính phủ. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tài chính Anh Osbonne, từng quốc gia riêng lẻ sẽ không thể ngăn chặn được hành vi né thuế của các tập đoàn đa quốc gia. “Chúng ta cần một chiến lược hành động chung. Không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tạo ra một hệ thống thuế quốc tế” - Bộ trưởng Tài chính Osbonne nhấn mạnh.
 
 
Bài học cho Việt Nam
 
Hiện tượng chuyển giá ở Việt Nam được phát hiện cách đây khoảng 5-7 năm. Trong quá trình quản lý thuế, cơ quan thuế các tỉnh, TP tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng… đã phát hiện dấu hiệu bất thường với số liệu thống kê hàng năm thường xuyên có trên nửa số DN có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) kê khai không phát sinh doanh thu hoặc báo cáo kinh doanh thua lỗ, trong đó có nhiều DN báo lỗ 3 năm liền, thậm chí lỗ 5 năm liên tiếp. Điều đáng nói là, không ít DN có thương hiệu lớn kê khai lỗ, nhưng tốc độ tăng doanh thu bán hàng vẫn cao, hoạt động SXKD liên tục mở rộng.
 
Hoạt động chuyển giá né thuế được nhận diện thông qua các DN hoạt động đa quốc gia, có cơ sở sản xuất kinh doanh ở Việt Nam. Các chiêu thức chuyển giá được thực hiện cả ở đầu vào lẫn đầu ra. ở đầu vào, ngay từ giai đoạn đầu tư ban đầu, việc kê khai giá trị máy móc trang thiết bị đưa vào đầu tư tại Việt Nam, kể cả vấn đề chuyển giao công nghệ, bản quyền thương hiệu, nguyên vật liệu… đều có thể xảy ra chiêu thức chuyển giá (kê giá cao hơn thực tế để tăng chi phí đầu vào). ở đầu ra, khi tiêu thụ sản phẩm hoặc điều chuyển nội bộ cũng thường có chuyển giá (sản phẩm làm ra có giá cao nhưng bán giá thấp trong nội bộ để biến lãi thành lỗ).
 
Nhận thức được vấn đề, Bộ Tài chính đã sớm xây dựng khung khổ pháp lý về công tác quản lý thuế, đồng thời phê duyệt chương trình kiểm soát chống chuyển giá. Tổng cục Thuế cũng thành lập tổ nghiên cứu xây dựng biện pháp nghiệp vụ chống chuyển giá, làm cơ sở để chỉ đạo thực hiện thông suốt từ trung ương đến địa phương. Qua thanh tra, cơ quan thuế đã ấn định lại doanh thu và truy thu thuế, điều chỉnh giảm lỗ đối với nhiều trường hợp vi phạm. Đến nay, toàn ngành thuế đã rà soát đưa vào quản lý 3188 DN có giao dịch liên kết phải thực hiện việc kê khai thông tin; hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc quản lý thuế đối với hoạt động chống chuyển giá cũng từng bước được xây dựng, phục vụ công tác thanh kiểm tra.
 
Theo đó, số lượng các DN có vốn đầu tư nước ngoài kê khai lỗ đã giảm nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động thanh tra và truy thu của cơ quan thuế đối với hoạt động chuyển giá của các DN FDI chủ yếu mới mang tính “thoả hiệp” với DN, thậm chí có trường hợp mang tính áp đặt, chưa đủ cơ sở pháp lý để kết luận hành vi man khai trốn thuế. Vì vậy, việc xử lý truy thu của cơ quan thuế không đủ sức răn đe.
 
Để tiếp tục các giải pháp ngăn ngừa chuyển giá, mới đây trong nội dung Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã bổ sung phương pháp thoả thuận trước về giá (APA) đối với các DN có giao dịch liên kết. Theo đánh giá của giới chuyên gia, thực chất đây là phương pháp “thoả thuận” giữa hai bên (cơ quan thuế và DN) có lợi ích đối lập nhau nên thời gian đàm phán kéo dài, hiệu quả đạt được rất thấp. Do đó, không thể kỳ vọng nhiều vào phương án này.
 
Theo kinh nghiệm của các nước phát triển, việc chống chuyển giá không thể thực hiện riêng lẻ ở mỗi nước, mà phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia có liên quan và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung. Vì vậy, giải pháp căn bản và lâu dài đòi hỏi Việt Nam phải có hiệp định chung với các nước trong khu vực và thế giới về các hành động chống chuyển giá. Tiếp theo đó, Luật Quản lý thuế cần  cho phép sử dụng nguồn thông tin do cơ quan thuế nước ngoài cung cấp làm căn cứ pháp lý để truy thu thuế đối với DN nước ngoài đầu tư ở Việt Nam. Trước mắt, cần có ban chỉ đạo chống chuyển giá cả ở cấp trung ương và địa phương trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế, hải quan, kế hoạch đầu tư, khoa học công nghệ, công thương… để kiểm soát toàn bộ quá trình hoạt động của các DN FDI từ khi cấp phép hoạt động, nhập khẩu máy móc thiết bị, nhập vật tư nguyên liệu, đến khi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời công bố công khai những DN thường xuyên kê khai lỗ, nhằm phát huy  sự giám sát của người tiêu dùng. Có như vậy, tình trạng chuyển giá mới mất dần cơ hội để hoạt động.
Theo Tạp chí thuế