Chiến lược cải cách quản lý thuế giai đoạn 2019 - 2020: Duy trì mục tiêu nhóm dẫn đầu thuận lợi về thuế trong ASEAN

03/29/2019 04:48:17 PM
Tổng cục Thuế vừa có kế hoạch cải cách quản lý thuế một cách toàn diện, từ cải cách thể chế, hiện đại hóa công tác tuyên truyền và thanh tra, kiểm tra thuế…, nhằm duy trì mục tiêu Việt Nam là một trong 4 nước đứng đầu khu vực ASEAN trong xếp hạng mức độ thuận lợi về thuế, vào năm 2020.
Ktra công tác caỉ cách TTHC
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn kiểm tra công tác cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết 19 của Chính phủ tại Chi cục Thuế Đống Đa (Hà Nội). Ảnh: NM

Tỷ trọng thu nội địa ngày càng cao 

Báo cáo của Tổng cục Thuế về kết quả Kế hoạch cải cách quản lý thuế giai đoạn 2016 - 2018 cho thấy, hệ thống chính sách thuế đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, bao quát cơ bản các nguồn thu cần điều tiết trong nền kinh tế; đảm bảo cân đối thu chi phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngành Thuế đã hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước (NSNN) được giao, cũng như mục tiêu đề ra.

Tổng cục Thuế cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2018, tỷ lệ huy động thu NSNN bình quân trên tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 24,9%, tăng hơn mức bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 23,4%. Trong đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 21,0% GDP, giảm so với giai đoạn 2011 - 2015 là 21,6% nhằm hướng tới giảm dần tỷ lệ huy động từ thuế và phí. Cơ cấu thu NSNN có chuyển biến tích cực, thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu NSNN, đạt 76,6%, so với 58,9% và 67,8% của 2 giai đoạn 5 năm trước đó (tương ứng với giai đoạn 2006 - 2010 và giai đoạn 2011 - 2015). Điều này cơ bản đảm bảo theo đúng định hướng chiến lược cải cách hệ thống thuế.

Cơ cấu thu trong tổng thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) theo thành phần kinh tế trong những năm qua có thay đổi, theo hướng: tăng dần tỷ trọng ở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và giảm dần khu vực doanh nghiệp nhà nước. 

Tỷ trọng các khoản thu từ những sắc thuế như: thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trong tổng thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) mang tính ổn định. 

Ngoài kết quả thu ngân sách, trong giai đoạn 2016 – 2018, ngành Thuế cũng đã thực hiện cải cách về thể chế chính sách theo hướng ngày càng đơn giản, dễ thực hiện, đảm bảo quản lý thuế hiện đại, chống thất thu ngân sách và phù hợp với thông lệ quốc tế…

Tiếp tục cải cách và hoàn thiện thể chế

Để đạt được mục tiêu Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020, Tổng cục Thuế đã ban hành Kế hoạch cải cách quản lý thuế giai đoạn 2019 - 2020. Theo đó, về thể chế chính sách, ngành Thuế sẽ phải xây dựng và trình Bộ Tài chính ban hành một loạt thông tư liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Luật thuế GTGT, Luật thuế TNDN, Luật thuế TNCN, Luật thuế Tài nguyên; xây dựng các văn bản hướng dẫn các luật như: Luật thuế Sử dụng đất nông nghiệp, Luật thuế Bảo vệ môi trường, Luật Phí lệ phí…

Cùng với đó, Tổng cục Thuế cũng sẽ tiếp tục hiện đại hóa công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, hoàn thiện các dịch vụ công điện tử, dịch vụ một cửa điện tử và hỗ trợ trực tuyến tập trung để hỗ trợ người nộp thuế; phấn đấu đến năm 2020, tối thiểu 80% doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ thuế điện tử.

Để chống thất thu ngân sách hiệu quả, ngành Thuế cũng sẽ tiếp tục hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra thông qua việc nâng cao trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra, kiểm tra. Tổng cục Thuế sẽ ban hành và áp dụng Bộ tiêu chuẩn cán bộ, công chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra; áp dụng quản lý rủi ro cũng như quy định, quy trình quản lý rủi ro, áp dụng công nghệ thông tin trong thanh tra, kiểm tra thuế; đổi mới toàn diện hoạt động thanh tra, kiểm tra theo hướng thống nhất, hiện đại, chính quy.

Tỷ trọng thu của các sắc thuế (không kể dầu thô) ổn định. Trong cả giai đoạn 2016 - 2018, tỷ trọng bình quân số thu thuế GTGT là 22,2%, giảm so với giai đoạn 2011 - 2015 là 26,6%, tỷ trọng bình quân số thu thuế TNDN là 18,9%, giảm so với giai đoạn 2011 - 2015 là 20,9% và tỷ trọng bình quân số thu TNCN là 8,4%, tương đương so với giai đoạn 2011 - 2015 là 8,3%. 
 

Đối với công tác đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế cũng như chế độ kế toán thuế, từ nay đến năm 2020, Tổng cục Thuế sẽ tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách về việc đăng ký thuế phù hợp với định hướng cải cách thủ tục hành chính và các quy định chính sách hiện hành, phù hợp với thông lệ quốc tế; hoàn thiện về cơ sở dữ liệu đánh giá về người nộp thuế, áp dụng quản lý rủi ro trong đăng ký thuế, khai thuế và hoàn thuế điện tử.

Kế hoạch đề ra việc cải cách và hiện đại hóa công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; xây dựng bộ tiêu chí quản lý rủi ro quản lý nợ; ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý nợ; kiện toàn, sắp xếp bộ phận quản lý nợ tại cơ quan thuế các cấp phù hợp với cơ cấu tổ chức mới của ngành Thuế.

Về công tác ứng dụng CNTT, ngành Thuế sẽ hướng tới phát triển ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cụ thể, sẽ triển khai dịch vụ khai thuế, nộp thuế điện tử tại Tổng cục Thuế và cơ quan thuế các cấp. Bên cạnh đó là triển khai hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế; triển khai dịch vụ một cửa điện tử và hỗ trợ trực tuyến tập trung tại Tổng cục Thuế. 

Hiện đại hóa bộ máy, nâng cao trình độ công chức

Theo kế hoạch cải cách hệ thống thuế, từ nay đến năm 2020, Tổng cục Thuế sẽ hiện đại hóa tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực. Cụ thể, ngành Thuế sẽ tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thuế các cấp theo Quyết định 41/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2156/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Bộ máy tổ chức được kiện toàn theo hướng triển khai mô hình bộ máy quản lý thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, cá nhân, hộ kinh doanh và các khoản thu khác gắn với đổi mới công tác ủy nhiệm thu. Tiêu chuẩn công chức thuế, gắn với đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học… sẽ được xây dựng.
Biểu đồ
Để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức thuế, ngành Thuế sẽ phát huy vai trò của Trường nghiệp vụ Thuế, gắn với việc đưa các nội dung mới, thiết thực vào giảng dạy. Trường sẽ xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành cho công chức thuế theo 4 chức năng là: kê khai và kế toán thuế; tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế; thanh tra, kiểm tra thuế; quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Toàn ngành tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho công chức thuế theo tiêu chuẩn ngạch công chức cho công chức mới tuyển dụng, công chức đủ điều kiện dự thi nâng ngạch hàng năm, theo kế hoạch được Tổng cục Thuế phê duyệt.

Box 2
 

Cùng với việc kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao trình độ công chức thuế, ngành Thuế cũng tiếp tục hiện đại hóa cơ sở vật chất; hiện đại hóa công tác dự báo thu và lập dự toán thu; thực hiện hàng loạt các hoạt động để đạt được mục tiêu của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 như: triển khai chương trình chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS); tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế trong việc trao đổi kinh nghiệm và thu hút nguồn lực tài chính cho công tác hiện đại hóa; triển khai áp dụng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác quản lý thuế…/.


* Ông Hoàng Văn Nội – Cục trưởng Cục Thuế Vĩnh Phúc: 

Hiện đại hóa quản lý thuế gắn với cải cách thủ tục hành chính

 Ông Hoàng Văn Nội
Ông Hoàng Văn Nội

Thực hiện quyết định của Tổng cục Thuế về Kế hoạch cải cách quản lý thuế  2019 – 2020 của Tổng cục Thuế, Cục Thuế Vĩnh Phúc vừa lên kế hoạch triển khai sâu rộng các chính sách, pháp luật về thuế, vừa tuyên truyền cặn kẽ chi tiết, vừa chỉ đạo toàn ngành thuế Vĩnh Phúc triển khai kế hoạch đạt hiệu quả cao nhất. 

Bên cạnh đó, Cục Thuế Vĩnh Phúc cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý thuế gắn với cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức thuế trong thực thi công vụ… nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ người nộp thuế. 

Đặc biệt, ngành Thuế Vĩnh Phúc tiếp tục tập trung đẩy mạnh giải quyết các thủ tục hành chính thuế theo cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa liên thông” trong việc cấp đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế… nhất là liên thông giải quyết các hồ sơ thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan sử dụng đất – theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng cục Thuế. ­

 

* Ông Chu Tường Anh – Cục trưởng Cục Thuế Hưng Yên: 

Quản lý kê khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử

 Ông Chu Tường Anh
Ông Chu Tường Anh

Cục Thuế Hưng Yên đã chỉ đạo toàn đơn vị triển khai mạnh mẽ, quyết liệt Kế hoạch cải cách quản lý thuế giai đoạn 2019 – 2020 của Tổng cục Thuế. Trước hết là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế mới thông qua nhiều kênh như chuyên mục tìm hiểu chính sách, pháp luật thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Bên cạnh đó, Cục Thuế Hưng Yên cũng quán triệt tới từng chi cục đẩy mạnh cải cách hành chính; tiếp tục tập trung vào công tác quản lý kê khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử. Đồng thời, đơn vị đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát việc đăng ký thuế, rà soát tình hình kê khai thuế... 

Trong thời gian tới, để tăng cường chống thất thu thuế, Cục Thuế Hưng Yên sẽ tiếp tục chú trọng vào công tác quản lý một số hoạt động kinh doanh như xăng, dầu… Thêm vào đó, toàn đơn vị tích cực đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trong nội bộ ngành Thuế và đối với người nộp thuế để đảm bảo việc thực thi nghiêm minh và hiệu quả pháp luật về thuế.

 

* Ông Lương Văn Ngà – Cục trưởng Cục Thuế Khánh Hòa:

Rà soát, cắt giảm tất cả các thủ tục rườm rà

 Ông Lương Văn Ngà
 Ông Lương Văn Ngà

Cục Thuế Khánh Hòa xây dựng kế hoạch cải cách quản lý giai đoạn 2019 – 2020 dựa trên ba nền tảng cơ bản là: Thể chế chính sách thuế minh bạch, quy trình thủ tục hành chính thuế đơn giản, khoa học phù hợp với thông lệ quốc tế; nguồn nhân lực có chất lượng, liêm chính; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, có tính liên kết, tích hợp, tự động hóa cao.

Cụ thể, Cục Thuế Khánh Hòa đẩy mạnh đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế, thực hiện cơ chế liên thông giữa thủ tục hành chính thuế với một số thủ tục hành chính khác có liên quan, nhằm tạo thuận lợi và giảm thời gian thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký khai thuế cho doanh nghiệp và người dân. Đơn vị áp dụng các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế phù hợp với từng nhóm người nộp thuế; xây dựng, triển khai đa dạng các dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế thực hiện thủ tục hành chính thuế; chú trọng cung cấp các dịch vụ thuế điện tử cho người nộp thuế.

Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, đảm bảo tối thiểu 85% người nộp thuế được tiếp cận đầy đủ và kịp thời các thông tin thay đổi về chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế; tối thiểu 90% doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ hỗ trợ thuế điện tử; tối thiểu 80% số lượng người nộp thuế hài lòng với các dịch vụ mà cơ quan thuế cung cấp.

 

* Ông Hà Văn Trường - Cục trưởng Cục Thuế Hải Phòng:

Sự hài lòng của người nộp thuế là mục tiêu cải cách

 Ông Hà Văn Trường
Ông Hà Văn Trường 

Thực hiện quyết định của Tổng cục Thuế về Kế hoạch cải cách quản lý thuế giai đoạn 2019 – 2020, Cục Thuế Hải Phòng đã xây dựng ban hành kế hoạch cải cách với mục tiêu xây dựng cơ quan thuế hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; đặc biệt,  lấy sự hài lòng của người nộp thuế làm mục tiêu cải cách hành chính thuế.

Cụ thể, đơn vị sẽ đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế. Đây được xác định là nội dung quan trọng, là khâu đột phá trong toàn bộ lộ trình cải cách và hiện đại hóa của Cục Thuế Hải Phòng. Bởi, việc tuyên truyền không những nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm và tính tự giác, tính tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế mà còn góp phần hỗ trợ cơ quan thuế thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Song song với đó, Cục Thuế Hải Phòng tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính thuế gắn với công khai, minh bạch thông tin, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ thuế cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh xây dựng hệ thống cơ quan thuế từ cấp cục tới cấp cơ sở được thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tăng tính dân chủ và pháp quyền; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm rút ngắn quy trình xử lý các thủ tục hành chính thuế hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, qua đó tạo nguồn thu cho ngân sách.

 

 

Theo Thời báo Tài chính