Cần hiểu đúng cách đánh giá tỷ suất thuế/lợi nhuận của WB

03/07/2016 01:43:16 PM
(TBTCVN) - Trong những ngày gần đây, có nhiều ý kiến bình luận, trăn trở về tỷ suất thuế/lợi nhuận của doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải nộp quá cao, chiếm tới gần 40%, cao hơn nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên thế giới, từ đó dẫn đến cản trở sản xuất kinh doanh.
 
trang 6
 
Tỷ suất thuế/lợi nhuận của Việt Nam hiện thấp hơn các nước ASEAN6.

 

Là người được trực tiếp tham gia dự án “Nâng cao năng lực quản trị của Nhà nước nhằm phát triển toàn diện” (viết tắt là GIG) với nội dung đánh giá thực trạng việc triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2014, 2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong các năm 2014, 2015, 2016, tôi muốn làm rõ hơn nội dung này để bạn đọc, các DN, doanh nhân hiểu và nhìn nhận đúng bản chất vấn đề, cũng như sự khác biệt cơ bản về tỷ suất thuế/lợi nhuận theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) với tỷ lệ động viên thuế vào ngân sách nhà nước (NSNN) của Việt Nam.

 
 
Tỷ suất thuế/lợi nhuận ròng của Việt Nam là 11,5%, ở mức thấp so với khu vực và thế giới, phù hợp với tỷ lệ động viên về thuế của Việt Nam/GDP. Ngoài thuế trực thu thì thuế giá trị gia tăng của Việt Nam cũng ở mức trung bình thấp so với các nước.

ba cuc

Bà Nguyễn Thị Cúc (Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam)

 

 

Tỷ suất thuế thấp hơn nhiều so với các nước ASEAN 6

 

Thực chất, khái niệm tỷ suất (tỷ lệ) thuế phải trả so với tổng số lợi nhuận là một phần trong một chỉ số quan trọng để cấu thành nên chỉ số thuận lợi kinh doanh (Ease of Doing Business Index), được WB dùng để xếp thứ hạng cho môi trường kinh doanh của các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Thứ hạng cao chỉ ra môi trường cho kinh doanh tốt hơn, đơn giản hơn và bảo vệ quyền sở hữu tốt hơn. Chỉ số này được đưa ra dựa trên những nghiên cứu khảo sát, phỏng vấn phiếu lấy ý kiến độc lập, trên cơ sở luật pháp hiện hành với các mô hình DN mẫu giả định, không phải điều tra khảo sát DN thực.

 

Thứ hạng của một quốc gia được đánh giá dựa trên mức trung bình của 10 chỉ số (xem trong box), trong đó có các khoản thuế DN bắt buộc phải nộp (bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế môn bài; các khoản đóng góp bảo hiểm bắt buộc; thời gian tiêu tốn cho thủ tục hành chính trong thanh toán thuế, BHXH, số lần nộp trong năm, tỷ suất thuế và BHXH phải trả so với tổng số lợi nhuận ròng.

 

Theo báo cáo “Chỉ số thuận lợi kinh doanh - Doing Business 2014” của WB, tổng các khoản đóng góp về thuế, bảo hiểm bắt buộc/lợi nhuận ròng của Việt Nam là 35,2%. Trong đó thuế 11,5%; bảo hiểm bắt buộc 23,7 %. Mức bình quân của ASEAN 6 là 31%, thấp hơn Việt Nam 4,5%. Tuy nhiên, tỷ suất thuế của Việt Nam thấp hơn nhiều so với ASEAN 6 là 11,5%/20%; còn bảo hiểm bắt buộc của Việt Nam lại cao hơn 2 lần so với ASEAN 6 là 23,7%/11%. Nhưng trong thực tế, tỷ suất thuế của Việt Nam chỉ 11,5, thấp hơn nhiều so với Indonesia là 21,3%; Malaysia 20,7%; Philippines 33,8%; Thái Lan 25,8% và cũng thấp hơn so với  mức bình quân của khu vực OECD là 16,1 %; khu vực East Asia & Pacific là 16,4%.

 

Chỉ số xếp hạng về thuế đã tăng 5 bậc

 

Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự nhập cuộc quyết liệt của các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, BHXH Việt Nam…, môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2016 được tăng 3 bậc: Từ xếp thứ 93 lên 90. Chỉ số chung về thuế tăng 5 bậc, từ 173 lên 168 bậc trong bảng xếp hàng so với báo cáo năm 2014. Theo báo cáo “Chỉ số thuận lợi kinh doanh - Doing Business 2016” của WB, cụ thể, số lần nộp thuế, nộp BHXH giảm từ 32 xuống 30, thời gian nộp thuế và BHXH cũng giảm từ 872 giờ xuống 770 giờ.

 

Mặc dù thuế TNDN đã giảm xuống 20% từ 1/1/2016, nhưng do số liệu công bố khảo sát có độ trễ 2 năm, nên vẫn tính theo thuế suất 22%. Bên cạnh đó  trong những năm qua, doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên tỷ suất lợi nhuận, lãi ròng giảm dẫn đến tăng tỷ suất huy động.

 

Cải cách thủ tục hành chính, giảm giờ nộp thuế, tạo thuận lợi cho DN không chỉ dừng lại ở thể chế thay đổi, quy trình nghiệp vụ thay đổi, mà DN phải được hưởng lợi từ thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như thực hiện nghĩa vụ với  NSNN…

 

Ngày 17/2/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 253/QĐ-TTg  trong đó chỉ đạo phải giảm mạnh thời gian thông quan hàng hóa XK, NK bằng hoặc thấp hơn mức trung bình của các nước ASEAN-4; thời gian nộp thuế không quá 119 giờ/năm và thời gian nộp BHXH bắt buộc không quá 49 giờ/năm; rút ngắn thời gian xin cấp phép xây dựng xuống tối đa không quá 77 ngày; rút ngắn thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản xuống còn không quá 14 ngày; giảm thời gian hoàn thành thủ tục XK xuống còn dưới 10 ngày và thời gian NK xuống còn dưới 12 ngày…

 

Hy vọng rằng các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm đi vào cuộc sống, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN thông qua việc nâng bậc xếp hạng của Việt Nam theo bảng xếp hạng của WB./.

 

Thứ hạng của một quốc gia được đánh giá dựa trên mức trung bình của 10 chỉ số sau:

 

1. Khởi sự DN: Thủ tục pháp lý, thời gian, vốn và giá trị DN cực tiểu theo quy định.

 

2. Đăng ký giấy phép kinh doanh: Thủ tục pháp lý, thời gian và chi phí của việc xác minh & cấp giấy phép kinh doanh.

 

3. Chi phí thuê nhân công & tình trạng khan hiếm lao động: Mức độ khó khăn về giá nhân công và chỉ số mềm dẻo về thỏa ước thời gian lao động.

 

4. Đăng ký quyền sở hữu: Thủ tục, thời gian và chi phí khi đăng ký các tài sản là bất động sản thương mại như đất đai thực.

 

5. Mức tín dụng: Chỉ số hiệu lực của các quy định luật pháp, chỉ số công khai thông tin tín dụng.

 

6. Mức độ bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư: Phạm vi quyền hạn cũng như trách nhiệm pháp lý của người quản lý doanh nghiệp & các đại cổ đông.

 

7. Các khoản thuế DN bắt buộc phải nộp (bao gồm thuế TNDN, thuế môn bài và các khoản đóng góp bảo hiểm bắt buộc: BHXH, BHYT, BHTN), thời gian tiêu tốn cho thủ tục hành chính trong thanh toán thuế, BHXH, số lần nộp trong năm, tỷ suất thuế và BHXH phải trả so với tổng số lợi nhuận ròng.

 

8. Hoạt động thương mại dọc và xuyên biên giới: Số lượng các tài liệu, thủ tục hành chính và thời gian cần thiết để thực hiện cho mỗi thương vụ xuất hoặc nhập khẩu.

 

9. Mức thực thi các hợp đồng: Thủ tục, thời gian & chi phí để bắt buộc hoàn thành một thỏa ước vay nợ.

 

10. Chấm dứt kinh doanh: Thời gian và chi phí khi tuyên bố đóng cửa kinh doanh hoặc phá sản.

 

Theo Bà Nguyễn Thị Cúc