Cải cách thủ tục hành chính thuế và kế toán: Cần có chính sách riêng đối với DN nhỏ và vừa

10/27/2015 08:41:29 AM
(TCT online) - Đó là khuyến nghị của các chuyên gia tại hội thảo cải cách thủ tục hành chính về thuế và kế toán, đánh giá của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do Tổng cục Thuế phối hợp với VCCI và Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) tổ chức vào ngày 23/10 tại Hà Nội.

 

Nhiều cải cách tạo thuận lợi cho DNNVV
 Phó Ban cải cách và hiện đại hóa Tổng cục Thuế Hoàng Thị Lan Anh nhận định, DNNVV hiện nay có vai trò quan trọng trong nền kinh tế đang chuyển đổi của Việt Nam và chiếm phần lớn khối lượng công việc quản lý của cơ quan thuế các cấp. Theo thống kê, trong tổng số 530.000 DN đang hoạt động, nếu xét theo quy mô thì có trên 95% DN có doanh thu dưới 100 tỷ đồng; trên 91,6% DN có doanh thu dưới 50 tỷ đồng, 85,6% DN có doanh thu dưới 20 tỷ đồng và 41,85% DN có doanh thu dưới 1 tỷ đồng. Với mục đích xây dựng chính sách đơn giản, dễ hiểu dễ thực hiện đối với DNNVV, thời gian qua, ngành thuế đã đẩy mạnh cải cách, giảm tần suất kê khai thuế GTGT từ hàng tháng sang hàng quý đối với các DN nhỏ, ban hành ngưỡng chịu thuế GTGT để giảm chi phí hành chính cho DN siêu nhỏ; giảm bớt các chỉ tiêu kê khai về hóa đơn cho phù hợp với việc ghi chép của kế toán DN.Từ 1/1/2015 bỏ quy định DN phải gửi bảng kê hóa đơn hàng hóa dịch vụ mua vào bán ra kèm theo tờ khai thuế GTGT. 
 
 
 
Đối với thuế TNDN, bỏ quy định khống chế 15% đối với chi phí quảng cảo tiếp thị, khuyến mại hoa hồng môi giới, tiếp tân khánh tiết hội nghị; bỏ quy định DN phải khai thuế TNDN tạm nộp hàng quý, do đó DN chỉ phải khai quyết toán thuế DN 1 lần/năm. Các khoản doanh thu và chi phí mang tính chất chênh lệch tạm thời giữa kế toán và thuế như tiêu dùng nội bộ cũng không phải kê khai, nên đã tạo nhiều thuận lợi cho DN. 
 
Nhưng cơ chế chính sách còn phức tạp 
 
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ chế chính sách cho DNNVV đã có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn quá phức tạp, đặc biệt là chế độ kế toán. TS Nguyễn Quốc Thắng - Phó trưởng khoa Kế toán, kiểm toán Đại học Tài chính quản trị kinh doanh cho rằng, Luật DN quy định hộ kinh doanh sử dụng 10 lao động trở lên phải thành lập DN và thực hiện  lập báo cáo tài chính khi kết thúc năm, gửi hồ sơ khai quyết toán thuế cho cơ quan thuế, thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp… mà trước đây hộ kinh doanh không phải thực hiện. Điều này không khác bắt DN nhỏ phải khoác chiếc áo chính sách quá rộng. Như vậy sẽ tạo ra nhiều DN siêu nhỏ theo hình thức pháp lý, chứ không phải là do mong muốn hay năng lực nội tại của người kinh doanh. Việc chấp hành pháp luật về thuế và kế toán đối với các DNNVV sẽ gặp nhiều khó khăn do hầu hết chỉ thuê một kế toán, nhưng làm nhiều việc, hoặc thuê dịch vụ để hoàn thành các báo cáo, tờ khai thuế phục vụ cho mục đích khai, quyết toán thuế và thanh tra, kiểm tra, còn các chi phí thực tế thường để ngoài sổ sách kế toán. Không chỉ có vậy, chế độ kế toán chưa phù hợp đã khiến chi phí tuân thủ của DNNVV tính theo tỷ lệ % trên doanh thu, hay lợi nhuận thường cao hơn rất nhiều so với các DN có quy mô lớn hơn.
Ông Michael Engelschalk - Chuyên gia cao cấp về thuế của WB: 
Chuẩn mực kế toán là một phần quan trọng trong khuôn khổ các quy định minh bạch về thuế, bởi nó sẽ cung cấp thông tin về sở hữu DN; tình hình tài chính cũng như các giao dịch kinh doanh của DN. Tuy nhiên trong thực tế, các quy định về kế toán thuế thường được coi là một nhân tố làm phát sinh chi phí lớn, trong khi do các chuẩn mực kế toán quá phức tạp, gây nguy cơ không được tuân thủ rộng rãi. Tại Việt Nam, hệ thống thuế bước đầu đã có sự phân loại DN theo ba cấp độ là: DN có doanh thu trên 1 tỷ đồng sẽ tuân thủ các quy định thuế GTGT bình thường; DN nhỏ có doanh thu dưới 1 tỷ đồng tuân thủ quy định thuế GTGT đơn giản hóa và hộ kinh doanh (hầu hết là siêu nhỏ) sẽ nộp thuế theo hình thức khoán. Đây là bước khởi đầu tốt để đơn giản hóa chế độ kế toán và thuế. Tuy nhiên, để đơn giản hóa các yêu cầu về kế toán và tạo điều kiện cho các DNNVV của Việt Nam tuân thủ, cần có cơ chế hỗ trợ để các DN có thể hợp tác với các chuyên gia về tư vấn thuế, đại lý thuế và các hiệp hội nghề nghiệp. Đối với cơ quan quản lý, khi nghiên cứu và đơn gian hóa chế độ kế toán cần đảm bảo tính công bằng, minh bạch và phải tuyên truyền cho DNNVV hiểu và thực hiện đúng. 
 
Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế bổ sung, DNNVV ở Việt Nam nhỏ cả về quy mô, lao động, số vốn kinh doanh và doanh thu nên việc đầu tư nguồn nhân lực cho công tác kế toán còn hạn chế. Chính vì vậy, quy định các DN nhỏ phải có bộ máy kế toán riêng là chưa hợp lý. Bởi thực tế hiện nay, phần lớn kế toán của các DN này đều không có chứng chỉ hành nghề làm thủ tục về thuế và kế toán. Những bất cập này sẽ gây tổn thất lớn cho DN, bởi sau mỗi lần bị thanh, kiểm tra sẽ phải nộp các khoản kê khai sai và bị phạt chậm nộp. Các DN không minh bạch về tài chính sẽ không tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng ưu đãi và khó có thể mở rộng được phạm vi kinh doanh. Đối với nền kinh tế, hậu quả dễ nhận thấy là, thất thu thuế và định hướng chiến lược cho khối các DN này sẽ không chuẩn do dựa trên các báo cáo không minh bạch.
 
 Cần có chuẩn mực kế toán riêng cho DN nhỏ
 
 Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, cần một chuẩn mực kế toán riêng cho DN nhỏ và siêu nhỏ dựa trên nguyên tắc kế thừa một cách hợp lý các quy định của hệ thống chuẩn mực kế toán chung đã ban hành. Theo đó chế độ kế toán đối với các DN chỉ gói gọn các vấn đề mang tính phổ biến, đơn giản và khả thi đối với công tác kế toán trong các DN nhỏ. Loại bỏ các vấn đề quá phức tạp không phát sinh ở các DNNVV như báo cáo tài chính hợp nhất, các báo cáo bộ phận. Luật Kế toán sửa đổi bổ sung khi quy định về đơn vị kế toán, tổ chức bộ máy và kế toán trưởng cần phân biệt cách áp dung theo quy mô DN. Về lâu dài, Bộ Tài chính cần tách riêng 2 chế độ kế toán cho DNNVV và DN siêu nhỏ để phù hợp với quy mô, năng lực của từng nhóm, qua đó tiết kiệm chi phí tuân thủ cho DN. 
 
Một số chuyên gia cũng góp ý, để thực hiện mục tiêu đơn giản dễ quản lý, dễ thu và dễ thực hiện ngành thuế tiếp tục nghiên cứu cơ chế chính sách thuế riêng cho DNNVV. Ví dụ như Singapore, các DN có doanh thu dưới 700.000 USD/năm không phải nộp tờ khai thuế GTGT; Indonesia dưới 430.000 USD cũng không phải kê khai nộp thuế GTGT và chỉ phải nộp thuế TNDN theo mức 1% trên doanh thu. Malaysia, Philippines cũng có chính sách thuế riêng đối với DN nhỏ.
 
Các chuyên gia của ngân hàng thế giới cũng cho rằng, cần đơn giản hóa việc ghi chép sổ sách kế toán của các DN nhỏ và siêu nhỏ, nhưng phải quản lý được tốt doanh thu và dòng tiền, dựa trên 4 loại sổ sách cơ bản: đó là sổ nhật ký thu tiền; sổ chi tiền; các khoản chi tiền qua ngân hàng; tổng hợp thu chi. Các khoản mục phải được ghi chép đầy đủ, chính xác, kịp thời theo trình tự hàng ngày. Việc ghi chép phải nhất quán và được lưu trữ trong thời gian dài 5-7 năm. Phải lập báo cáo hàng tháng và hàng năm đối với các giao dịch tiền mặt và phi tiền mặt. Hóa đơn và các chứng từ khác phải được đính kèm báo cáo tổng hợp./.  
Theo Tạp Chí Thuế