Tình huống về hóa đơn chứng từ_Số 2.2020

06/17/2020 09:35:57 AM

Câu 1: Công ty tôi có dịch vụ cho thuê nhà xưởng và thường sẽ thu tiền cho thuê vào đầu kỳ. Công ty xuất hóa đơn cho đơn vị thuê vào mỗi đầu kỳ thanh toán .Vd: kỳ thanh toán 6 tháng thì xuất vào đầu tháng 1 hoặc tháng 7 sau đó đơn vị thuê thanh toán trong kỳ và không trùng với ngày xuất hóa đơn.

Năm 2019, Công ty đã xuất hóa đơn cho kỳ thuê nhà xưởng của kỳ 1-7/2020 vào ngày 31/12/2019 để đơn vị thuê làm thủ tục chuyển khoản vào tháng 1.2020.

Vậy Công ty xuất hóa đơn như vậy có sai hay không và nếu sai thì sẽ phải xử lý như nào?

Phần ghi nhận doanh thu xuất trên hóa đơn của 31.12.2019 được tính cho doanh thu 2019 hay không, nếu không thì sẽ hạch toán như nào?

Trả lời:

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư 39/TT-BTC quy định về thời điểm xuất hoá đơn GTGT khi bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, như sau:

- Ngày lập hóa đơn là ngày hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

- Trường hợp DN cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền.

Theo đó, quý DN xuất hóa đơn trước (vào ngày 31/12/2019) cho kỳ cung cấp dịch vụ cho thuê nhà xưởng trong tương lai  từ tháng 1-> tháng 7 năm 2020 khi chưa thu tiền  là không đúng quy định.

Về thời điểm ghi nhận doanh thu tính thuế TNDN, theo quy định tại khoản 2, Điều 5, Thông tư 78/2014/TT-BTC:

 Đối với hoạt động cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ cho người mua hoặc thời điểm lập hoá đơn cung ứng dịch vụ.

Trường hợp thời điểm lập hoá đơn cung ứng dịch vụ xảy ra trước thời điểm dịch vụ hoàn thành thì thời điểm xác định doanh thu tính thuế được tính theo thời điểm lập hoá đơn cung ứng dịch vụ.

Theo đó, DN phai ghi nhận doanh thu này vào năm 2020.

Về xử phạt do xuất hóa đơn sai thời điểm, tại Khoản 3 Điều 11 Thông tư số 10/2014 về xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn quy định như sau:

“Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

 a) Lập hoá đơn không đúng thời điểm.

Thời điểm lập hoá đơn thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư của Bộ Tài chính về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.

a.1) Phạt cảnh cáo nếu việc lập hoá đơn không đúng thời điểm không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế và có tình tiết giảm nhẹ. Trường hợp không có tình tiết giảm nhẹ thì phạt tiền ở mức tối thiểu của khung hình phạt.”

 

Câu 2: Tại thời điểm cuối năm công ty mua khung bằng khen để tặng nhân viên xuất sắc, tập thể xuất sắc. Bản chất khung bằng khen không mang giá trị về lợi ích kinh tế thì công ty có bắt buộc phải xuất hóa đơn quà tặng hay không?

Trả lời:

Căn cứ quy định khoản 7 và khoản 9 Điều 3 Thông tư 26/2015/TT-BTC thì:

 “Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất).             

 Đối với hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động thì phải lập hoá đơn GTGT (hoặc hoá đơn bán hàng), trên hoá đơn ghi đầy đủ các chỉ tiêu và tính thuế GTGT như hoá đơn xuất bán hàng hoá, dịch vụ cho khách hàng.”         

 Trường hợp doanh nghiệp mua khung bằng khen để tặng bằng khen, giấy khen (không phải là quà tặng) cho người lao động, được xem là hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh, đồng thời khun g bằng khen không phải là sản phẩm hàng hóa công ty sản xuất ra, vì vậy không phải xuất hóa đơn.

 

Câu 3: Xuất hóa đơn điện tử (phát hành theo thông tư 32/2011/TT-BTC) có được đính kèm bảng kê hay không vì trong thời điểm này Thông tư 39/2014/TT-BTC vẫn có hiệu lực?

Trả lời:

Căn cứ quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn:

“1. Hóa đơn điện tử là tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử về bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, được khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ và quản lý bằng phương tiện điện tử. Hóa đơn điện tử phải đáp ứng các nội dung quy định tại Điều 6 Thông tư này...

3. Hóa đơn điện tử có giá trị pháp lý nếu thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:

a) Có sự đảm bảo đủ tin cậy về tính toàn vẹn của thông tin chứa trong hóa đơn điện tử từ khi thông tin được tạo ra ở dạng cuối cùng là hóa đơn điện tử.

Tiêu chí đánh giá tính toàn vẹn là thông tin còn đầy đủ và chưa bị thay đổi, ngoài những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình trao đổi, lưu trữ hoặc hiển thị hóa đơn điện tử.

b) Thông tin chứa trong hóa đơn điện tử có thể truy cập, sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết.”

Theo quy định nêu trên thì trường hợp bán hàng hóa xuất hóa đơn điện tử (phát hành theo thông tư 32/2011/TT-BTC) không được lập bảng kê đính kèm như tại khoản 2 điều 19 Thông tư 39/2014/TT-BTC (vì hóa đơn điện tử không thể hiện trang như hóa đơn giấy) mà phải thực hiện đầy đủ theo đúng quy định.