Tình huống thuế TNCN_Số 9.2020

06/17/2020 09:56:44 AM

Câu 1: Tôi có hộ khẩu tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, MST cá nhân của tôi do Cục thuế TPHCM cấp năm 2012. Nay tôi muốn làm thủ tục hoàn thuế TNCN năm 2019, tôi có phải nộp tờ khai mẫu 08-MST điều chỉnh thông tin dăng ký MST với Chi cục thuế quận Hoàng Mai không? (Vì hiện nay tôi không đi làm cho doanh nghiệp nào cả).

Trả lời:

Căn cứ các điểm c và d, khoản 2, Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC, đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 21 Thông tư số 92/2015/TT-BTC, hướng dẫn như sau:

“c) Nơi nộp hồ sơ khai thuế

c.2) Nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế

c.2.3) Trường hợp cá nhân không ký hợp đồng lao động, hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 (ba) tháng, hoặc ký hợp đồng cung cấp dịch vụ có thu nhập tại một nơi hoặc nhiều nơi đã khấu trừ 10% thì quyết toán thuế tại Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú (nơi thường trú hoặc tạm trú).”

c.2.4) Cá nhân trong năm có thu nhập từ tiền lương, tiền công tại một nơi hoặc nhiều nơi nhưng tại thời điểm quyết toán không làm việc tại tổ chức, cá nhân trả thu nhập nào thì nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế là Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú (nơi thường trú hoặc tạm trú).

Căn cứ theo quy định trên, cá nhân  quyết toán thuế tại Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú (nơi thường trú hoặc tạm trú) là đúng theo quy định, cá nhân không phải nộp tờ khai 08.

 

Câu 2: Công ty tôi có thuê 1 nhà thầu Italia thực hiện hợp đồng xây lắp cho 1 dự án tại Việt Nam (hoạt động xây lắp không bao gồm nguyên vật liệu), nhà thầu này sẽ cử các chuyên gia và người LĐ của họ sang Việt Nam để thực hiện hợp đồng. Xin hỏi tiền lương của những LĐ này do nhà thầu Italia trả khi thực hiện công việc tại Việt Nam có được miễn thuế TNCN theo khoản 2 điều 15 của hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Italia không?

Trả lời:

Theo hướng dẫn tại Điều 30, TT 205/2013/TT-BTC ngày 24 tháng 12 năm 2013 Hướng Dẫn Thực Hiện các Hiệp Định Tránh Đánh Thuế Hai Lần và Ngăn Ngừa Việc Trốn Lậu Thuế Đối với Các Loại Thuế Đánh Vào Thu Nhập Và Tài Sản Giữa Việt Nam với Các Nước Và Vùng Lãnh Thổ Có Hiệu Lực Thi Hành tại Việt Nam

Điều 30. Định nghĩa thu nhập từ dịch vụ cá nhân phụ thuộc

Theo quy định tại Hiệp định, thu nhập từ hoạt động dịch vụ cá nhân phụ thuộc là thu nhập dưới hình thức tiền công do một cá nhân là đối tượng cư trú của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam thu được từ hoạt động làm công tại Việt Nam và ngược lại. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ cá nhân phụ thuộc không bao gồm thu nhập của các cá nhân với tư cách cá nhân hành nghề độc lập (được quy định tại Điều khoản Dịch vụ ngành nghề độc lập), thành viên ban giám đốc doanh nghiệp (được quy định tại Điều khoản Thù lao giám đốc), nghệ sĩ, vận động viên (được quy định tại Điều khoản thu nhập của Nghệ sĩ và vận động viên), nhân viên phục vụ cho Chính phủ nước ngoài (được quy định tại Điều khoản thu nhập từ Phục vụ Chính phủ), và tiền công dưới hình thức tiền lương hưu (được quy định tại Điều khoản Tiền lương hưu).

Và căn cứ quy định tại Điều 15, Hiệp định giữa Chính Phủ nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và Chính Phủ Nước Cộng Hoà I-Ta-Li-A về tránh Đánh Thuế Hai Lần đối với các Loại Thuế Đánh Vào Thu Nhập và Ngăn Ngừa việc Trốn Lậu Thuế:

1. Thể theo các quy định tại Điều 16, 18, 19, 20 và 21 các khoản tiền lương, tiền công, và các khoản tiền thù lao tương tự khác do một đối tượng cư trú của một Nước ký kết thu được từ lao động làm công sẽ chỉ bị đánh thuế tại Nước đó, trừ khi công việc của đối tượng đó được thực hiện tại Nước ký kết kia. Nếu công việc lao động được thực hiện như vậy, số tiền thu được từ lao động đó có thể bị đánh thuế tại Nước kia.

2. Mặc dù có những quy định tại khoản 1, tiền công do một đối tượng cư trú của một Nước ký kết thu được từ lao động làm công tại Nước ký kết kia sẽ chỉ bị đánh thuế tại Nước thứ nhất nếu:

a. Người nhận tiền hiện có mặt tại Nước kia trong một thời gian hoặc nhiều thời gian gộp lại không quá 183 ngày trong năm tài chính có liên quan, và

b. Chủ lao động hay đối tượng đại diện chủ lao động trả tiền công lao động không phải là đối tượng cư trú tại Nước kia, và

c. Số tiền công không phải phát sinh tại một cơ sở thường trú hoặc một cơ sở cố định mà người chủ lao động có tại Nước kia trả.

Theo đó, chuyên gia và NLĐ Ý làm việc tại Việt Nam trong một thời gian hoặc nhiều thời gian gộp lại không quá 183 ngày trong năm tài chính mà quý HV hỏi, và Nhà thầu Ý không phải là đối tượng cư trú tại Việt Nam (tức không thành lập công ty theo Luật VN) và số tiền lương không phải phát sinh tại một cơ sở thường trú hoặc một cơ sở cố định mà Nhà thầu Y có tại Việt Nam trả thì các lao động này mới được miễn thuế TNCN.