Tập trung chống thất thu thuế ở những lĩnh vực rủi ro cao

05/26/2023 09:33:13 AM

(TBTCO) - Tăng cường quản lý thuế, tập trung thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế đối với các lĩnh vực, nội dung có rủi ro cao như: thương mại điện tử và kinh doanh trên các nền tảng số; hoàn thuế; chuyển giá; chuyển nhượng bất động sản; mua bán, sử dụng hoá đơn bất hợp pháp; hợp thức hoá hàng nhập lậu, trốn thuế... là những nhiệm vụ trọng tâm Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính yêu cầu ngành Thuế triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Kiểm soát chặt chẽ hoạt động của người nộp thuế

Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính vừa có văn bản giao Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Thanh tra Bộ Tài chính triển khai các biện pháp vừa đảm bảo tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, vừa đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế nhằm duy trì ổn định để phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Thuế tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động của người nộp thuế, quản lý chặt chẽ hoạt động sử dụng hoá đơn giá trị gia tăng (GTGT); tăng cường quản lý thuế, tập trung thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế đối với các lĩnh vực, nội dung có rủi ro cao như: thương mại điện tử (TMĐT) và kinh doanh trên các nền tảng số; hoàn thuế; chuyển giá; chuyển nhượng bất động sản; chuyển nhượng vốn; mua bán, sử dụng hoá đơn bất hợp pháp; hợp thức hoá hàng nhập lậu, trốn thuế...

Cùng với đó, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính chỉ đạo ngành Thuế đẩy mạnh công tác phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng trong quản lý thuế, đặc biệt là cơ quan hải quan, quản lý thị trường để xác minh nguồn gốc hàng hoá, nắm bắt, trao đổi thông tin về các thủ đoạn gian lận đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu trốn thuế, gian lận hoàn thuế GTGT...

Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính cũng yêu cầu Tổng cục Thuế tăng cường phối hợp với cơ quan công an để thực hiện xác minh thủ đoạn gian lận đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu trốn thuế, gian lận hoàn thuế GTGT....; các giao dịch kinh tế phát sinh; phối hợp với các ngân hàng để xác minh việc thanh toán qua ngân hàng các giao dịch đáng ngờ...

52 nhà cung cấp nước ngoài khai, nộp 7.250 tỷ đồng tiền thuế

Thông tin về kết quả công tác quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử, Tổng cục Thuế cho biết, từ khi vận hành Cổng thông tin điện tử (TTĐT) xuyên biên giới dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN), đến nay đã có 52 NCCNN đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng TTĐT đến từ nhiều quốc gia như Hoa Kỳ; Hà Lan; Hàn Quốc; Singapore; Hong Kong; Ireland; Lithuania; Thụy Sĩ; Úc; Anh...

Tổng số thuế các NCCNN đã nộp ngân sách nhà nước là 7.250 tỷ đồng. Riêng năm 2022, các NCCNN đã nộp 3.478 tỷ đồng, trong đó: có 1.850 tỷ đồng các NCCNN khai - nộp trực tiếp qua Cổng TTĐT của Tổng cục Thuế và 1.628 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ, nộp thay; năm 2023, các NCCNN đã nộp 3.772 tỷ đồng, trong đó: có 3.254 tỷ đồng các NCCNN khai - nộp trực tiếp qua Cổng TTĐT của Tổng cục Thuế và 518 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ, nộp thay.

Cũng tính đến 28/4/2023, ngành Thuế đã đôn đốc 5 NCCNN (Blizzard Entertainment Inc, The Chancellor, Masters, and Scholars of the University of Cambridge, Tradingview, Inc Udemy, Inc, Traveloka Services Pte.Ltd) nộp bổ sung số thuế của quý I và quý IV năm 2022 là 14 tỷ đồng.

Thông tin về kết quả triển khai Cổng tiếp nhận thông tin TMĐT, Tổng cục Thuế cho biết, ngày 6/9/2022, Tổng cục Thuế được Bộ Tài chính phê duyệt chủ trương xây dựng Cổng dữ liệu thông tin TMĐT để tiếp nhận dữ liệu từ các sàn giao dịch TMĐT.

Theo đó, Tổng cục Thuế đã tổ chức kiểm thử ứng dụng Cổng tiếp nhận thông tin TMĐT với sự tham gia của Cục Thanh tra - kiểm tra, Ban Quản lý rủi ro (Tổng cục Thuế), Cục Thuế TP. Hà Nội, 2 sàn TMĐT (Voso, Tiki) và hoàn thiện ứng dụng sau kiểm thử.

Đến ngày 24/10/2022, Tổng cục Thuế đã triển khai chính thức “Cổng dữ liệu thông tin TMĐT” trên môi trường vận hành đảm bảo yêu cầu tiếp nhận thông tin tổng hợp của tổ chức, cá nhân kinh doanh qua sàn TMĐT trong trường hợp sàn TMĐT chưa thực hiện khai thuế thay cho cá nhân.

Ngành Thuế tiếp tục rà soát các nhà cung cấp nước ngoài kê khai, nộp thuế

Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành giao Cục Thuế doanh nghiệp lớn và toàn ngành Thuế tiếp tục tổ chức quản lý thuế hiệu quả đối với các nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) như: rà soát, xây dựng danh sách, đôn đốc các NCCNN chưa thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của Tổng cục Thuế; kịp thời giải quyết các vướng mắc để NCCNN thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định; nghiên cứu, phân tích yêu cầu nghiệp vụ, đề xuất các nội dung nâng cấp Cổng TTĐT dành cho NCCNN để triển khai thực hiện.

Ngày 15/12/2022, Tổng cục Thuế đã chính thức công bố triển khai Cổng tiếp nhận thông tin TMĐT. Đến nay, hệ thống vận hành ổn định đảm bảo tiếp nhận dữ liệu kê khai từ các sàn gửi cơ quan thuế, tính đến hết ngày 17/4/2023 đã có 304 tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin qua cổng, với 347 lượt nộp hồ sơ. Trong các sàn TMĐT cung cấp thông tin có một số sàn chiếm thị phần lớn như: Shopee, Lazada, Sendo, Voso…

Theo dữ liệu thống kê từ Cổng thông tin TMĐT thì cơ quan thuế đã có được danh sách của 146.967 cá nhân và 31.635 tổ chức đăng ký bán hàng trên sàn, với 50,2 triệu lượt giao dịch với tổng giá trị giao dịch là 15.231 tỷ đồng.

Trong bối cảnh nguồn thu đang sụt giảm, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế được gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, qua đó nuôi dưỡng nguồn thu, ngành Thuế cũng chú trọng thực hiện có hiệu quả kế hoạch thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách để bù đắp nguồn thu sụt giảm.

Giao nhiệm vụ cho toàn ngành Thuế tại hội nghị đánh giá kết quả thu ngân sách 4 tháng đầu năm, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành yêu cầu, để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách, bên cạnh việc tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, toàn ngành cần phân tích chính xác tình hình, nhận diện rủi ro, chủ động xây dựng giải pháp điều hành, quản lý thu ngân sách nhà nước.

99,5% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử

Theo số liệu thống kê, hiện hệ thống khai thuế điện tử tiếp tục được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc với 99,5% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử. Số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận từ ngày 1/1/2023 đến ngày 17/4/2023 là 7.173.995 hồ sơ.

Về nộp thuế điện tử, từ ngày 1/1/2023 đến ngày 17/4/2023, có 98,6% doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế. Về hoàn thuế điện tử, tính từ ngày 1/1/2023 đến 20/4/2023, tổng số doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử là 3.855 trên tổng số 3.874 doanh nghiệp hoàn thuế, đạt tỷ lệ 99%. Số hồ sơ tiếp nhận hoàn điện tử là 5.347 hồ sơ trên tổng số 5.369 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99%. Tổng số hồ sơ hệ thống đã giải quyết hoàn điện tử là 4.787 hồ sơ với tổng số tiền đã giải quyết hoàn là hơn 33.551 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, số tài khoản dịch vụ thuế điện tử dành cho cá nhân đã đăng ký từ khi triển khai đến 17/4/2023 là 1.976.485 tài khoản. Trong đó, số tài khoản đăng ký mới từ ngày 1/1/2023 đến ngày 17/4/2023 là 282.471 tài khoản.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế đã hoàn thành triển khai khai thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê tài sản (trong đó có hoạt động cho thuê nhà) tại 63 cục thuế và các chi cục thuế trực thuộc. Số tờ khai điện tử đã gửi cơ quan thuế từ ngày 1/1/2023 đến 17/4/2023 là 3.564 tờ khai. Số lượng tờ khai điện tử dịch vụ khai lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy từ ngày 1/1/2023 đến ngày 17/4/2023 là 132.547 tờ khai trên tổng số 1.264.077 hồ sơ, đạt tỷ lệ 10,49%.

Tính từ ngày 1/1/2023 đến 17/4/2023 đã có 485.640 giao dịch nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy trên cả nước qua hình thức IBanking và Mobile Banking.

Văn Tuấn

thoibaotaichinhvietnam.vn