Sửa Luật Thuế xuất nhập khẩu tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh

09/28/2015 03:25:33 PM
(TCT online) - Dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào ngày 21/9 đã nhận được nhiều quan điểm đồng tình, nhất là khi nội dung dự thảo đã đảm bảo cải cách thủ tục hành chính thuế, tạo điều kiện cho DN, nhà đầu tư phát triển SXKD

 

 
 
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế ( Bộ Tài chính) cho biết quan điểm chỉ đạo của Bộ Tài chính là nhất quán, theo đó bất kỳ văn bản nào liên quan tới việc xây dựng văn bản pháp luật, ngoài đảm bảo tính khả thi cũng phải đáp ứng các yêu cầu về cải cách hành chính, dễ hiểu, dễ làm, dễ áp dụng. Còn việc tác động tăng hay giảm thu ngân sách khi luật có hiệu lực hiện đang tiếp tục được nghiên cứu thêm, sau khi có ý kiến của các cơ quan thẩm định của Quốc hội.
 
Theo tờ trình của Chính phủ, dự luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sửa đổi không gây tác động, thay đổi nhiều đến kim ngạch xuất nhập khẩu, tỷ lệ, cơ cấu hàng hóa vào ra, cho nên số thu NSNN từ lĩnh vực này cũng ít bị biến động. Trong nhiều nội dung sửa đổi, có thể có qui định làm giảm thu ngân sách cho phù hợp với thực tiễn kinh tế xã hội trong nước, cũng như những cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, song cũng có nhiều nội dung có thể  tạo nên địa dư để  tăng thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
 
Dự kiến khi được áp dụng từ 1/7/2016, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sửa đổi sẽ tăng thu 1.200 tỷ đồng, bao gồm những hàng hóa không còn miễn thuế hay áp dụng mức thuế cao hơn. Ngược lại, số hụt thu khoảng 800 tỷ đồng xuất phát từ các quy định mới, như miễn thuế cho hàng hóa tạm nhập, miễn thuế tạo tài sản cố định đối với dự án có quy mô vốn lớn, trên 6.000 tỷ đồng; miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa có điều kiện sản xuất được, buộc phải nhập khẩu để đầu tư, xây dựng, sản xuất thuộc các dự án công nghệ cao hay DN chuyên về nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ…
 
Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ, trong thời gian tới, số thu từ thuế xuất nhập khẩu sẽ giảm dần khi nước ta đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, về thuế quan với các nước trong khu vực và nhiều nước trên thế giới. Theo tính toán, mức độ hụt thu trung bình hằng năm, từ năm 2016 - 2025 khoảng 1.700 tỷ đồng, tương đương 77 triệu USD. Ngoài ra, dự báo tác động giảm thu gián tiếp do chuyển hướng thương mại, tức các nhà nhập khẩu thay thế hàng hóa nhập từ các nước ngoài FTA chuyển sang nhập từ các nước thành viên để được hưởng ưu đãi về thuế sẽ khiến nguồn thu thuế nhập khẩu giảm. Theo tính toán, giai đoạn 2016 - 2025 mỗi năm hụt thu khoảng 11.100 tỷ đồng từ tác động này.
 
Trước những dự báo sẽ hụt thu ngân sách từ hoạt động nhập khẩu trong tương lai, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đề nghị Chính phủ cần đánh giá một cách tổng thể chính sách thuế, khả năng bù đắp số hụt thu do sửa đổi Luật Thuế xuất nhập khẩu từ các phương án khả thi khác, nhằm bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Thực tế thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách miễn, giảm thuế cho người dân và DN nhằm tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế, thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Vậy nên, khi áp dụng dự luật này nguồn thu tiếp tục giảm sẽ ảnh hưởng chung tới nhu cầu chi, nhất là chi cho đầu tư phát triển. 
 
Phát biểu chỉ đạo về hướng hoàn thiện dự Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, cần đánh giá xem lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và ngành cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ chịu sự tác động tiêu cực và tích cực ra sao khi dự luật có hiệu lực, bởi các ngành này luôn cần tạo điều kiện phát triển khi hội nhập kinh tế sâu rộng. Tương tự, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai lưu ý, việc sửa đổi Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý thống nhất để khuyến khích phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu, bảo hộ hợp lý, có điều kiện, có chọn lọc, phù hợp với tiến trình hội nhập. Tuy nhiên, đối với một số ngành như chăn nuôi sẽ phải đối mặt với những khó khăn, do vậy cần phải tính toán kỹ lưỡng để có giải pháp phù hợp, trong đó chính sách thuế xuất nhập khẩu về sản phẩm thuộc lĩnh vực này giữ vai trò quan trọng.
 
Nhìn nhận một cách tổng thể, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để có chung nhận định, khi nước ta giảm thuế thì nhiều nước cũng giảm theo cam kết, lộ trình  chung, mang tính tất yếu, khách quan. Điều này sẽ tạo môi trường thuận lợi cho nhiều DN trong nước có khả năng SXKD, xuất khẩu, hội nhập, từ đây cũng tạo nhiều nguồn thu cho NSNN, phát triển kinh tế xã hội, đây là hai mặt của một vấn đề, nên cần có cách nhìn toàn diện n 
 
Trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hiện hành qua 10 năm áp dụng  đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc, nhất là một số nội dung quy định tại Luật không còn phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật nói chung và một số luật liên quan như Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường và thực tiễn xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa những năm gần đây. Dự thảo Luật Thuế xuất, nhập khẩu sửa đổi gồm 22 Điều, 5 Chương.
Theo Tạp Chí Thuế