Việt Nam đã triển khai hiệu quả các hoạt động quản lý thuế

06/30/2020 09:16:01 AM
Đây là nhận định tổng quan của đoàn công tác Ngân hàng Thế giới (WB) trong chuyến làm việc với Tổng cục Thuế về đánh giá hiệu quả hoạt động cải cách, từ đó đưa ra những khuyến nghị trong xây dựng Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch cải cách giai đoạn 2021-2025.

 

 

Trên cơ sở dữ liệu do Tổng cục Thuế cung cấp, đoàn công tác đã sử dụng công cụ xây dựng định hướng thực hiện và giám sát hoạt động (DIAMOND). Đây là phương pháp có tính chất hệ thống, khoa học, dựa trên bằng chứng thực tế để đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý thuế, qua đó cung cấp một bức tranh chi tiết, nhằm giám sát các hoạt động cải cách. Phương pháp này bao gồm 230 chỉ số đánh giá, được nhóm theo 12 lĩnh vực hoạt động của công tác quản lý thuế và 14 khía cạnh chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020.

Kết quả báo cáo đánh giá cho thấy, trong giai đoạn vừa qua, Tổng cục Thuế đã triển khai một khối lượng lớn và toàn diện các nội dung cải cách quản lý thuế theo các thông lệ quốc tế tốt nhất và nhiều lĩnh vực đã đạt mức triển vọng cao. Cụ thể, những điểm mạnh trong quản lý mà ngành thuế Việt Nam đã thực hiện được trong thời gian qua gồm kiểm tra nội bộ, công nghệ thông tin, thuế quốc tế, quản lý thu nợ. Cùng với đó, nhiều lĩnh vực hoạt động khác của Tổng cục Thuế đều đạt những điểm tốt nhất định. Đặc biệt, bản báo cáo đánh giá, thông qua việc Tổng cục Thuế xây dựng và thực hiện tốt nội dung kế hoạch chiến lược cải cách hệ thống thuế liên tục trong nhiều năm, Việt Nam đã thiết lập được một nền tảng pháp lý thể chế chính sách vững chắc, bao gồm cả các quy định về thuế quốc tế. Tổng cục Thuế cũng đã nỗ lực để kiện toàn các chức năng cơ bản của quản lý thuế, đồng thời, đã có những bước tiến đáng kể trong việc cải thiện tính chính xác và độ tin cậy của cơ sở dữ liệu đăng ký thuế. Ngoài ra, bằng nhiều nỗ lực cải cách và cung cấp nhiều dịch vụ thuế điện tử, một số lượng lớn người nộp thuế đã được tiếp cận và sử dụng các tiện ích tốt nhất về thuế (đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử) nên thuận lợi và dễ dàng trong thực hiện nghĩa vụ thuế.

Một trong những lĩnh vực hoạt động nhận được sự đánh giá cao của đoàn công tác là kiểm tra nội bộ. Bản báo cáo đánh giá, các quy định và thực tiễn mà ngành thuế đang triển khai phù hợp với thông lệ quốc tế, có bộ phận kiểm tra nội bộ thực hiện nhiệm vụ độc lập và chuyên nghiệp. Ngoài ra, Tổng cục Thuế đã triển khai chiến lược phòng chống tham nhũng được xây dựng từ năm 2017, nhằm bảo đảm sự liêm chính của hệ thống. Bên cạnh đó, bộ phận kiểm tra nội bộ cũng có cơ chế bảo đảm mọi đơn vị trong hệ thống thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả theo các quy định của pháp luật. Bộ phận này chịu trách nhiệm xử lý khiếu nại từ người nộp thuế cũng như cán bộ thuế với quy định, chế tài cụ thể đối với từng trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, có một hệ thống công nghệ thông tin chuyên biệt hỗ trợ công tác kiểm tra nội bộ ở mọi cấp quản lý thuế. Quan trọng hơn, ngành thuế đã chủ động thực thi các khuyến nghị được đề xuất sau các hoạt động kiểm tra nội bộ. Đơn cử, trong năm 2019, có tổng số 83 khuyến nghị từ các hoạt động kiểm tra nội bộ đã được thực hiện và có kết quả báo cáo ngay trong năm. 

Cạnh đó, lĩnh vực công nghệ thông tin cũng nhận được đánh giá tốt. Theo báo cáo, ngành thuế đã tiếp cận sự phát triển nhanh chóng của công nghệ để ứng dụng vào quản lý hệ thống thuế hiệu quả. Chi phí tiếp cận công nghệ ngày càng giảm, giúp giảm chi phí quản trị, xử lý dữ liệu tốt hơn và thông tin chính xác, đáng tin cậy hơn. Về phía người nộp thuế, một loạt các dịch vụ điện tử được cung cấp đã có tác động đáng kể đến việc giảm gánh nặng tuân thủ thuế. Theo báo cáo, cổng thông tin của Tổng cục Thuế đang cung cấp một bộ dịch vụ điện tử tốt dành cho người nộp thuế. Tổng cục Thuế có các mô-đun hoạt động đầy đủ và một số giao dịch quản lý thuế cốt lõi được xử lý theo phương thức điện tử như đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, truy cập thông tin thuế cùng nhiều dịch vụ khác.

Trong đánh giá về hiệu quả của hoạt động quản lý thu nợ, báo cáo cho biết, cùng với việc Luật Quản lý thuế trao đầy đủ thẩm quyền cho Tổng cục Thuế trong việc cưỡng chế thu nợ, Việt Nam đã xây dựng khá đầy đủ cơ chế và quy định để thực hiện tốt công tác quản lý thu nợ, như có hệ thống thông tin tự động để quản lý thu nợ và cho nộp dần tiền thuế; nợ thuế của người nộp thuế được phân loại theo tuổi và quy mô; xây dựng cách tính lãi và tiền phạt đối với nợ thuế theo quy định của pháp luật; có phương thức xử lý cụ thể với mọi khoản nợ thuế trong vòng dưới 30 ngày kể từ khi kết thúc thời hạn nộp thuế, do đó tỷ lệ nợ thuế trên tổng số thu ở mức thấp. 

Liên quan đến công tác quản lý thu, một số điểm mạnh trong thực tiễn đã được báo cáo ghi nhận, như xây dựng dữ liệu người nộp thuế dựa trên mã số đăng ký thuế duy nhất; có quy trình kiểm soát, nhằm tránh tình trạng người nộp thuế có nhiều hơn một mã số thuế; thực hiện kê khai và nộp thuế điện tử với gần 100% người nộp thuế là DN; cơ quan thuế áp dụng nguyên tắc người nộp thuế tự khai tự nộp nghĩa vụ thuế. Đồng thời, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin để tích hợp thông tin dữ liệu về người nộp thuế. Đối với thuế quốc tế, báo cáo nhận định, việc Việt Nam trở thành thành viên thứ 100 của Diễn đàn hợp tác thực hiện các giải pháp chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận từ năm 2017, tham gia các hiệp định thuế quốc tế với gần 80 quốc gia và nền kinh tế; đồng thời xây dựng được khung khổ pháp lý phù hợp…, sẽ tiếp tục củng cố năng lực quản lý thuế quốc tế của Tổng cục Thuế.

Bên cạnh những nhận định, đánh giá về thực tiễn tốt trong quản lý thuế, báo cáo của WB cũng nêu ra những cơ hội cải cách trong các lĩnh vực như thanh tra, quản lý nhân sự, hợp tác với các bên liên quan và lập kế hoạch chiến lược. Từ những khuyến nghị của WB, trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tập trung xây dựng chương trình cải thiện tuân thủ hàng năm và các kế hoạch hoạt động chi tiết, nhằm cụ thể hóa việc thực hiện chiến lược cải cách quản lý thuế. Đồng thời, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng chiến lược hoạch định nhân lực, xác định những thay đổi cần thiết trong công tác nhân sự để vận hành các quy trình nghiệp vụ mới trên cơ sở ứng dụng thông nghệ thông tin, dịch vụ thuế điện tử; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật phù hợp với thực tiễn và tiệm cận với những thông lệ tốt trên thế giới. Đặc biệt, chú trọng hướng tới các giải pháp đo lường và đánh giá kết quả hoạt động quản lý thuế để ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả.

Đặng Ngọc Minh-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

 

Theo Tạp chí Thuế