Sẽ có bộ phận chuyên thanh tra, kiểm tra thuế thương mại điện tử

04/12/2021 09:44:12 AM
Trao đổi với phóng viên TBTCO sau khi Vụ Thanh tra kiểm tra thuế được nâng cấp thành cục theo Quyết định số 15/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ông Vũ Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Thanh tra kiểm tra thuế cho biết, sẽ có bộ phận chuyên thanh tra kiểm tra thương mại điện tử.

 

 
cục thuế hà nội
Đoàn liên ngành của Hà Nội (trong đó có cơ quan thuế) kiểm tra tem niêm phong tại cột bơm xăng trên địa bàn. Ảnh: Nhật Minh.
 

PV: Thưa ông, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 15/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg nâng cấp Vụ Thanh tra kiểm tra thuế thành Cục Thanh tra kiểm tra thuế, thuộc Tổng cục Thuế. Xin ông cho biết vì sao Tổng cục Thuế lại đề nghị nâng cấp như vậy?

- Ông Vũ Mạnh Cường: Hiện nay, Vụ Thanh tra kiểm tra thuế đảm nhiệm 2 chức năng chính là thanh tra thuế và kiểm tra thuế. Bên cạnh đó còn thực hiện các nhiệm vụ khác như: tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục Thuế giải quyết khiếu nại, tố cáo, giám định về thuế; tiếp nhận và xử lý thông tin giao dịch đáng ngờ, thông tin truyền thông phản ánh về hành vi trốn thuế, thông tin, kết luận của Kiểm toán Nhà nước, của Thanh tra Chính phủ…

Chức năng kiểm tra thuế là chức năng trọng yếu, thường xuyên trong triển khai công tác của Vụ Thanh tra kiểm tra thuế. Hàng năm, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc giám sát sự tuân thủ của người nộp thuế, ngành Thuế đã thực hiện hàng nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật thuế.

 
 
Cục Thanh tra kiểm tra thuế sẽ có bộ phận chuyên thanh tra kiểm tra thương mại điện tử...
ông vũ mạnh cường

Ông Vũ Mạnh Cường

 

Trong bối cảnh số lượng đối tượng quản lý thuế rất lớn với khoảng 800.000 doanh nghiệp, 1,8 triệu hộ và trên 10 triệu cá nhân, Tổng cục Thuế phân bổ nguồn lực chủ yếu cho chức năng kiểm tra thuế, với tỷ trọng chiếm 18,5% số lượng doanh nghiệp quản lý thuế, chỉ còn khoảng 1% số lượng doanh nghiệp là tiến hành thanh tra.

Từ thực tế trên cho thấy, việc nâng cấp Vụ Thanh tra kiểm tra thuế thành Cục Thanh tra kiểm tra thuế là cần thiết. Với việc thay đổi này, Cục Thanh tra kiểm tra thuế là một đơn vị được giao chức năng thanh tra kiểm tra chuyên ngành tài chính, không phải là thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành độc lập. Mục đích của việc nâng cấp từ cấp vụ thành cục nhằm tăng hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra thuế, kiểm tra thuế.

Điều này cũng đáp ứng các yêu cầu thực tiễn về chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa ngày càng tăng trong điều kiện nền kinh tế ngày càng phát triển và hội nhập sâu rộng.

Theo quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc chuyển từ Vụ Thanh tra kiểm tra thuế thành Cục Thanh tra kiểm tra thuế thuộc Tổng cục Thuế không hình thành đơn vị mới. Cục Thanh tra kiểm tra thuế hoạt động theo Luật Thanh tra, Luật Quản lý thuế và Nghị định số 101/2020/NĐ-CP.

PV: Hiện nay lực lượng cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra khá mỏng so với số doanh nghiệp mà ngành Thuế đang quản lý. Ngoài ra, theo yêu cầu của Bộ Tài chính thì mỗi năm phải thanh tra, kiểm tra ít nhất 19,5% số doanh nghiệp mà cơ quan thuế đang quản lý. Việc nâng cấp từ cấp vụ thành cấp cục liệu có đảm bảo được yêu cầu, nhiệm vụ mới không, thưa ông?

- Ông Vũ Mạnh Cường: Như tôi đã nói trên, đội ngũ thanh tra, kiểm tra thuế hiện nay rất mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Việc thanh tra, kiểm tra hết người nộp thuế đang quản lý thuế là không thể. Do đó, cơ quan thuế đã áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế từ khâu lập kế hoạch đến thực hiện thanh tra, kiểm tra.

Việc lập kế hoạch theo quản lý rủi ro đã đáp ứng kế hoạch hàng năm được Quốc hội, Chính phủ giao chỉ tiêu, nhiệm vụ phải thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế là khoảng 19,5% số lượng doanh nghiệp được quản lý thuế, tương ứng gần 100.000 doanh nghiệp.

Dù có thanh tra, kiểm tra khoảng 19,5% doanh nghiệp thì cũng phải từ 5 - 10 năm mới quay vòng thanh tra, kiểm tra thuế đối với một doanh nghiệp thông thường. Do đó, tôi cho rằng để việc quay vòng diễn ra nhanh hơn, với nhân lực hiện có thì phải áp dụng công nghệ thông tin để phân tích rủi ro mới có thể phát hiện kịp thời các đối tượng gian lận trốn thuế. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế giảm thời gian làm việc với cơ quan thuế.

Ngoài ra, thực tế hiện nay ngành Thuế đang áp dụng tỷ lệ phân bổ kế hoạch kiểm tra nhiều hơn thanh tra (thanh tra chỉ chiếm khoảng 1%, còn lại là kiểm tra chiếm khoảng 18,5%). Số cuộc kiểm tra chiếm tỷ lệ lớn là do thời gian kiểm tra ngắn hơn thời gian thanh tra (thường bằng một phần ba thời gian thanh tra).

Như vậy, giải pháp phân bổ tỷ lệ phù hợp giữa thanh tra và kiểm tra thuế là phù hợp và có tính thực tế cao. Nói cách khác, việc nâng cấp Vụ Thanh tra kiểm tra thuế thành Cục Thanh tra kiểm tra thuế góp phần nâng cao hiệu quả kiểm soát các hành vi vi phạm về thuế của người nộp thuế.

PV: Sau khi chuyển Vụ Thanh tra kiểm tra thuế thành Cục Thanh tra kiểm tra thuế thì chức năng, nhiệm vụ thay đổi như thế nào, thưa ông?

- Ông Vũ Mạnh Cường: Cơ cấu tổ chức của Cục Thanh tra kiểm tra thuế sẽ được tổ chức gọn nhẹ, cơ cấu thành các phòng nghiệp vụ thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra thuế đối với người nộp thuế; thanh tra giải quyết tố cáo về hành vi trốn thuế, gian lận thuế của người nộp thuế trong phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục Thuế; hướng dẫn, chỉ đạo hệ thống công tác thanh tra kiểm tra của toàn ngành Thuế; thực hiện phối hợp với các cơ quan chức năng như: Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước... liên quan đến công tác thanh tra kiểm tra thuế.

Mỗi đơn vị nghiệp vụ được giao một số nhiệm vụ cụ thể để thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ được giao. Theo dự kiến, Cục Thanh tra kiểm tra thuế sẽ có các bộ phận chuyên trách như: thanh tra kiểm tra tổng hợp; thanh tra kiểm tra thương mại điện tử; thanh tra kiểm tra giá chuyển nhượng; thanh tra kiểm tra, giải quyết tố cáo, giám định về thuế và xử lý sau thanh tra kiểm tra; thanh tra kiểm tra giám sát trọng điểm doanh nghiệp rủi ro.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Theo Thời báo Tài chính