Đề xuất sửa luật thuế thu nhập cá nhân

07/16/2025 10:38:58 AM

VTV.vn - Cùng với sự lạc hậu không còn phù hợp với thực tế, chính sách thuế thu nhập cá nhân hiện còn bộc lộ nhiều bất cập khác.

 

Luật thuế thu nhập cá nhân đã lạc hậu

Mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân hiện là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/người/tháng đã bộc lộ lạc hậu, không theo kịp mức sống và lạm phát. Luật chưa bao quát đầy đủ các nguồn thu nhập mới như tài sản số, đầu tư tài chính, mô hình kinh doanh mới... Đây là một vài bất cập đang bộc lộ của Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành, đòi hỏi sớm sửa đổi, bổ sung để có chính sách thuế thu nhập cá nhân minh bạch, phù hợp hơn, góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân.

Anh Hưng là chuyên viên công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước, còn vợ anh làm nhân viên văn phòng tại một công ty tư nhân. Anh chị có một con trai 4 tuổi, đang học tại một trường mầm non ngoài công lập với mức học phí gần 6 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng quyết định đăng ký giảm trừ gia cảnh cho con theo bố.

Anh Nguyễn Quang Hưng - Phường Hoàng Mai, TP. Hà Nội cho biết: "Mức giảm trừ gia cảnh như vậy chỉ được khoảng gần 50% cho tất cả chi phí dành cho em bé trong một tháng".

Mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân hiện là 11 triệu đồng/tháng, với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng đã được duy trì từ năm 2020. Trong khi 5 năm qua, nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều tăng, thậm chí có hàng hóa thiết yếu tăng nhanh hơn thu nhập. Vì vậy, với anh Hưng chị Dung, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với thực tế chi tiêu.

Chị Trần Thùy Dung - Phường Hoàng Mai, TP. Hà Nội chia sẻ: "Mức giảm trừ gia cảnh áp dụng chung cho cả nước hơi bất tiện. Bởi vì, mức sống ở Thành phố với nông thôn khác nhau. Vài năm trở lại đây, mức sinh hoạt phí tăng lên tương đối như thực phẩm ngoài chợ, thịt cá tăng rất nhiều so với thời điểm một hai năm trước đây".

Các chi phí sinh hoạt hàng ngày, chi phí tiêu dùng tăng không ngừng, trong khi mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân và người phụ thuộc vẫn cố định. Sự bất hợp lý này gây thiệt thòi cho người dân. Mức giảm trừ hiện tại đã lạc hậu quá lâu so với tốc độ phát triển của nền kinh tế và mức sống của người dân.

Bất cập thuế thu nhập cá nhân

Cùng với sự lạc hậu không còn phù hợp với thực tế, chính sách thuế thu nhập cá nhân hiện còn bộc lộ nhiều bất cập khác. Điển hình là lương cơ sở đã tăng hơn 57% nhưng mức giảm trừ gia cảnh vẫn giữ nguyên, biểu thuế có quá nhiều bậc và khoảng cách giữa các bậc quá hẹp. Đặc biệt, quy định khi chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 20% mới điều chỉnh cũng không còn phù hợp.

Mức giảm trừ gia cảnh thực hiện theo Luật Thuế thu nhập cá nhân được áp dụng từ tháng 1/2009, đến nay đã trải qua ba lần sửa đổi. Cụ thể năm 2009, mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân là 4 triệu/tháng, 1,6 triệu với mỗi người phụ thuộc, năm 2013 và 2020 điều chỉnh tăng lên lần lượt là 9 triệu và 11 triệu với mỗi cá nhân và 3,6 triệu và 4,4 triệu với mỗi người phụ thuộc mỗi tháng. Và theo luật hiện hành, mức này sẽ được đề xuất điều chỉnh khi chỉ số CPI tăng 20%. Dù vậy, quy định này đã lạc hậu.

PGS.TS. Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính nêu ý kiến: "Lạc hậu là bởi vì chúng ta xác định CPI là chỉ xác nhận một rổ hàng hóa trong số rất nhiều hàng hóa. Trong đó, cuộc sống lại có rất nhiều thứ hàng hóa, có những hàng hóa ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nhưng không nằm trong rổ CPI thì lại không được phản ánh".

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam nhận định: "Từ năm 2020 đến nay là 5 năm, chắc chỉ số giá cả thị trường đã biến động trên 20 %. Cho nên, theo quy định của luật hiện hành, việc điều chỉnh để nâng mức giảm trừ gia cảnh lên là hoàn toàn phù hợp. Và hiện nay, so với thế giới và so với khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang có mức giảm trừ gia cảnh cao nhất so với thu nhập bình quân đầu người của các nước khác".

Năm 2020, mức lương cơ sở ở mức 1,49 triệu đồng một tháng. Hiện nay, khi lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng nhưng mức giảm trừ gia cảnh vẫn giữ nguyên. Đây cũng là điều không hợp lí. Ngoài ra, hiện biểu thuế có 7 bậc với mức thuế suất từ 5% đến 35%, được áp dụng từ năm 2007. Việc có quá nhiều bậc thuế và khoảng cách giữa các bậc quá hẹp khiến người nộp thuế dễ bị "nhảy bậc" khi tổng hợp thu nhập cuối năm, làm tăng số thuế phải nộp một cách không cần thiết.

Ông Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đưa ra nhận định: "Khoảng cách giữa các bậc thuế rất gần, tạo cho người ta một tâm lý về việc tăng mức thuế rất cao và đồng thời cũng sẽ khó khăn, phức tạp hơn cho người tính thuế, về người thu thuế. Chính vì những yếu tố đó dẫn đến tâm lý của người nộp thuế không muốn phấn đấu nhiều, đặc biệt rất dễ có tâm lý trốn thuế".

Bất cập thuế thu nhập cá nhân - Ảnh 1.

Đã có nhiều đề xuất sửa đổi đối với từng điểm bất cập của Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành

Đề xuất sửa luật thuế thu nhập cá nhân

Đã có nhiều đề xuất sửa đổi đối với từng điểm bất cập của Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành. Đặc biệt là xem xét lại quy định "chỉ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi CPI tăng hoặc giảm 20%". Các chuyên gia đề xuất giao Chính phủ công bố và điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh hàng năm hoặc hai năm một lần. Điều này sẽ đảm bảo chính sách thuế linh hoạt, thay đổi phù hợp với biến động của đời sống xã hội.

Cần sửa toàn diện Luật thuế thu nhập cá nhân về lâu dài là ý kiến của nhiều chuyên gia. Trong đó, giao việc quyết định mức giảm trừ gia cảnh những lần sau cho Chính phủ và quy định việc xác định mức giảm trừ gia cảnh được thực hiện hàng năm.

PGS.TS. Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính cho biết: "Tôi xin lưu ý là thực hiện hàng năm chứ không phải điều chỉnh hàng năm, có nghĩa hàng năm đều phải công bố. Ở thời điểm xem xét đầu năm đó, nếu cần phải điều chỉnh theo các điều kiện mà luật quy định thì điều chỉnh công bố mức tăng lên hoặc giảm đi. Và nếu thấy phù hợp không điều chỉnh thì cũng công bố là năm nay áp dụng mức đó".

Mới đây, khi góp ý vào dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân, tỉnh Hà Tĩnh đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế có thu nhập từ tiền công, tiền lương lên 18 triệu đồng một tháng, với người phụ thuộc ở mức 8 triệu đồng một tháng. Tỉnh Sơn La đề xuất điều chỉnh tăng lên 16 triệu đồng với người nộp thuế.

Ông Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội nhận định: "Chúng ta phải nâng hệ số lên, tối thiểu phải từ 1,5 đến 2 lần. Tôi nghĩ nó mới phù hợp và khuyến khích được người lao động thực sự yên tâm sản xuất lao động và tạo thu nhập để phục vụ cho cuộc sống của mình".

Ngoài ra, có thể tính đến việc quy định mức giảm trừ gia cảnh theo vùng. Bởi chi phí sinh hoạt giữa các vùng miền đang chênh lệch lớn. Tại một số đô thị, chỉ riêng tiền thuê nhà có thể mất từ 8 - 10 triệu đồng/tháng. Trong khi ở nhiều tỉnh lẻ, số tiền này gần như đủ để trang trải sinh hoạt phí cả tháng cho một gia đình nhỏ.

TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính nêu ý kiến: "Mức giảm trừ gia cảnh có lẽ cũng nên tính đến chi phí sống, chi phí sinh hoạt của các vùng".

Với biểu thuế thu nhập cá nhân 7 mức, nhiều ý kiến đề xuất nên giảm số bậc xuống. Bởi như hiện nay, với thu nhập chịu thuế đến 5 triệu phải nộp 5%, trong khi thu nhập 5 đến 10 triệu đã phải nộp thuế gấp đôi là 10%... Và thu nhập 10 đến 18 triệu thì mức thuế suất tăng lên 18%... điều này cho thấy khoảng cách các bậc quá hẹp, dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào năm, làm tăng số thuế phải nộp, áp lực lên người nộp thuế.

Ông Phan Đức Hiếu - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên cho biết: "Nếu như chúng ta không có con số để xem chênh lệch thu nhập thường xuyên giữa người dân ở mức độ nào thì rõ ràng rất khó để đưa ra 5 bậc hay 7 bậc, thậm chí có thể chia nhỏ hơn hoặc chia thấp hơn nếu như chênh lệch về thu nhập theo cơ cấu thực tế".

Theo các ý kiến đề xuất, cần nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao.

Sửa đổi toàn diện luật thuế thu nhập cá nhân

Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội sửa đổi tổng thể, toàn diện các quy định của luật về thu nhập cá nhân hiện hành. Dự kiến sẽ có khoảng từ 30 trong tổng số 35 điều sẽ được sửa đổi, phù hợp với diễn biến của các chỉ số liên quan mức sống của người dân, khắc phục bất cập thời gian vừa qua, cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển hiện nay.

Ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính chia sẻ: "Chúng tôi cũng sẽ điều chỉnh các quy định liên quan đến các khoản giảm trừ cho mục tiêu, mục đích nhân đạo, từ thiện. Chúng tôi cũng dự kiến sẽ báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội bổ sung một số khoản giảm trừ đặc biệt để góp phần thực hiện các chủ trương, các định hướng của Đảng trong việc thúc đẩy phát triển một số lĩnh vực ưu tiên về giáo dục đào tạo, y tế…".

Dự kiến, dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi sẽ trình Quốc hội vào tháng 10 tới đây. Dự án luật được kỳ vọng sẽ tạo ra một bước đột phá quan trọng, hướng tới xây dựng hệ thống thuế công bằng, minh bạch, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân.

Ban Thời sự

vtv.vn