Nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp không lo phải chịu thuế

05/09/2018 09:54:38 AM




Trả lời phỏng vấn TBTCVN, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, cơ quan soạn thảo đang đề xuất đánh thuế nhà ở với ngưỡng là 700 triệu đồng.
Upload file:

 

Nhà ở nên và cần là một đối tượng chịu thuế.   Ảnh: THU DUNG
Nhà ở nên và cần là một đối tượng chịu thuế. Ảnh: Thu Dung

 

Tuy nhiên, giá trị làm căn cứ tính thuế đó không phải là giá mua, giá bán của căn hộ cụ thể, mà đây là tính diện tích căn hộ đó nhân với suất đầu tư (do Bộ Xây dựng công bố). Như vậy với căn hộ 100m2 cho 1 hộ gia đình thì không đánh thuế, trên ngưỡng đó thì chịu thuế.

PV: Với đất, hiện nay người dân vẫn đang nộp thuế hàng năm, chưa điều tiết thuế đối với nhà ở. Theo ông, có cần thiết phải ban hành Luật Thuế tài sản để điều tiết thuế đối với đất, nhà và một số loại hàng hóa có giá trị cao hay không?

TS. Vũ Đình Ánh: Việc ban hành Luật Thuế tài sản là cần thiết, bởi vì dự án Luật Thuế tài sản được đưa ra lần này đã có trong lộ trình tổng thể cải cách hệ thống thuế đến năm 2020, đáp ứng 2 yêu cầu lớn là hội nhập kinh tế quốc tế và phù hợp với trình độ phát triển của kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thuế tài sản có vai trò lịch sử ở nhiều nước trên thế giới và được áp dụng hàng trăm năm nay dưới nhiều mức độ khác nhau, phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.  Việt Nam đã đặt ra thuế nhà ngay từ Pháp lệnh Thuế nhà, đất năm 1991; đến năm 1992 sửa đổi, giữ lại chỉ đánh thuế với đất, không đánh thuế nhà với tư cách là tài sản cố định đặc biệt. Có thể nói, từ khi đó, chúng ta đã đặt ra vấn đề thu thuế một số loại tài sản.

Còn bàn về đối tượng của thuế tài sản, theo tôi thông thường theo định nghĩa về tài sản là của cải vật chất được sử dụng trong sản xuất và tiêu dùng. Phạm trù rất rộng, nên phải xác định những loại tài sản có tính chất như thế nào thì thuộc đối tượng chịu thuế.

Hiện nay chúng ta đã điều tiết thuế đối với đất. Theo tinh thần cách đây 30 năm của Pháp lệnh Thuế nhà, đất, thì đến thời điểm hiện nay cần thiết phải điều tiết thuế đối với nhà ở. Vì thế, theo tôi nhà ở nên và cần là một đối tượng chịu thuế.

PV: Được biết, cách đây 10 năm khi thị trường bất động sản có hiện tượng “bong bóng” bị vỡ, ông đã từng nhận định rằng nếu sớm có thuế bất động sản điều tiết thì có thể góp phần ngăn chặn sự việc đáng tiếc đó. Lập luận này còn khả thi không, thưa ông?

TS. Vũ Đình Ánh: Đúng vậy, cách đây hơn 10 năm tôi đã phát biểu khi bàn về phát triển thị trường bất động sản ở Việt Nam. Tôi khẳng định rằng, nếu như sớm có Luật Thuế tài sản thì có thể góp phần tránh tình trạng bong bóng bất động sản. Tuy nhiên nó không phải là công cụ duy nhất. 

Để đưa ra dự thảo luật lần này, Bộ Tài chính và các đơn vị chức năng được giao nhiệm vụ soạn thảo đã có quá trình chuẩn bị lâu dài, đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế cũng như các lập luận, căn cứ nên đến thời điểm này mới đưa ra xin ý kiến trước khi trình các cấp có thẩm quyền xem xét.

PV: Bàn về ngưỡng chịu thuế, nhiều người hiện còn nhầm lẫn về cách tính, tưởng rằng đó là giá mua bán nhà trên thị trường, nhưng thực chất là giá theo từng cấp hạng nhà do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm tính thuế (căn cứ trên suất vốn đầu tư xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành). Ví dụ, Bộ Tài chính mới tính thử căn hộ chung cư 75m2 nếu xây mới thì thuế nhà chỉ ở mức 113.000 đồng/năm. Ông nhận xét ra sao về điều này?

TS. Vũ Đình Ánh: Điều này xuất phát từ cách hiểu tương đối khác nhau của ban soạn thảo và những phản hồi liên quan đến nội dung ngưỡng giá trị chịu thuế nhà. Sự khác nhau ở đây là theo cách tính của dự thảo luật. Giá trị làm căn cứ tính thuế đó không phải là giá mua, giá bán của căn hộ cụ thể, kể cả nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội, mà ở đây tính diện tích căn hộ đó nhân với suất đầu tư (do Bộ Xây dựng công bố) tùy theo từng phân loại nhà khác nhau.

Chính vì thế, những lo ngại nhà ở xã hội và nhà ở thu nhập thấp cũng phải chịu thuế thì không đúng. Ban soạn thảo đã lường đến trường hợp đó và kể cả ở mức 700 triệu đồng cũng là ngưỡng để đảm bảo cho người có thu nhập thấp, người ở nhà xã hội có thể tiếp cận nhà ở và họ không phải là đối tượng chịu tác động của luật.

PV: Dư luận hiện còn băn khoăn khi cho rằng, nếu lựa chọn tính thuế với căn nhà thứ hai như trước đây từng bàn sẽ hợp lý hơn, bởi vì đây cũng là cách nhiều nước đang áp dụng. Theo ông cách đánh thuế nào là phù hợp?

TS. Vũ Đình Ánh: Đúng là trước đây chúng ta đã không ít lần bàn thảo về xác định căn nhà thứ hai, thứ ba. Nhưng ở đây, mục tiêu chính của Luật Thuế tài sản không phải là hạn chế đầu cơ bất động sản, mà mục tiêu chính căn cứ vào chức năng của thuế, đó là tạo ra nguồn thu cho ngân sách nhà nước, phân phối lại thu nhập và điều tiết nền kinh tế. Như vậy, việc giả định chống đầu cơ hay chống bong bóng bất động sản cũng chỉ là một nội dung nhỏ trong chức năng điều tiết nền kinh tế của luật thuế.

Về quan điểm bản chất thuế, nên đánh thuế với bất cứ tài sản nào không phân định nó là tài sản thứ nhất, hay thứ hai. Vấn đề tiếp theo liên quan đến kỹ thuật. Khi nói về nhà thứ nhất, thứ hai sẽ liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau, đến nguyên tắc rất quan trọng của thuế đó là đơn giản, công bằng, hiệu quả. Do đó, lựa chọn cách tính thuế theo giá trị là phù hợp với bản chất của thuế tài sản, đáp ứng chức năng của thuế tài sản và nguyên tắc cơ bản của một sắc thuế.

PV: Theo như ông phân tích, việc đánh thuế theo giá trị là phù hợp, vậy ngưỡng tính thuế nên ở mức 700 triệu đồng hay 1 tỷ đồng, thưa ông?

TS. Vũ Đình Ánh: Cơ quan soạn thảo đang đề xuất đánh thuế nhà ở với ngưỡng là 700 triệu đồng. Lập luận của cơ quan soạn thảo cho rằng tính diện tích bình quân đầu người nhân với suất đầu tư (giá thành xây dựng cho đơn vị diện tích nhà ở). Như vậy với 100 m2 trong 1 hộ gia đình thì trong ngưỡng đó không đánh thuế, trên ngưỡng đó thì chịu thuế. 

Tôi cho rằng, đó cũng là căn cứ tương đối phù hợp với hiện trạng hiện nay về nhà ở và các điều kiện sinh sống của các hộ gia đình ở Việt Nam - kể cả nông thôn và đô thị. Tuy nhiên, đây không phải là căn cứ duy nhất để đánh thuế. Ngưỡng đánh thuế nhà ở cần dựa thêm các tiêu chí như yếu tố về chính trị ngoài yếu tố về kinh tế, tài chính; đặc biệt cần quan tâm đến trình độ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian hiện tại và tương lai khi áp dụng thuế tài sản nếu Luật Thuế tài sản được thông qua. Đây là những tính toán cần bổ sung thêm. Đặc biệt, ngưỡng đó cần phải có sự tham khảo, đánh giá nhiều chiều, để có được sự đồng thuận cao nhất trong xã hội.

PV: Dự thảo dự án Luật Thuế tài sản vẫn đang trong giai đoạn lập hồ sơ xin ý kiến để hoàn thiện trước khi trình Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2019. Ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết phải có những ý kiến đóng góp trên cơ sở khoa học để Bộ Tài chính xem xét, hoàn thiện luật? 

TS. Vũ Đình Ánh: Tôi cho rằng, phản ứng của dư luận cũng là dễ hiểu, bởi mỗi khi có sự điều chỉnh về thuế sẽ có tác động đến đông đảo người dân. Phải lưu ý rằng thời điểm này, Bộ Tài chính đang đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội. Theo tôi, cơ quan soạn thảo cần giải thích rõ cho dư luận hiểu về bản chất của thuế tài sản, tại sao lại xác định mức thuế như vậy... Còn các ý kiến đóng góp cũng nên đưa ra lập luận và căn cứ khoa học khi phản biện, cho ý kiến vào dự án luật.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

 

Theo Thời báo Tài chính