Việt Nam không phải thiên đường thuế

06/15/2022 11:42:59 AM

15/06/2022


Đó là chia sẻ của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh tại hội thảo "Thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam" do Tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn tổ chức ngày 14/6 tại Hà Nội.
Upload file:

 

                                     Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh phát biểu tại hội thảo.

Theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài (VAFIE) đánh giá thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề thời sự được các quốc gia và các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới quan tâm. Thuế tối thiểu toàn cầu để chống lại cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư thông qua giảm thuế suất thuế thu nhập DN; các quốc gia được khuyến khích hành động để hưởng lợi từ việc hạn chế cạnh tranh thuế và tránh việc các khoản thu thuế bị thu ở nơi khác, do đó Việt Nam cần chủ động tham gia và cần có giải pháp thích ứng để vừa bảo đảm thực hiện quy định của quốc tế, vừa bảo đảm lợi ích dân tộc.

GS-TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, khi tham gia cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề chủ yếu như, phải đảm bảo mức thuế thu nhập DN bằng hoặc cao hơn mức tối thiểu đã được thống nhất trên toàn cầu; Bãi bỏ tất cả các ưu đãi thuế được quy định tại các luật thuế và luật đầu tư nhằm giảm hoặc loại bỏ thuế đánh vào lợi nhuận, bởi vì các hình thức khuyến khích này có hiệu quả thấp trong việc thu hút đầu tư.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh, về trụ cột 2 trong Chương trình hành động BEPS đánh vào Thuế Thu nhập DN tối thiểu toàn cầu đã thống nhất trong G7. Quan điểm của Bộ Tài chính là bảo vệ quyền đánh thuế của Việt Nam.

Hiện, G20 và EU đang chuẩn bị hướng dẫn thực hiện Thuế tối thiểu toàn cầu từ 2023; Một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản đã rà soát ảnh hưởng, nghiên cứu đưa các nội dung vào luật thuế. Ngay các nước trước đó có thuế suất 0% như Singapore, Hong Kong đã nhanh chóng nâng thuế suất lên 15%. Nhiều nước khác cũng đang nghiên cứu, sửa đổi ưu đãi thuế TNDN với ĐTNN.

Với Việt Nam, hiện đã ký 83 hiệp định thương mại với các nước và tổ chức trên thế giới. Bình quân thuế suất ưu đãi là 12,3%. Đáng chú ý, đầu tư vào Việt Nam khác rất nhiều với đầu tư vào các thiên đường thuế, vì trong hơn 386.000 dự án đầu tư vào Việt Nam, các dự án chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất, phân phối điện, khí đốt và bất động sản. Việt Nam chỉ tập trung ưu đãi thuế cho 3% số dự án đang hoạt động. Một số tập đoàn lớn thuế suất ưu đãi chỉ 2,75% đến 5,95%. Đó là ưu đãi của Việt Nam để thu hút dự án lớn, phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.

                                                   Các đại biểu trong nước và nước ngoài tham dự hội thảo.

Nếu Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có một số tác động (cả tích cực lẫn tiêu cực) theo đó có thể làm giảm hiệu quả ưu đãi thuế cho đầu tư nước ngoài, có thể ảnh hưởng nguồn đầu tư chất lượng cao, quy mô lớn, giảm vị thế cạnh tranh đầu tư và thương mại; ảnh hưởng đến chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia thu hút DN quy mô lớn, trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch; Cuối cùng ảnh hưởng đến xuất khẩu và các cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại hối.

Tuy nhiên, thuế tối thiểu toàn cầu cũng mang lại một số thuận lợi như tăng thu trong nước khi hiện nay Việt Nam đã có 21 tỷ USD đầu tư ra nước ngoài và cũng có DN Việt Nam đi đầu tư tại thiên đường thuế. Những dự án đang hoạt động tìm giải pháp ưu đãi tiếp tục, nhưng biện pháp dài hạn buộc phải nâng thuế suất tối thiểu lên 15%, giúp tăng thuế và Việt Nam sẽ thu hàng trăm nghìn tỷ từ bỏ ưu đãi. Đây cũng là cơ hội nâng cao hiệu quả đầu tư, theo quy hoạch, định hướng phát triển, cân đối hài hoà đầu tư, trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thời gian áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cần đàm phán đa phương, song phương về điều khoản chuyển tiếp với các nước đang phát triển, từ đó có thể kéo dài thời gian cho các dự án trọng điểm, và một số nước đầu tư quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc... trong một thời gian để đủ thiết kế chính sách phù hợp.

                                                       Các diễn giả trong nước và nước ngoài tham luận tại hội thảo.

Đây là nhiệm vụ của các cơ quan tài chính, Bộ Ngoại giao với mục tiêu cuối cùng là phải ban hành được thuế suất thuế thu nhập DN tối thiểu trong nước theo mức 15%. Để thực hiện được việc này cần có đột phá để sửa đổi luật sớm hơn để theo kịp nhịp đập của thế giới, ban hành như các nước tương đồng.

Đồng quan điểm TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV cho rằng thuế tối thiểu toàn cầu được xây dựng nhằm ngăn chặn “cuộc đua xuống đáy” về thuế suất ưu đãi giữa các quốc gia. Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ góp phần tạo ra một hệ thống thuế có sự phối hợp của nhiều quốc gia và dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2023.

Về tác động đối với kinh tế, đầu tư toàn cầu, việc áp dụng thuế toàn cầu sẽ làm giảm sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư tại các quốc gia đang phát triển vốn chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế để thu hút đầu tư nước ngoài. Các quốc gia phát triển có thể là bên hưởng lợi nhiều hơn từ thuế tối thiểu toàn cầu.

Lan Trung

 

 

Tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn