Được sử dụng hóa đơn giấy đến 30/6/2022: Thêm thời gian chuyển đổi, tránh lãng phí hóa đơn đã in

01/05/2021 10:32:43 AM




Trao đổi với phóng viên TBTCVN, luật sư Lê Thị Hồng Vân, Giám đốc Công ty luật TNHH Labor Law cho rằng, Nghị định 123/2020/NĐ-CP cho phép tiếp tục áp dụng hóa đơn giấy đến 30/6/2022 giúp cho doanh nghiệp có thêm thời gian chuyển đổi, cũng như tránh lãng phí vì số hóa đơn giấy đã in.
Upload file:

 

Làm thủ tục mua hoá đơn tại Cục Thuế Nghệ An. Ảnh: Nhật Minh
Làm thủ tục mua hoá đơn tại Cục Thuế Nghệ An. Ảnh: Nhật Minh
 

PV: Như bà đã biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 123 quy định về hóa đơn, chứng từ. Nghị định đã quy định cụ thể thời gian bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử từ 1/7/2022. Điều này có nghĩa từ nay đến trước thời hạn trên, người nộp thuế vẫn có thể sử dụng hóa đơn giấy để giao dịch. Bà đánh giá như thế nào về quy định này?

- Ls. Lê Thị Hồng Vân: Đối với bất kể văn bản pháp luật nào ra đời nhằm thay thế cho văn bản pháp luật cũ, hoặc sửa đổi thì cũng cần có thời gian để chuyển đổi, đặc biệt với quy định về hóa đơn. Bởi lẽ, chúng ta đã có thời gian rất dài và đã quá quen   với việc sử dụng hóa đơn giấy, do vậy việc chuyển đổi từ việc sử dụng hóa đơn giấy sang sử dụng hóa đơn điện tử cần phải có một khoảng thời gian vừa đủ để các doanh nghiệp làm quen.

 Ls. Lê Thị Hồng Vân

Ls. Lê Thị Hồng Vân

Việc Nghị định 123 quy định về thời gian áp dụng hóa đơn điện tử kể từ ngày 1/7/2022, đồng nghĩa với việc vẫn cho phép các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn giấy đến ngày 30/6/2022 là rất hợp lý. Quãng thời gian này đủ để doanh nghiệp nghiên cứu, tìm hiểu đơn vị cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử, đồng thời, cán bộ kế toán của doanh nghiệp cũng có thời gian tìm hiểu và sử dụng thành thạo hóa đơn điện tử, tránh sai sót trong quá trình sử dụng hóa đơn dẫn đến những phiền toái cho doanh nghiệp và khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan thuế.

PV: Không chỉ quy định rõ thời gian bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử, để quản lý chặt hóa đơn, Nghị định 123 cũng yêu cầu người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phải lập hóa đơn để giao cho người mua. Người mua cũng có trách nhiệm yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn. Quy định này được cho là khá chặt chẽ, đảm bảo tránh thất thu thuế. Ý kiến của bà về nội dung này như thế nào?

- Ls. Lê Thị Hồng Vân: Công tác chống thất thu thuế giá trị gia tăng luôn là vấn đề nan giải. Bởi lẽ, cá nhân, tổ chức sử dụng hóa đơn (người bán) cũng như người mua đều chưa nhận thức được đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước.

Lấy ví dụ cụ thể, khi đi ăn uống, những hàng hóa, dịch vụ đã có hóa đơn thì người bán phải viết hóa đơn và gửi cho người mua (kể cả là cá nhân). Tuy nhiên, đối với cá nhân (là người mua) thì đều không yêu cầu người bán viết hóa đơn cho mình. Do đó khoản thu nhập này không được khai báo, đồng nghĩa với việc Nhà nước thất thu thuế. Hiện tượng như ví dụ trên là rất nhiều, trừ những người mua là các doanh nghiệp thì có yêu cầu người bán viết hóa đơn để có hóa đơn khấu trừ đầu vào cho doanh nghiệp mình.

Điều 4 Nghị định 123 đã có quy định chặt chẽ hơn và quy định quyền, nghĩa vụ của người bán phải lập hóa đơn và người mua yêu cầu cung cấp hóa đơn. Như vậy, khi cả người bán và người mua cùng tuân thủ quy định này thì Nhà nước sẽ không bị thất thu thuế. Tuy nhiên, để đảm bảo rằng quy định này được các bên tuân thủ, phải có cơ chế kiểm tra, cũng như chế tài xử lý thật nghiêm minh, có tính răn đe thì quy định mới đi vào thực tế và được áp dụng toàn diện.

PV: Mặc dù nghị định có hiệu lực thi hành từ 1/7/2022, tuy nhiên theo khuyến cáo của Tổng cục Thuế và nhiều chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thuế, doanh nghiệp nên chủ động chuyển đổi áp dụng hóa đơn điện tử càng sớm càng tốt. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Nên tổ chức tập huấn cho người nộp thuế

Để quy định mới về hóa đơn đi vào cuộc sống, ngành Thuế cần có biện pháp tuyên truyền rộng rãi. Hiện nay, chúng ta có rất nhiều kênh thông tin như truyền hình, báo giấy và báo điện tử, qua webside của cơ quan thuế… Ngoài ra, cơ quan thuế nên tổ chức các buổi tập huấn và gửi thông tin đến các cá nhân, doanh nghiệp thông qua email mà các cá nhân, doanh nghiệp cung cấp cho cơ quan thuế để họ biết và cử cán bộ theo dõi; đồng thời tuyên truyền về lợi ích lớn của hóa đơn điện tử trong thời đại số hiện nay, nhằm xây dựng một xã hội minh bạch, tránh thất thu thuế cho Nhà nước và nâng cao trách nhiệm của công dân. LS. Lê Thị Hồng Vân

- Ls. Lê Thị Hồng Vân: Theo tôi, nghị định đưa ra khoảng thời gian khá dài để các cá nhân, tổ chức chuyển đổi sử dụng từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử, tuy nhiên nếu có thể thì nên chuyển đổi sớm. Thứ nhất, trong thời gian chuyển đổi này, có rất nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ đưa ra các tư vấn miễn phí, cũng như hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp, người nộp thuế để chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử. Thứ hai, mức phí rất thấp và còn được hỗ trợ chữ ký điện tử cho người sử dụng hóa đơn mà không cần sử dụng USB token để ký phát hành hóa đơn điện tử, đồng thời hỗ trợ cung cấp tài khoản phụ cho nhân viên kế toán để theo dõi việc sử dụng hóa đơn…

Trong thời điểm này, việc được các đơn vị cung cấp dịch vụ sử dụng hóa đơn điện tử hỗ trợ như vậy là rất thuận lợi. Nếu có sai sót hoặc chưa sử dụng thành thạo có thể được tư vấn và hỗ trợ nhiệt tình. Ngoài ra, việc sửa đổi hóa đơn do viết sai thông qua việc sử dụng hóa đơn điện tử cũng không mất thời gian làm biên bản sửa đổi có chữ ký hai bên mà sửa đổi ngay trên phần mềm của hóa đơn điện tử, điều này đỡ rất nhiều thời gian và các thủ tục rườm rà.

Nếu có thể, chúng ta nên chuyển đổi sớm để đến khi chính thức áp dụng hóa đơn điện tử thì không vấp phải những sai sót không đáng có. Ngay như doanh nghiệp của tôi, chúng tôi đã sử dụng hóa đơn điện tử từ quý III/2020 và đã thành thạo. Chúng tôi nhận thấy lợi ích rất lớn từ việc sử dụng hóa đơn điện tử và cảm thấy hài lòng.

PV: Xin cảm ơn bà!

 

Theo Thời báo Tài chính