Quản lý hóa đơn điện tử bằng trí tuệ nhân tạo

06/06/2022 10:58:53 AM

06/6/2022


Việc phủ sóng hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc đã triển khai được hơn 1 tháng, sau khi giai đoạn 1 thành công ở 6 tỉnh, thành phố. Hiện đã có 92,6% tổng số doanh nghiệp và hơn 52 nghìn hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đã kê khai, đăng ký và chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, vướng mắc cũng vẫn còn và ngành Thuế đang tập trung tháo gỡ kịp thời. Đồng thời, để phát hiện hành vi vi phạm về hóa đơn điện tử, ngành Thuế sẽ sử dụng cơ sở dữ liệu lớn, cũng như sử dụng trí tuệ nhân tạo để quản lý hóa đơn.
Upload file:

 

Khoảng 6,5 - 7 tỷ hoá đơn sử dụng mỗi năm

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, đến ngày 24/5, số lượng người nộp thuế là doanh nghiệp thực hiện trong giai đoạn 1 đạt 100%; giai đoạn 2 có 309.243 doanh nghiệp thực hiện (chiếm 83,6% tổng số doanh nghiệp). Số lượng người nộp thuế là cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai trong giai đoạn 1 cũng bảo đảm 100% tham gia, với tổng số 30.489 cá nhân kinh doanh. Như vậy, trên cả nước, đã có 764.314 doanh nghiệp (chiếm 92,6% tổng số doanh nghiệp) và 52.778 hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký và chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT).

Số lượng hóa đơn cơ quan thuế đã tiếp nhận xử lý từ khi triển khai đến ngày 24/5/2022 là hơn 318 triệu hóa đơn. Theo ước tính của Tổng cục Thuế, khi toàn bộ người nộp thuế sử dụng HĐĐT, số HĐĐT trong một năm dự kiến là 6,5 - 7 tỷ hóa đơn, trung bình 1 tháng 400 - 500 triệu HĐĐT được sử dụng.

                       Trung tâm điều hành triển khai hóa đơn điện tử của Tổng cục Thuế.

Để triển khai HĐĐT thành công, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã từng bước chuẩn bị, hoàn tất về cơ sở vật chất, cũng như hạ tầng kỹ thuật: ban hành các kế hoạch triển khai chi tiết; huy động nguồn lực của cả hệ thống chính trị tại các tỉnh, thành phố trên cả nước để tham gia chỉ đạo và trực tiếp triển khai; thành lập Trung tâm điều hành và hỗ trợ triển khai HĐĐT tại Tổng cục Thuế để tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp kịp thời các yêu cầu phát sinh trong quá trình triển khai; thực hiện kết nối với các tổ chức nhận, truyền và lưu trữ dữ liệu hoá đơn điện tử…

Ngoài ra, cơ quan thuế các cấp đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến về chính sách, quy định cũng như lợi ích khi áp dụng HĐĐT; tập huấn về chính sách, quy trình quản lý cho cả cán bộ thuế và người nộp thuế.

Với việc triển khai HĐĐT, Tổng cục Thuế kỳ vọng góp phần ngăn chặn kịp thời hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích; góp phần ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế.

Phát hiện vi phạm bằng trí tuệ nhân tạo

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo được tổ chức chiều ngày 1/6, một số ý kiến phản ánh rằng vẫn còn tình trạng "rao" mua bán hóa đơn trên các trang tìm kiếm như google. Phản hồi về vấn đề này, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho hay, thời gian vừa qua, cơ quan thuế chưa phát hiện trường hợp gian lận HĐĐT. Tuy nhiên, việc gian lận hóa đơn đều có thể xảy ra ở bất kỳ hình thức nào, dù giấy hay điện tử.

Mặc dù vậy, ông Minh cho rằng, để dòng chảy thương mại liên tục lưu thông, HĐĐT có thể được xuất ra ngay. Song, HĐĐT có lưu vết trên hệ thống cơ quan thuế và doanh nghiệp thực hiện xuất hóa đơn phải tồn tại. Do đó, cơ quan thuế có thể đối soát thuận lợi, dễ dàng phát hiện doanh nghiệp “ma” và có biện pháp quản lý rủi ro, sử dụng các biện pháp như phân tích dữ liệu lớn, phân tích xu thế, sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện hành vi vi phạm. Hơn nữa, ngành Thuế đang có đề án ứng dụng công nghệ để phân tích, phát hiện nhanh, xử lý triệt để vấn đề gian lận hóa đơn.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Giang Văn Hiển - Phó Cục trưởng Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, đơn vị đã có nhiều văn bản chỉ đạo về việc ngăn chặn tình trạng buôn bán hóa đơn. Hiện nay, Tổng cục Thuế đang xây dựng ứng dụng làm công tác xác minh về xuất hóa đơn, xác minh xem doanh nghiệp có bán hàng hay không. Đặc biệt, cơ quan thuế thành lập Ban Chỉ đạo 1385 để xử lý việc buôn bán hóa đơn. Về mua bán hóa đơn trên mạng, theo ông Hiển đây là hành động vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng nếu họ đưa hình ảnh lên mạng thì chưa thể khẳng định họ có vi phạm hay không. Việc quảng cáo buôn bán hóa đơn có hay không, cơ quan thuế sẽ phải xác minh, nếu có thì sẽ căn cứ theo quy định pháp luật để phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra xử lý.

“Một mình cơ quan thuế không thể xử lý hành vi gian lận trong mua bán hóa đơn. Vì vậy Tổng cục Thuế đã ban hành văn bản gửi các bộ, địa phương cùng vào cuộc xử lý tình trạng tổ chức cá nhân buôn bán hóa đơn” - ông Hiển nhấn mạnh.

Một vướng mắc khác nhiều doanh nghiệp gặp phải khi chuyển đổi sang HĐĐT là một số địa phương chưa có sự thống nhất giữa cơ quan thuế với cơ quan công an về loại hóa đơn. Đơn cử như một số doanh nghiệp kinh doanh ô tô, xe máy, cơ quan công an khi kiểm tra vẫn yêu cầu hóa đơn giấy.

Về vấn đề này, đại diện Cục Công nghệ thông tin của Tổng cục Thuế cho biết, trong thời gian tới sẽ giải quyết tình trạng này bằng cơ chế liên thông, phối hợp cung cấp dữ liệu giữa cơ quan thuế với cơ quan công an, hải quan và quản lý thị trường, tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp và người nộp thuế.

                                                                                                                                                                   Hồng Vân

 

thoibaotaichinhvietnam